Thực hành chẩn đoán và điều trị chốc

15.6102

Chốc là bệnh nhiễm trùng ngoài da rất dễ lây lan, thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, người trưởng thành đôi khi cũng mắc phải. Chốc thường xuất hiện trước tiên ở những vùng da như mặt, bàn tay, cánh tay, chân... Sau đó lan ra các vùng chung quanh do người bệnh cào gãi.

Nguyên nhân

Bệnh gây ra do vi khuẩn Streptococcus nhóm A hay Staphylococcus.

Sự xâm nhập của vi khuẩn qua da thường bắt đầu từ một tổn thương trên da như vết cắt, vết lở do mụn rộp, vùng da bị chàm, bị cào gãi trầy xước...

Bệnh phát triển dễ dàng và lây lan nhanh trong thời tiết nóng.

 Bệnh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc do dùng chung các đồ vật, dụng cụ...

Chẩn đoán

Bệnh khởi đầu với các mụn nước màu đỏ xuất hiện trên da. Các mụn này dễ vỡ, và khi vỡ ra thì tạo thành một vùng da ẩm, rỉ nước, dần dần khô lại thành những vảy màu vàng sậm, hay màu mật ong. Chỗ đóng vảy có thể khô hoặc tiếp tục rỉ nước.

Chốc phát triển ở vùng da quanh miệng thường rất dễ nhầm với các mụn rộp môi gây ra do virus Herpes simplex. Tuy nhiên, mụn rộp môi thường nhỏ hơn so với chốc.

Vùng da bị bệnh có thể lan rộng ra, hoặc tiếp tục xuất hiện những vùng da bệnh khác trên cơ thể.

Các trường hợp nặng có thể làm sưng các hạch bạch huyết vùng cổ, nách... tùy theo vị trí vùng da bị bệnh, có thể kèm theo sốt.

Các biến chứng có thể có là nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận...

Điều trị

Dùng xà phòng diệt trùng và nước ấm để rửa sạch vùng da bị bệnh, đồng thời làm mềm các lớp vảy khô cứng. Sau đó lau khô. Dùng thuốc mỡ hoặc kem có chứa kháng sinh bôi lên vùng tổn thương mỗi ngày 3 – 4 lần.

Khuyên người bệnh, đặc biệt là trẻ em, không nên cào gãi nhiều vì sẽ làm tổn thương da và làm lan nhanh các vùng da bị bệnh.

Các trường hợp nặng hoặc nhiễm trùng lan rộng, có thể dùng kèm kháng sinh dạng viên uống, chẳng hạn như flucloxacillin 250mg mỗi ngày 4 lần trong 5 ngày. Bệnh nhân dị ứng với penicillin có thể thay bằng erythromycin.

Song song với việc điều trị, các vật dụng cá nhân của người bệnh như khăn, gối, chăn, màn... cần phải được vệ sinh và khử trùng triệt để, tốt nhất là nấu qua nước sôi.

Phòng ngừa

Khi có xuất hiện chốc, tuyệt đối không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh.

Hạn chế tối đa các tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nhất là trẻ em không nên chơi chung với trẻ có bệnh.

Trẻ em đang đến trường có thể phải nghỉ học khi bị chốc, nhưng một khi đã tiến hành việc điều trị thì không cần thiết phải nghỉ học nữa.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]