Thực hành chẩn đoán và điều trị thủy đậu

15.5832

Bệnh thủy đậu, hay bệnh đậu mùa, là một bệnh nhiễm khuẩn nhẹ có đặc điểm tiêu biểu là những vùng da ngứa đỏ rất dễ phân biệt và kèm theo có sốt nhẹ. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 10 tuổi. Người trưởng thành hiếm khi mắc bệnh, nhưng khi mắc bệnh thì hầu hết các trường hợp đều nặng, đặc biệt là phụ nữ có thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Tại Hoa Kỳ, ước tính trung bình mỗi năm có khoảng hơn 4 triệu trường hợp mắc bệnh, và khoảng 95% người Mỹ khi đến tuổi trưởng thành đều đã từng trải qua căn bệnh này. Hiện thuốc chủng ngừa thủy đậu đã được sử dụng nhưng vẫn còn trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu phát triển.

Nguyên nhân

Bệnh gây ra do một chủng virus herpes có tên là varicella-zoster.

Bệnh lây nhiễm mạnh trong giai đoạn khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện và kéo dài khoảng 7 ngày khi đã phát bệnh. Trong giai đoạn này, cần có các biện pháp đặc biệt đề phòng lây nhiễm.

Virus gây bệnh lây truyền qua môi trường không khí, do người bệnh đưa vào khi ho, hắt hơi... Tiếp xúc trực tiếp như cầm nắm các vật dụng có virus bám vào cũng có thể bị lây bệnh.

Chẩn đoán

Thời gian ủ bệnh thường kéo dài khoảng 2 tuần.

Sau đó, các triệu chứng sau đây xuất hiện:

Sốt nhẹ hoặc đau đầu, có thể là khoảng vài giờ trước khi bắt đầu nổi lên các vùng ban đỏ trên da.

Nổi lên các vùng ban đỏ trên da, chủ yếu là trên thân mình, gồm rất nhiều các nốt nhỏ li ti rồi nhanh chóng phát triển thành các mụn nước gây ngứa, có đường kính khoảng 2 – 3mm. Do bị ngứa, người bệnh có thể gãi nhiều làm trầy xước da và góp phần làm cho các vùng ban đỏ lan nhanh

ra khắp cơ thể, cho đến lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng, da đầu... đều có thể có ban đỏ.

Sau thời gian phát bệnh khoảng 2 – 10 ngày, các mụn nước khô đi và đóng thành các vảy nhỏ phía trên của mụn.

Các nốt đỏ như trên có thể nổi lên thành nhiều đợt nối tiếp nhau.

Đôi khi có những nốt đỏ xuất hiện quanh vùng miệng và phát triển thành các vết loét làm cho việc ăn uống trở nên khó khăn.

Trong một vài trường hợp có thể có ho dữ dội.

Bệnh phát triển ở người trưởng thành có thể gây viêm phổi nặng, khó thở và sốt cao.

Điều trị

Không có thuốc đặc trị. Việc điều trị chủ yếu là theo dõi và kiểm soát các triệu chứng. Đa số trường hợp bệnh tự khỏi, nhưng bệnh nhân cần tiếp tục được nghỉ ngơi khoảng 7 – 10 ngày sau đó. Thường thì những người bệnh trưởng thành phải nghỉ ngơi nhiều hơn trẻ em.

Khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, hạn chế tiếp xúc với nhiều người khác, nhất là phụ nữ có thai vào 3 tháng cuối của thai kỳ.

Dùng paracetamol với liều thích hợp để làm hạ sốt và giảm bớt cảm giác khó chịu. Không bao giờ cho người bệnh dùng aspirin hoặc các loại acid salicylic khác vì có thể tăng nguy cơ mắc phải hội chứng Reye.

Giải thích cho người bệnh hiểu là không nên cào gãi nhiều làm trầy xước da. Cho dùng các loại kem bôi ngoài da như calamin để giảm ngứa, hoặc cho người bệnh tắm trong dung dịch nước ấm có pha một nắm soda bicarbonat.

Mặc quần áo thoáng mát, vì ủ nóng cơ thể có vẻ như làm cho các chấm thủy đậu càng ngứa hơn.

Nếu có chốc trên da, dùng acid fusidic bôi mỗi ngày 3 lần, hoặc dùng flucloxacillin dạng viên uống.

Thuốc kháng histamin dạng viên uống đôi khi cũng có thể dùng để giảm ngứa.

Các trường hợp nặng có thể điều trị với acyclovir, nhất là khi người bệnh có kèm theo bệnh chàm da.

Các trường hợp nhiễm trùng thứ phát trên da có thể điều trị bằng kháng sinh thích hợp.

Các trường hợp có dấu hiệu suy yếu hệ miễn dịch cần đề nghị chuyển ngay đến bệnh viện để theo dõi điều trị. Có thể cần phải tiêm truyền globulin miễn dịch đối với bệnh thủy đậu và bệnh zona (varicella zoster immune globulin).

 Khi người bệnh có các dấu hiệu đặc biệt sau đây, cũng cần xem xét ngay việc chuyển đến điều trị tại bệnh viện:

Ho nhiều.

Co giật.

Thở nhanh.

Trẻ rơi vào trạng thái lơ mơ khác thường.

Sốt kéo dài hoặc tái phát nhiều cơn.

Bước đi không vững.

Có mủ chảy ra từ các mụn trên da.

Vùng da bao quanh các mụn đỏ cũng chuyển sang màu đỏ.

Các trường hợp có nguy cơ biến chứng cao có thể cần điều trị với acyclovir tiêm tĩnh mạch liên tục trong 5 ngày và cần được theo dõi tại bệnh viện.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường nhẹ và tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày, ít khi có biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể xảy ra:

Tái nhiễm vi khuẩn Streptococcus qua các vết trầy xước trên cơ thể do trẻ bị ngứa và cào gãi. Trẻ em có bệnh chàm đặc biệt càng dễ nhiễm khuẩn hơn.

Viêm phổi và viêm não, nhưng viêm não rất hiếm gặp. Những trẻ em dễ gặp phải các biến chứng này là những trẻ em có hệ miễn dịch suy yếu (do đang sử dụng hóa trị liệu hoặc đang uống các loại corticosteroid chẳng hạn) và trẻ sơ sinh, thường mắc bệnh do người mẹ đã nhiễm bệnh vào cuối thai kỳ.

Sau khi khỏi bệnh, người bệnh có khả năng miễn dịch tự nhiên khá lâu đối với bệnh này, nhưng virus có khả năng vẫn tiếp tục trú ẩn trong các mô thần kinh để sau đó hoạt động trở lại gây bệnh zona (còn gọi là bệnh herpes zoster).

Hội chứng Reye mắc phải ngay sau cơn bệnh là trường hợp rất hiếm gặp, nhưng nếu có sẽ cực kỳ nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.

Chủng ngừa

Cho đến nay, thuốc chủng ngừa bệnh thủy đậu vẫn còn là vấn đề nghiên cứu chưa hoàn chỉnh. Hình thức miễn dịch thông dụng hiện nay là miễn dịch thụ động được tạo ra bằng cách tiêm truyền huyết thanh miễn dịch đối với bệnh thủy đậu và bệnh zona (varicella zoster immune globulin), chỉ được áp dụng hạn chế với một số ca bệnh nghiêm trọng hoặc có nguy cơ biến chứng cao. Mặc dù vậy, trong con số ước tính hơn 4 triệu trường hợp bệnh thủy đậu mỗi năm tại Hoa Kỳ, vẫn có đến khoảng 100 trường hợp tử vong vì bệnh này.

Thuốc chủng ngừa thủy đậu được chính thức sử dụng tại Hoa Kỳ từ năm 1995, có thể dùng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên cũng như những người lớn tuổi chưa từng mắc bệnh này. Theo kết quả nghiên cứu, Cơ quan quản lý Thực, Dược phẩm Hoa Kỳ (The United States Food and Drug Administration – FDA) cho biết là loại thuốc chủng ngừa này được dự đoán sẽ có hiệu quả ngăn ngừa khoảng 70% – 90% trường hợp mắc bệnh. Mặc dù người được chủng ngừa vẫn mắc bệnh, nhưng với một dạng rất nhẹ và sau khi khỏi bệnh thì được miễn nhiễm với bệnh.

Tuy nhiên, tác dụng của thuốc chủng ngừa trên thực tế vẫn chưa được chính thức ghi nhận, và các nhà khoa học vẫn chưa quyết định chính xác được là thuốc có thể tạo sự miễn dịch suốt đời hay khả năng miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian. Và nếu như khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian, thì những đứa trẻ được chủng ngừa khi lớn lên vẫn có khả năng bị mắc bệnh.

Khi chưa có những câu trả lời chắc chắn và thỏa đáng từ phía các nhà nghiên cứu thì đối với bệnh thủy đậu hiện nay việc phòng bệnh, ngăn ngừa lây nhiễm vẫn là biện pháp cần phải chú ý hàng đầu.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]