Thực phẩm lập lờ nguồn gốc: “Nhái” xuyên quốc gia

GiadinhNet - Trong thời gian này, Công ty TNHH Vạn An Sinh (ViVaLife) đang tố cáo Công ty TNHH một thành viên Trà Tâm Lan (Tây Ninh) khi doanh nghiệp này "nhái" sản phẩm nhãn hiệu Pine Power Gold của ViVaLife.

0
Được biết, sản phẩm Pine Power Gold đã được Bộ Y tế cấp phép và được nhập khẩu từ Hàn Quốc suốt 8 năm nay. Trong khi đó, sản phẩm "nhái" đang bị cơ quan pháp luật Hàn Quốc xử lý.
 

Sản phẩm chính hãng của Vạn An Sinh (trái) và sản phẩm nhái của Tâm Lan.

 
Nhập "nhái" quốc tế
 
Bà Nguyễn Xuân Phương - Đại diện Công ty TNHH Vạn An Sinh - cho biết: Công ty ViVaLife là đơn vị được Tập đoàn Hankook Anderson Hàn Quốc cho phép độc quyền phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng mang nhãn hiệu Pine Power Gold tại Việt Nam.
 
Từ giữa năm 2011, trên thị trường xuất hiện một sản phẩm mang tên Pine Oil Extract có hình thức và mẫu mã giống sản phẩm Pine Power Gold của Công ty ViVaLife đến 98%. Sản phẩm này được giới thiệu là do Công ty TNHH Một thành viên Trà Tâm Lan hợp tác với Công ty Bio Enerergy Co.,LTD (Sangil Pharm Co.,LTD) thông qua công ty bán hàng có tên Bio Hankook Anderson (chứ không phải Hankook Anderson). Trên một số tờ báo ở địa phương, Công ty TNHH Một thành viên Trà Tâm Lan, người đại diện là bà Võ Thị Lấn đã cho đăng tải thông tin và hình ảnh ký kết hợp đồng với một người đàn ông, đại diện Tập đoàn SangilPharm Hàn Quốc về sản phẩm trên.
 
Tuy nhiên, bằng các văn bản gửi các cơ quan chức năng Việt Nam và Hàn Quốc, ông Kim Eul Gon là Chủ tịch tập đoàn Sangil Pharm Co.,LTD đã khẳng định: "Không biết người đàn ông ký hợp đồng (mà bà Võ Thị Lấn chụp cho đăng quảng cáo) là ai và người này không phải là người của Sangil Pharm Co.,LTD".
 
Qua tìm hiểu được biết, khi tiến hành làm thủ tục nhập khẩu sản phẩm Pine Oil Extract, trong tờ khai Hải quan của Công ty TNHH Một thành viên Trà Tâm Lan ở phần "Người xuất khẩu" lại được khai là ông Min Gee Sil với tư cách cá nhân chứ không phải là Công ty Bio Hankook Anderson. Hơn nữa, theo các cơ quan chức năng Hàn Quốc, Công ty Bio Hankook Anderson là một công ty "ma". Xét có dấu hiệu tổ chức, cấu kết làm và buôn bán hàng giả, hàng nhái này, Cảnh sát và Tòa án kinh tế của Hàn Quốc đã nhận và xử lý đơn khởi kiện của tập đoàn Hankook Anderson và Sangil Pharm (Bio Energy Co.,LTD) đối với "công ty ma" Bio Hankook Anderson. 
 
Cơ quan pháp luật Hàn Quốc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm lưu hành sản phẩm là hàng giả đối với sản phẩm Pine Oil Extract (tài liệu này đã được phía Hàn Quốc cung cấp và được Đại sứ quán Việt Nam chứng thực).
 
"Ngoại" thu giữ,  "nội" phát tán
 
Ngày 18/9, phóng viên đã có buổi làm việc với Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Công ty ViVaLife), ông này cho biết: "Việc Công ty ViVaLife tố cáo đối với Công ty TNHH Một thành viên Trà Tâm Lan (Tây Ninh) về việc làm hàng nhái, hàng giải là có căn cứ. Đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án về tội làm hàng giả, hàng nhái của Công ty TNHH Một thành viên Trà Tâm Lan và giám đốc công ty.
 
Theo thông tin từ phía nhà chức trách Hàn Quốc gửi về các cấp chính quyền Việt Nam, hiện nay, Sở cảnh sát Daejeon Hàn Quốc đã tiến hành lập biên bản tịch thu để điều tra đối với ông Min Gee Sik và thu giữ 28.000 vỏ hộp được in tên Công ty Bio Hankook Anderson cùng hơn 4.100 sản phẩm hoàn thành đã đóng gói vào hộp".
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, một đại lý ở thị xã Xuân Lộc - Đồng Nai cho biết, khoảng 2 tháng nay đã xuất hiện một số người thương lái đến gạ gẫm các đại lý ở đây phân phối hàng Pine Oil Extract của bà Võ Thị Lấn với hoa hồng cao, nhưng không có hộp nhựa mà lại đóng trong các bịch nilon, không có hạn sử dụng, không hướng dẫn sử dụng. Tất nhiên số hàng này đều bị các đại lý ở đây từ chối.  Chỉ lẻ tẻ một vài người nhẹ dạ khi mua Pine Oil Extract đều tuyệt nhiên không có hóa đơn, chứng từ gì kèm theo.
 
Được biết, sau khi cơ quan chức năng "soi" về sản phẩm Pine Oil Extract, Công ty TNHH Trà Tâm Lan đã nhanh chóng thay đổi tên gọi của sản phẩm cùng loại thành TamLan Pine Needle Oil.
 
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bà Bùi Thị Phương Thùy - Trưởng phòng kinh doanh Công ty Trà Tâm Lan (con gái bà Lấn) - cho biết, sau khi phía Công ty Vạn An Sinh đơn phương không cung cấp sản phẩm, phía công ty chị đã nhập hàng từ Hàn Quốc về để bán. Được sự cho phép của phía Sangil Pharm, Công ty Trà Tâm Lan tiếp tục cho ra đời sản phẩm với tên gọi Pine Oil Extract, chứ không nhái sản phẩm Pine Power Gold của Công ty Vạn An Sinh. Về vấn đề bà Lấn chụp hình ký kết hợp đồng, theo bà Thùy, họ là hai vợ chồng Chủ tịch tập đoàn của Sangil Pharm.
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu nêu tên thì chị Thùy lại không nhớ tên hai người này và nói sẽ cung cấp sau. "Tiền hậu bất nhất", chị Thùy mâu thuẫn với chính mình ở chỗ khi cho phóng viên biết  đã gặp và biết ông Kim Eul Gon - là chủ tịch hiện nay của Sangil Pharm-  nhưng khi gặp hai vợ chồng người Hàn Quốc (người chụp hình với bà Lấn để đăng báo) thì phía Công ty Trà Tâm Lan cũng được họ giới thiệu là Chủ tịch của Công ty Sangil Pharm Hàn Quốc.
 
Trả câu hỏi của phóng viên: "Có phải sau khi bị đối tác phát hiện phía chị dùng Pine Oil Extract để "nhái" sản phẩm Pine Power Gold của Công ty Vạn An Sinh và sau đó đã thay đổi tên sản phẩm này thành TamLan Pine Needle Oil không"?.
 
Chị Thùy nói, sản phẩm TamLan Pine Needle Oil ra đời có sự cho phép của một công ty mà theo chị Thùy nó có tên gọi SoNaRa (viết bằng tiếng Việt). Hai mặt hàng này trực thuộc hai công ty khác nhau nên không có chuyện phía Công ty Trà Tâm Lan đổi tên gọi sản phẩm Pine Oil Extract thành TamLan Pine Needle Oil.
 
Theo chị Thùy, hiện hai sản phẩm này đang được bán song song trên thị trường và không biết gì về các thông tin từ phía các cơ quan pháp luật Hàn Quốc.
 
Hưng Nguyên - Lâm Ngọc

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]