Trẻ bị rôm sảy phải làm sao?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng rất hay bị rôm sảy mà nguyên nhân là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn.

15.6013
Lúc này, các mẹ cần tắm cho bé thường xuyên bắng nước lá, thoa phấn rôm cũng như đặt bé nằm ở nơi khô ráo.

Nguyên nhân

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng rất hay bị rôm sảy mà nguyên nhân là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Bình thường các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên mồ hôi không có đường thoát ra ngoài nhất là khi thời tiết nóng nắng.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp do trẻ mặc quần áo không thấm hút mồ hôi hoặc thường xuyên mặc tã, hoặc mặc tã quá chật cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy.

Khi trẻ bị sốt cao hoặc trẻ quá hiếu động, khi vui chơi cơ thể sẽ tăng cường hoạt động nên các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ thể cũng tăng hoạt động để thải nhiệt. Các chất bẩn trên da làm cho tuyến mồ hôi của bé bị tắc, tạo ra những mụn rôm, sảy.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng rất hay bị rôm sảy (Ảnh minh họa)

Các dạng rôm sảy

Rôm sảy là một bệnh về da rất dễ nhận biết, thể hiện qua những mảng rộp chứa mụn nước li ti, có thể khiến vùng da chuyển màu đỏ và lẫn các đốm mủ nhỏ. Những vùng da hay bị nổi sảy là cổ, lưng, bẹn, trán.

Có 3 loại rôm sảy thường gặp, đó là rôm sảy dạng tinh thể, rôm sảy đỏ và rôm sảy sâu.

- Rôm dạng tinh thể (miliaria crystalina) thường xảy ra ở trẻ nhỏ do chậm phát triển các ống tuyến mồ hôi. Loại rôm sảy này không biểu hiện viêm, thường xảy ra do sốt cao và để lại các mảng da bị bong khi đã dứt bệnh.

- Rôm đỏ (miliaria rubra) thường xảy ra do thời tiết nóng ẩm.

- Rôm sâu (miliaria profunda) xảy ra do tuyến mồ hôi bị tổn hại nặng, thường sau khi bị rôm sảy đỏ kéo dài.

Ảnh hưởng của bệnh

Thông thường, bệnh sẽ tự biến mất khi trời mát. Tuy nhiên, cảm giác ngứa ngáy khiến trẻ gãi mạnh trên da có thể gây nhiễm trùng. Thêm vào đó, bé ngủ không ngon giấc. Bệnh lại rất dễ quay lại khi trời nóng, mặc nhiều quần áo hoặc bé lười tắm.

Trẻ bị rôm sảy sâu có thể bị tổn hại vĩnh viễn tuyến mồ hôi. Vì vậy, mẹ không nên quá chủ quan trước biểu hiện rôm sảy của bé. Một lưu ý nhỏ khác, đó là việc gãi hoặc "giết rôm" với bàn tay mang vi khuẩn có thể gây ra nhiều viêm nhiễm cho làn da hoặc chứng viêm cầu thận.

Cách xử trí

Để ngừa rôm sảy, mẹ nên để bé ở nơi thoáng mát, chọn cho con loại quần áo mỏng, thấm mồ hôi và cho trẻ uống đủ nước. Trẻ nhỏ thường có thân nhiệt cao hơn người lớn, nên trong những ngày nóng bức, bạn có thể lau mình cho con nhiều lần để làn da luôn sạch. Tắm rửa cho bé 1-2 lần mỗi ngày giúp làm sạch các lỗ chân lông, tuy nhiên, không nên tắm quá nhiều có thể làm bé cảm lạnh.

Mẹ cũng có thể bôi phấn rôm để giúp da bé thoáng mát. Tuy nhiên, không nên thoa phấn khi trẻ đang đổ mồ hôi vì như vậy sẽ làm bít lỗ chân lông.

Khi bé bị nổi sảy, bạn có thể tắm cho bé với thuốc tím, nước quả mướp đắng, thầu dầu tía, sài đất, lá dâu, lá khế… Bên cạnh đó, những loại nước uống như rau má, sắn dây, nước lá đinh lăng cũng có tác dụng làm mát cơ thể, giảm rôm sảy.

Trẻ bị rôm sảy cần tắm bằng nước lá cẩn thận (Ảnh minh họa)

Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị rôm sảy:

1. Trước khi tắm bằng nước lá cho bé, phụ huynh nên tắm trước cho trẻ bằng sữa tắm theo cách tắm thông thường. Do nước lá không có khả năng hòa tan chất nhờn trên da, nên bố mẹ chỉ dùng nước lá để tắm tráng cho trẻ được thôi.

2. Cẩn trọng khi dùng phấn rôm: phấn rôm có dùng để bôi trực tiếp lên vùng da bị rôm sảy. Vì vậy bố mẹ cần chọn lựa loại phấn có chất lượng và uy tín. Để tránh trường hợp “tác dụng ngược” bôi phấn rôm xong bị dị ứng.

3. Giữ cho môi trường thoáng và mát để bé không bị ra mồ hôi thêm nữa. Bố mẹ có thể dùng quạt, điều hòa với nhiệt độ vừa phải để làm mát phòng của bé. Cho bé mặc loại quần áo có thể thấm mồ hôi, dọn dẹp nơi ở để phòng tránh cho bé bị nhiễm khuẩn da.

4. Không được vắt quá nhiều chanh vào nước tắm của bé. Bố mẹ nên cho một lượng vừa phải với tỷ lệ hợp lý, vì trong chanh có hàm lượng axit cao sẽ làm cho da bé bị kích ứng, tổn thương.

5. Đối với tắm nước lá: bố mẹ cũng không được nấu quá đặc. Trong lá có thành phần của tinh bột, khi đun lên tinh bột sẽ hòa vào nước và khi tắm sẽ đọng lại trên da của trẻ gây nhiễm khuẩn viêm da, dị ứng.

6. Nếu bé gãi nhiều làm da bị trầy xước, mưng mủ, mẹ không được tắm nước lá cho bé nữa. Da bị trầy xước sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập. Sẽ rất nguy hiểm nếu vị trí nhiễm khuẩn gần hệ thần kinh như mạch máu ở mặt, cổ, đầu.. bố mẹ không để ý điều trị sẽ gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.

7. Khi thời tiết nắng nóng, bố mẹ nên hạn chế bớt thói quen massage cho bé. Điều này làm cho bé khó chịu, gây chàm và là một trong những nguyên nhân mọc rôm sảy ở trẻ.

8. Bé cần được tắm bằng sữa tắm của riêng mình. Tuyệt đối không dùng sữa tắm của người lớn vì hàm lượng kiềm cao trong sữa tắm người lớn sẽ làm da bé bị khô, làm gia tăng tình trạng rôm sảy của bé.

9. Cận trọng với các loại thuốc bôi. Tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ đến khám nếu có ý định dùng thuốc bôi. Điều trị rôm sảy ở trẻ em có thể bằng nhiều cách khác nhau từ thảo dược cho đến tắm lá và bệnh có thể tự hết sau vài ngày. Dùng thuốc bôi kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ dẫn đến các biến chứng nặng hơn.

Theo Song Ngư - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]