15 bí mật thú vị của Ferrari

Xe Ferrari hồi đầu chỉ có màu đỏ bởi đó là quy định khi tham gia đường đua và người sáng lập hãng vốn chỉ muốn sản xuất xe đua. Tweet

15.5772

1. Khách hàng mua xe không cần xem trước

LaFerrari là mẫu xe mới nhất thể hiện sức mạnh Ferrari với động cơ 6,3 lít V12 công suất 950 mã lực. Đó còn là siêu xe hybrid với khả năng tăng tốc từ 0 lên 97 km/h chỉ sau 2,6 giây.

LaFerrari có giá bán "chát chúa" ở mức 1,4 triệu USD. Nhưng với người có nhiều tiền, mức giá này là "chuyện nhỏ" và thậm chí họ chi tiền mà chẳng cần tận mắt xem xe. Toàn bộ 499 chiếc LaFerrari được cho là bán hết trước khi siêu xe chính thức ra mắt tại triển lãm Geneva 2013. 

2. Vườn cây trong xưởng sản xuất

Chuyên sản xuất những mẫu xe ngốn xăng, nhưng Ferrari cũng có những xưởng sản xuất "xanh" nhất trên thế giới. Có hàng trăm cây được trồng ở các hành lang nhà xưởng vừa giúp cải tạo môi trường làm việc, vừa tạo cảnh quan độc đáo.

3. Ferrari Enzo tặng Giáo hoàng

Nhà sản xuất Italy dự kiến chỉ sản xuất đúng 349 chiếc Enzo để bán. Thế nhưng, sau khi nhiều khách hàng đòi hỏi, Ferrari sản xuất thêm 50 chiếc nữa và dành riêng một xe để tặng giáo hoàng John Paul II.

Siêu xe đặc biệt sau đó được bán đấu giá và số tiền 1,1 triệu USD dành để giúp đỡ nạn nhân của thảm họa sóng thần năm 2004.

4. Michael Schumacher là tay đua được trả lương cao nhất

Tay đua người Đức là người được trả lương cao nhất của năm 1999 và 2000 với tổng số tiền 108 triệu USD.

5. Xe đắt nhất thế giới là Ferrari

Ferrari 250 GTO là xe đắt nhất khi được bán lại. Mức giá đa dạng tùy thuộc vào mỗi nguồn gốc và lịch sử đua, nhưng không một chiếc nào trong tổng số 36 chiếc có mức giá dễ chịu.

Năm 2013, một luật sư bán lại chiếc Ferrari 250 GTO có số khung 5111GT cho một người mua giấu tên với số tiền 52 triệu USD. Một số chiếc khác cũng giúp người bán thu về các khoản tiền khổng lồ với 26, 35 và 38 triệu USD.

6. Quá hiếm và quá đắt để đóng phim hành động

Một chiếc Ferrari 250 GT California hiện được bán lại với giá khoảng 10 triệu USD. Thực tế chỉ có khoảng 106 xe được sản xuất, điều đó có nghĩa việc tham gia những cảnh hành động có thể gây tổn hại là điều không thể. Điều này cũng lý giải vì sao trong bộ phim "Ferris Bueller's Day Off" ghi hình năm 1986, mẫu 250 GT California là hàng nhái.

7. Xe thể thao Mỹ tuyệt nhất mọi thời đại ra đời nhờ Ferrari

Ford GT40 vốn được sản xuất để chiến thắng các cuộc đua đường dài trước đối thủ Ferrari. Câu chuyện xuất phát từ vụ đàm phán thất bại khi Ford muốn mua lại Ferrari vào năm 1963. Thương vụ đổ vỡ vào phút cuối khi Enzo Ferrari biết rằng ông sẽ không được dẫn dắt đội đua Ferrari nếu về với Ford.

Henry Ford II không chấp nhận thua cuộc và lên kế hoạch đánh bại Ferrari ở đường đua 24 Hours of Le Mans. Ford GT40 khởi nghiệp vào 1964 và giành vinh quang ở đường đua Le Mans 4 năm liên tiếp từ 1966 đến 1969.

8. Kỹ sư giỏi nhất của Ferrari đầu quân cho Lamborghini

Enzo là bậc thầy trí tuệ của Ferrari, nhưng Giotto Bizzarrini là bộ óc bên trong hãng này. Ông chỉ làm việc ở Ferrari ít năm kể từ 1957 cho tới vị trí giám đốc kỹ thuật. Trong thời gian đó, ông từng đứng đầu dự án phát triển mẫu 250 GTO huyền thoại.

Năm 1961, Bizzarrini và 4 kỹ sư khác rời Ferrari do kế hoạch tái cơ cấu của Enzo. Sau vài thương vụ, Bizzarrini đầu quân cho Lamborghini và ghi dấu ấn với động cơ V12, cỗ máy sử dụng cho một số mẫu xe Lamborghini từ 1964 cho đến khi Murcielago dừng sản xuất vào 2010.

9. Lamborghini tự mở công ty vì nghĩ rằng chiếc Ferrari của ông quá tệ

Đây được cho là phiên bản khác về câu chuyện tạo dựng sự nghiệp của một trong những huyền thoại của giới siêu xe. Chuyện kể rằng Ferruccio Lamborghini rất bực mình với hệ thống côn của chiếc Ferrari mà ông mua về. Khi nói điều này với Enzo Ferrari, Lamborghini bị đuổi về và đó là lý do ông quyết định rằng mình có thể làm được tốt hơn bằng việc bắt đầu tự chế tạo xe.

10. Enzo Ferrari từng không hề muốn sản xuất xe thể thao

Người sáng lập của Ferrari coi hãng của ông như một đội đua và mãi sau này ông mới được thuyết phục về việc sản xuất xe dành cho đường công cộng. Và trong suốt một thời gian ông vẫn xem những mẫu xe thương mại giống như món đồ thử nghiệm cho đường đua.

Mẫu Tipo 815 năm 1940 là chiếc Ferrari đầu tiên và mang đậm phong cách xe đua. Mẫu xe thương mại đầu tiên là 125 S phải đến 1947 mới xuất hiện nhưng được sản xuất và bán ra một cách miễn cưỡng. Mọi việc thay đổi vào năm 1969 khi Fiat mua 50% cổ phần của Ferrari, đồng nghĩa với sự bành trướng của xe thương mại ở Ferrari.

11. Xe Ferrari màu đỏ vì chúng phải thế

Hiệp hội quốc tế các câu lạc bộ xe AIACR là tiền thân của Liên đoàn đua xe thế giới (FIA). Trước những năm 1960, AIACR bắt buộc mọi mẫu xe đua sơn màu đại diện cho quốc gia. Xe Italy là màu đỏ (hay Rosso Corsa). Ngoài ra, một số màu sắc đặc trưng khác như xe Đức là màu bạc, xe Anh màu xanh lá còn xanh lam là của Pháp.

12. Những câu nói bất hủ của Enzo Ferrari

Enzo coi cạnh tranh là cách tốt nhất để đạt kết quả trên đường đua. Ông thường thích chơi các trò chơi trí tuệ với các tay đua để khích lệ họ và từng nói rằng, "một tay đua dễ dao động là một tay đua rất nhanh".

Ngoài ra ông còn khẳng định: "Khí động học để dành cho ai không biết làm động cơ", hay "Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng".

13. Nhà xưởng sống sót qua 2 trận bom trong Thế chiến II

Sau khi rời khỏi Alfa Romeo vào năm 1939, Ferrari tự gây dựng và xây nhà máy ở Modena, Italy. Vài năm sau, ông chuyển nhà máy về Maranello (công trình này vẫn ở đó cho đến ngày nay)

. Không may vì đó cũng là thời điểm Thế chiến II diễn ra. Ferrari bị quân phát xít buộc phải hỗ trợ cho các cuộc chiến. Vì lẽ đó, quân đồng minh từng dội bom vào nhà máy Ferrari vào tháng 11/1944 và lần nữa vào tháng 2/1945.

14. Logo của Ferrari mượn của một phi công máy bay chiến đấu

Francesco Baracca là một phi công chiến đấu nổi tiếng người Italy trong Thế chiến I. Còn logo tuấn mã của Ferrari ban đầu là biểu tượng dán trên chiếc máy bay của Baracca.

Năm 1923, Enzo Ferrari đến gặp bá tước Paolina- mẹ của Baracca và được bà gợi ý sử dụng hình ảnh chú ngựa tung vó là biểu tượng. Tuy nhiên phải đến năm 1940, Ferrari mới gắn nó trên những chiếc xe của mình. Ban đầu, hai ký tự “SF” được đặt dưới chân chiến mã, nhưng sau đó nó được đổi thành hàng chữ “Ferrari”.

15. Enzo Ferrari từng chế tạo xe đua với 2 động cơ

Trước khi gây dựng sự nghiệp riêng, Enzo Ferrari từng đứng đầu phân xưởng xe đua của Alfa Romeo. Một trong những ý tưởng bị cho là lập dị nhất của ông là vào năm 1935 với mẫu Alfa Romeo 16C Bimotore. Cũng giống tên gọi, chiếc xe đua có 2 động cơ. Nhưng không may là 2 cỗ máy cũng không tốt hơn một.

Theo VnExpress

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]