Bắt đầu tiết kiệm càng sớm càng tốt
Rõ ràng bạn nên tiết kiệm cho quỹ hưu trí càng sớm càng tốt, tuy nhiên kể cả khi gần đến tuổi về hưu bạn mới bắt đầu thì cũng không sao cả. Lý do là bởi mỗi đồng tiết kiệm được sẽ đều góp phần trang trải cho sinh hoạt hàng ngày của bạn sau này.
Một người gửi tiết kiệm 200 đô mỗi tháng trong thời gian 40 năm với lãi suất 5% chắc chắn khi về hưu sẽ tích lũy được số tiền lớn hơn rất nhiều so với người chỉ tiết kiệm trong 10 năm với điều kiện tương tự. Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm được trong một khoảng thời gian ngắn cũng có thể giúp trang trải các chi phí khi về hưu. Ngoài ra, hãy nhớ rằng, các vấn đề liên quan đến lập kế hoạch tài chính như phân bổ tài sản cũng đóng vai trò rất quan trọng bởi khả năng chịu đựng rủi ro nói chung thường giảm xuống theo thời gian.
Coi tiền tiết kiệm cho quỹ hưu trí như một khoản chi phí
Việc tiết kiệm thường xuyên là rất khó, đặc biệt khi bạn phải thanh toán một loạt các chi phí sinh hoạt hàng ngày, chưa kể đến việc khi tiêu dùng, chúng ta thường chi quá đà cho những hàng hóa hấp dẫn. Bạn có thể bảo vệ túi tiền của mình bằng cách coi tiền tiết kiệm cho quỹ hưu trí như một chi phí định kỳ, tương tự như tiền thuê nhà, lãi vay thế chấp hay khoản vay mua xe. Thậm chí sẽ còn dễ dàng hơn khi số tiền đó được chuyển sang trực tiếp từ tiền lương của bạn.
Ngoài ra, bạn có thể chuyển trực tiếp vào tài khoản tiết kiệm, và đặt ghi nợ tự động vào quỹ hưu trí ngay khi được lĩnh lương.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Câu ngạn ngữ cổ khuyên ta không nên đặt tất cả trứng vào một giỏ thực sự đúng đối với quỹ hưu trí. Đặt tất cả tiền tiết kiệm vào duy nhất một công cụ đầu tư sẽ không những làm giảm lợi suất đầu tư (ROI) mà còn có thể làm tăng khả năng mất trắng. Do đó, phân bổ tài sản là một phần hết sức quan trọng trong việc quản lý tài sản hưu trí. Để phân bổ tài sản hợp lý cần dựa trên các yếu tố sau:
- Tuổi tác: Điều này thường được phản ánh trên danh mục đầu tư, người càng trẻ thì mức độ chấp nhận rủi ro càng cao và ngược lại.
- Khả năng chịu đựng rủi ro: Điều này sẽ đảm bảo rằng, khi bất kỳ tổn thất nào xảy ra thì chúng đều có thể được bù đắp kịp thời.
- Lựa chọn của bản thân: Bạn muốn gia tăng tài sản hay tạo ra thu nhập
Kế hoạch tài chính cần tính đến tất cả các chi phí tiềm ẩn
Khi lập kế hoạch về hưu, một số người đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi không tính đến các chi phí cho dịch vụ y tế, chăm sóc cá nhân hay thuế thu nhập. Để tính toán số tiền cần phân bổ cho quỹ hưu trí, hãy lập ra một danh sách tất cả các chi phí có thể phát sinh trong những năm nghỉ hưu. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng được một kế hoạch sát với thực tế.
Giới hạn ngân sách cho quỹ hưu trí
Tiết kiệm được nhiều tiền là rất tốt, tuy nhiên, nếu tiết kiệm nhiều đồng nghĩa với việc phải đi vay với lãi suất cao để chi trả phí sinh hoạt thì lại không tốt chút nào. Vì vậy, việc giới hạn một khoản ngân sách để gửi tiết kiệm là hết sức cần thiết. Quỹ hưu trí cần được giới hạn trong ngân sách định kỳ để đảm bảo rằng thu nhập khả dụng được tính toán chính xác.
Thường xuyên đánh giá lại danh mục đầu tư
Khi nhu cầu tài chính cho quỹ hưu trí ngày càng tăng lên, chi phí và khả năng chấp nhận rủi ro sẽ thay đổi, chiến lược phân bổ tài sản trên danh mục đầu tư cũng cần phải được điều chỉnh sao cho hợp lí. Điều này sẽ góp phần đảm bảo kế hoạch hưu trí được thực hiện chính xác.
Rà soát và thay đổi các khoản chi phí nếu cần
Nếu lối sống, thu nhập hoặc các nghĩa vụ tài chính thay đổi, bạn cần đánh giá lại và điều chỉnh hồ sơ tài chính của mình để xác định lại số tiền tiết kiệm hợp lý cho quỹ hưu trí. Ví dụ, bạn có thể đã hoàn tất việc trả tiền vay thế chấp hoặc khoản vay mua xe, hoặc số người mà bạn đang nợ đã thay đổi. Việc đánh giá lại về thu nhập, chi phí và các nghĩa vụ tài chính sẽ xác định xem bạn cần phải tăng hay giảm số tiền tiết kiệm của mình.
Chia sẻ với bạn đời
Nếu bạn đã kết hôn, hãy xem xem liệu vợ/chồng của bạn có quỹ hưu trí hay không và liệu có thể cùng nhau chia sẻ các chi phí nhất định trong những năm nghỉ hưu được không. Nếu người đó chưa có khoản tiết kiệm này, bạn cần đảm bảo quỹ hưu trí của mình có thể chi trả các chi phí sinh hoạt cho cả hai.
Tìm đến một cố vấn tài chính có kinh nghiệm
Nếu không có kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch tài chính và quản lý danh mục đầu tư, bạn nên thuê một người có năng lực và kinh nghiệm để lên kế hoạch tài chính cho mình. Việc lựa chọn cố vấn tài chính là một trong những quyết định quan trọng nhất khi xây dựng một quỹ hưu trí.
Lời kết
Trên đây là những yếu tố bạn nên cân nhắc để xây dựng một kế hoạch hưu trí hiệu quả, giúp bạn tận hưởng khoảng thời gian về hưu mà không phải lo nghĩ về tiền bạc. Ngoài ra, cố vấn tài chính sẽ tư vấn cho bạn một số yếu tố khác. Như chúng tôi đã trình bày, hãy xây dựng quỹ hưu trí càng sớm càng tốt, nhưng sẽ không bao giờ là quá muộn ngay cả khi bạn đã nghỉ hưu.