Ông Phó GĐ Sở VHTTDL HN cho biết “hệ thống’ đó tham khảo, đúc rút từ 50.000 trang tài liệu của các đầu sách, luận văn TS... Thế nhưng, cho dù có 100 bộ quy tắc hay hệ thống đi nữa thì nếu chỉ chữa BỆNH phần ngọn, xem ra cái bớt tục bớt tằn là không mấy khả quan...

Trước hết, phải xác định đây không phải là thói quen và cũng không phải là ‘chuyện riêng’ của HN mà là một căn bệnh thật sự của văn hóađạo đức nước nhà.
Ai đã từng đọc S. Freud đều biết rõ ông tổ của Phân tâm học đã phân tích cái ngọn nguồn của chứng tâm thần (điên) được bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên của Chí Phèo khi gặp Nở (ví dụ tương đương với trường hợp mà S. Freud đã nêu).

Đầu tiên là thấy Nở đẹp, rồi ký ức (memory) “ghi” lại vẻ đẹp ấy. Sau đó bác Chí phát sinh tình cảm (feeling), nảy sinh ra dục vọng (desire). Dục vọng bị kiềm chế bởi đạo đức (moral) và lý trí (conscious). Năm thứ đó ‘đánh nhau’, dẫn đến các giấc mơ (dreamings). Nếu thần kinh không vững sẽ bị điên (crazy), nhẹ thì gọi là tâm thần.  

Từ dẫn dụ trên của Freud, chúng ta có thể phần nào đồng ý rằng nói tục gần như tương đương với tâm thần và gây hấn, đâm chém là... điên.

Nhu cầu nói tục” thì hầu như ai cũng... có. Nó như một phương cách hữu hiệu để giải tỏa sức ép tâm lý trước những vấn đề quá bức xúc nhưng lại bất lực nên cách giải quyết duy nhất là... văng tục - ngôn ngữ thời thượng gọi là xả stress.

Phải nhìn nhận thẳng thắn vào sự thật rằng kể từ cuối thế kỷ trước, khi tham nhũng tràn lan, sự dốt nát thiển cận của không ít tham quan và những chuyện chướng tai gai mắt xẩy ra hàng ngày đầy rẫy trên báo chí, đã vun xới thành “mảnh đất tốt” cho cái “nhu cầu” nói tục sinh sôi.

Mới đây trả lời trên báo, Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã bóng gió xa xa rằng, muốn cho xã hội bớt nói tục thì người lớn phải làm gương – trong trường hợp cả nước thì “người lớn” là quan chức: “Chìa khóa nằm ở tính gương mẫu từ trên xuống dưới... Người lớn làm gương cho lớp trẻ, người lãnh đạo làm gương cho cấp dưới” (TT, 18.06.2015, 14:37 GMT+7).

Làm sao không nói tục khi quan chức cứ phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác mà chỉ kiểm điểm và rút kinh nghiệm?

Làm sao không nói tục khi văn bản ban hành cứ như thể trò đùa dai, chưa kịp thi hành đã phải làm lại?

Làm sao không nói tục khi một đứa trẻ lỡ tiêu 160.000 đồng quỹ lớp thì tìm đến cái chết còn quan chức chi sai cả tỷ đồng đi chơi, sau 3 năm vẫn cứ nghênh ngang thả gà ra đuổi?...

Những câu hỏi tương tự có nhiều lắm, xin kết lại bằng cái ‘ví dụ’ vừa khủng vừa giản dị: Hôm trước HN chặt hàng ngàn cây xanh; chưa yên thì lại tòi ra chuyện trồng cây nguyên đai nguyên kiện cả bao nilon, ai thấy mà chẳng nổi cáu?

Có một câu chuyện cũ cần nhắc lại: Thời Nhà Trần, đã từng trải qua 30 năm chiến tranh với 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông (1258-1288), nhưng sử sách không thấy nhắc gì đến chuyện văn hóa xuống cấp, nói tục tràn lan như bây giờ. Phải chăng văn hóa Phật giáo là một trong những căn nguyên để cho cái nền vẫn còn, cái nếp vẫn giữ, bất kể chiến tranh và thù hận?

Nếu cứ loay hoay che giấu sự thật thì chẳng thể nào cứu vãn được sự xuống cấp đạo đức, văn hóa.

Có rất nhiều giai thoại về HN mà tính dung tục chẳng kém gì... nói tục. Gặp mưa, tấp tạm vào mái hiên bằng bạt. Chưa kịp đứng yên đã thấy cái hiên đang bị cuốn vào. “Anh ơi, xin trú nhờ một lát”. “10 ngàn”. “Gì mà ghê thế”? Vậy là mái hiên cuốn vào tận tường.
Một chuyện khác. Vi phạm lỗi đi vào đường ngược chiều vì từ miền Trung ra thiếu quan sát. “Xin anh nộp 100, cho em đi”. “Mày nói tiếng Lào à”? “200, em xin anh”. “Cái thằng này lại nói tiếng Mianmar”...

Chế tài nghiêm khắc mọi sai phạm, trừng trị và loại bỏ những cán bộ kém cỏi, nhũng nhiễu, xây dựng một bộ máy trong sạch..., đó mới là liều thuốc chữa đầu tiên để chữa bệnh nói tục. Song song với giải pháp trên là giáo dục trong gia đình, trường học, các hệ thống quy tắc – mà 50.000 trang tài liệu vẫn còn chưa... đủ (nếu như cái gì cũng cần đến nghiên cứu, xem xét, tức là cần nhiều... tiền?)!

Cha ông xưa có cần quy tắc hay hệ thống nào đâu mà vẫn ít nói tục? Đổ thừa cho kinh tế thị trường thì chẳng lẽ Singapore hay Thái Lan là kinh tế không thị trường? Thành phố Savannakhet của Lào có mấy chục vạn dân nhưng năm 2013 chỉ có vài ba vụ đánh lộn ở quán xá, có lẽ là điều đáng nghĩ... Đây là điều người viết bài này nghe trực tiếp từ lời kể của một cảnh sát Lào.

Hà Nội đã từng có Luật Thủ đô, bây giờ lại có riêng thêm một bộ quy tắc ứng xử nữa. Không hiểu cách làm đó là dành cho TP loại một hay loại hai đây?
Hà Văn Thịnh