Ngoại không phải lúc nào tốt

15.6191
(TT&VH) - Chỉ có Bình Dương là đội bóngcầu thủ ngoại nhập quốc tịch ra sân, giành được chiến thắng trong tổng số 6 trận đấu ở vòng 1. HAGL với 5 “tây” đã bị đánh bại bởi Khánh Hòa còn chưa hoàn tất thủ tục biến 2 cầu thủ ngoại thành người Việt Nam. HPHN với Trần Lê Martin, ngoài 3 cầu thủ ngoại khác, đã thua ngược HN T&T. Ninh Bình với Đinh Hoàng La ở trong khung thành và bộ 3 cầu thủ ngoại cũng không thể thắng ĐTLA chỉ đá với 3 ngoại binh, ngay ở cố đô Hoa Lư.

Mà Bình Dương từ lâu rồi đã mạnh và được đánh giá ở sự gắn kết giữa các tuyến và bản lĩnh của đội bóng đã từng lên ngôi vô địch 2 năm liền. Sự ra đi của khá nhiều ngôi sao chỉ giảm bớt đi sức mạnh bề nổi, còn cái chất của họ vẫn thế. Hơn nữa, Bình Dương cũng đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng nhiều hơn 1 cầu thủ ngọai so với quy chế 3 cầu thủ ra sân, và bản thân Huỳnh Kesley đã là một ngôi sao rồi.

Sự thất bại (hoặc chưa thể chiến thắng) của đa số các đội bóng có ngoại binh nhập quốc tịch nói trên phải chăng cũng là mặt trái của một xu thế và tư tưởng của các đội bóng (ông bầu và HLV), rằng cứ có nhiều “tây” hơn là sẽ thắng?


 Kesley ở Bình Dương là đội bóng có ngoại binh nhập tịch duy nhất chiến thắng ở vòng 1

Dĩ nhiên, có nhiều ngoại binh hơn là có ưu thế hơn, bởi từ lâu, người ta vẫn đánh giá các cầu thủ ngoại cao hơn các cầu thủ nội, chí ít cũng ở khía cạnh thể lực, thể hình và cả một số kỹ năng cơ bản.

Song, có một thực tế không phủ nhận, rằng trong đội bóng, người ta cần có cả sự cân bằng giữa số lượng các cầu thủ được xếp vào diện “thợ” với những cầu thủ được ưu ái thuộc thành phần “thầy”. Có những CLB và có những HLV với triết lý, rằng trong một đội bóng chỉ cần 1 “thầy” là đủ. 10 cầu thủ “thợ” sẽ chiến đấu và làm nền tảng để cầu thủ “thầy” phát huy tính sáng tạo và chơi ngẫu hứng. Khi các CLB có 3 cầu thủ ngoại, thường có ít nhất 1 trong số đó đóng vai trò công nhân, và khi ấy, có 2 cầu thủ chơi và luôn mang trong mình tâm lý ông chủ đã là đủ.

Chưa hết, đôi khi dựa vào sức mạnh tốc độ và tì đè, các cầu thủ ngoại ít chú ý tới yếu tố chiến thuật, lối chơi. Cứ cầm bóng, đẩy dài, đua tốc độ trên cả quãng đường dài nửa hoặc 2/3 sân, hoặc bóng cứ tới chân là sút, họ cũng có thể ghi bàn. Vậy nên, một đội bóng chỉ cần có nhiều hơn 2 cầu thủ chơi theo cách đó, họ lập tức sẽ trở thành tập thể không có tổ chức trong lối chơi, thiếu kỷ luật trong việc tuân thủ đấu pháp.

HPHN ở vòng 1 trước HN T&T đã xếp Trần Lê Martin đá ở vị trí tiền vệ tổ chức (sau khi đã thử nghiệm ở vai trò tiền đạo, rồi trung vệ và cả tiền vệ biên). Sự liên lạc của Martin thiếu chặt chẽ với các vệ tinh. Furrier đá cá nhân hơn là phối kết hợp với các đồng đội. Khi Furrier chưa bi kèm chặt, anh đã ghi bàn, nhờ đồng đội kiến tạo. Khi các hậu vệ HN T&T đeo bám gắt gao, Furrier bị phong tỏa và anh lại không thể làm vai trò kiến tạo, làm tường cho các cầu thủ khác. Trên thực tế, HPHN ở trận đấu đó, chỉ có trung vệ Krause-một “công nhân đá bóng” là chơi tốt xuyên suốt trận đấu (2 bàn thua không đơn thuần là lỗi của anh).

HAGL thất bại ở khía cạnh khác, cả Nirut và Sakda đều là những cầu thủ “công nhân”. Nghĩa là họ không gặp phải vấn đề có quá nhiều cầu thủ thích thể hiện cái tôi của mình. Vấn đề lại ở khía cạnh khác: là bộ đôi cầu thủ Thái nói trên thực ra chỉ đạt trình độ ngang bằng với các cầu thủ nội.

HAGL cũng như các đội bóng khác đã, đang và sẽ cố gắng đi tìm những cầu thủ có chất lượng để nhập quốc tịch cho họ, phục vụ cho tham vọng bá vương ở BĐVN. Thế nhưng, liệu có phải hợp lý hơn nếu như họ tính toán trên phương diện các cầu thủ đó phải phục vụ được mục tiêu chuyên môn của đội bóng, và thậm chí, cũng sẽ không sai nếu bảo họ phải tìm cả những HLV biết biến số đông cầu thủ ngoại thành một ưu thế rõ rệt!

Phạm Tấn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]