Nhớ thương Người ta phải sống tốt hơn

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Cả nước đã tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Đại tướng đã yên giấc ngàn thu và để lại cho chúng ta trọn vẹn cả cuộc đời và sự nghiệp của mình với 103 năm vinh quang trên cõi thế. Đó là một tặng phẩm vô cùng to lớn cho tất cả chúng ta, nhưng đồng thời, từ nay, mỗi người cũng sẽ cảm thấy, rõ hơn bao giờ hết, trách nhiệm của chính bản thân mình với những gì mà Đại tướng để lại; với những gì mà sự ra đi của Đại tướng đã khơi dậy trong lòng mình trong những ngày này.

15.6027

Một cách hết sức tự nhiên, trong những ngày tang lễ Đại tướng, tinh thần dân tộc đã lên rất cao, không chỉ trong những thế hệ trung niên - những người đã trải qua các cuộc kháng chiến - mà cả trong lớp trẻ ngày nay… Tinh thần ấy trỗi dậy như một làn sóng ngầm trong tâm tưởng của mỗi người khi  xếp thành các hàng dài trước các điểm viếng hay khi nghiêng mình mặc niệm trước di ảnh của Người.

Tinh thần ấy khiến chúng ta tự hứa với lòng mình rất nhiều trong thời khắc thiêng liêng vĩnh biệt Đại tướng, khi linh cữu Đại tướng được hạ xuống mảnh đất Vũng Chùa - Đảo Yến và những nắm đất của quê hương Quảng  Bình bắt đầu được rải lên trên ….

Nhưng suy nghĩ ấy không chỉ là để ôn lại quá khứ hào hùng mà còn để chúng ta nhận rõ hơn về cuộc sống của chính mình hôm nay và mãi về sau này…

2. Nghĩ về Đại tướng, chúng ta nhận ra rằng, Đại tướng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã trải qua những thời khắc khó khăn hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta phải đối mặt ngày nay -  trong nền kinh tế thị trường đang phải “tái cơ cấu” và trong sự hội nhập với muôn vàn thách thức… Nhưng bằng sự đồng lòng đoàn kết, bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng, Đại tướng đã góp phần quan trọng làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu trong thế kỷ 20, đưa đất nước Việt Nam “từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Chúng ta nhớ rằng, năm 1944, giữa lúc nước sôi lửa bỏng, lực lượng vũ trang của Đại tướng mới có 34 chiến sĩ “chân đất” trong đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Vậy mà chỉ 1 năm, lực lượng ấy đã thành một làn sóng “người lên như nước vỡ bờ” trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền, rồi Toàn quốc kháng chiến.

Nghĩ về Đại tướng, chúng ta nhận ra rằng, đất nước Việt Nam chúng ta trong thế kỷ 20, chưa có nhiều tiềm lực và vị thế quốc tế như ngày nay, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh… và với vai trò Tổng chỉ huy quân đội của Đại tướng, chúng ta đã dám đương đầu và đã đánh thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất trong lịch sử, đó làThực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Vậy thì ngày nay, nước Việt Nam ta, đã lớn hơn, mạnh hơn, chúng ta phải tự cường được với thế giới. Chúng ta yêu chuộng hòa bình, như Đại tướng nhận mình là Đại tướng của Hòa bình, nhưng chúng ta cũng sẵn sàng “quyết chiến, quyết thắng” vì không gì quý hơn độc lập tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Nghĩ về sự ra đi của Đại tướng và những giọt nước mắt của hàng vạn, hàng triệu đồng bào trong những ngày này, chúng ta càng hiểu hơn một lẽ sống ở đời. Đó là sự tận trung, tận hiến cho đất nước, sự tận tụy hết mình cho đồng bào, đồng chí.

Nhân dân rất công bằng, không bao giờ quên ơn ai, từ ngàn đời nay đã thế. Bởi thế, ngay khi biết tin Đại tướng mất, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhận định rằng, theo phong tục tín ngưỡng truyền thống, chắc chắn nhân dân sẽ lập đền thờ để ghi nhớ công ơn Đại tướng.

3. Hai ngày Quốc tang Đại tướng đã chậm rãi trôi qua. Hôm nay, 14/10, ngày đầu tuần, chúng ta trở lại với những ngày làm việc bình thường, với những lo toan, vất vả thường nhật; với những dự định  còn dở dang trước đó…

Thế nhưng, những gì mà Đại tướng khơi dậy trong chúng ta những ngày này chắc chắn sẽ không phải là những cảm xúc nhất thời, chắc chắn không phải là những lời hứa bồng bột. Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng, kế thừa di sản tinh thần mà Đại tướng để lại. Tuổi trẻ ngày hôm nay, mỗi người ở mỗi công việc, vị trí khác nhau, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở đâu, mỗi người cũng có thể tận trung, tận hiến, tận tụy… cho đất nước, cho đồng bào, cho công việc của mình và cho những người xung quanh. Cuộc sống luôn công bằng đối với những người như thế.

Chúng ta cần biến tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại tướng thành một phong trào rộng lớn trong giới trẻ, trong đấu tranh với thù trong giặc ngoài và trong đấu tranh với mọi thách thức trong cuộc sống.

Đó là cách để tinh thần của Đại tướng bất tử trong chúng ta.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]