3 cách hữu hiệu để bảo toàn quỹ dự phòng

(NDH)Làm thế nào để không phải dùng đến số tiền bạn phải mất rất nhiều công sức dành dụm cho những khoản chi phát sinh không đáng có?

15.5892

Bạn đã thành công trong việc tích lũy một khoản tiết kiệm đáng kể đề phòng trường hợp khẩn cấp. Đừng vội vui mừng! Vẫn còn một vấn đề nữa bạn cần phải đối mặt, đó là làm thế nào để không phải dùng đến số tiền này cho những khoản chi phát sinh không đáng có. Dưới đây là một số mẹo nhỏ mà bạn có thể tham khảo:

1. Trao cho nó một “sứ mệnh cao cả”

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình lại dễ dàng tiêu “lẹm” vào quỹ dự phòng đến thế? Đó là bởi mục tiêu tiết kiệm của bạn vẫn chưa thực sự rõ ràng. Cái tên “quỹ dự phòng” vẫn chưa đủ sức nặng để giúp cho bạn hiểu về “sứ mệnh cao cả” của nó một cách toàn diện nhất. Đừng quá lo lắng, đây là một lỗi lầm mà ai cũng có thể mắc phải, và cũng không khó để có thể sửa chữa.

Hãy ghi lại vào sổ tay những “tuyên ngôn” về “sứ mệnh” của quỹ dự phòng, chẳng hạn như: “Đây là quỹ dự phòng, chỉ được dùng đến trong những trường hợp thực sự khẩn cấp. Một hoàn cảnh bức thiết có thể là: (1) khi một thành viên trong gia đình lâm bệnh, (2) công việc của bạn gặp phải nhiều khó khăn, bất lợi, khiến thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng, hoặc (3) điều kiện sống của gia đình bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thiên tai, bão lụt, v.v…”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Dĩ nhiên, những điều bạn viết vào sổ tay có thể hoàn toàn khác, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thu nhập, nơi ở, tuổi tác, số lượng thành viên trong gia đình, v.v… Điều quan trọng là một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tránh khỏi sự dễ dãi trong chi tiêu, biến quỹ dự phòng thành “vùng bất khả xâm phạm” trừ những tình huống thực sự khẩn thiết.

2. Dành ra nhiều tiền hơn cho ngân sách chi tiêu

Một lý do nữa để bạn thường xuyên rút quỹ dự phòng là ngân sách chi tiêu quá eo hẹp, không đảm bảo cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của bạn và gia đình. Có không ít người nghĩ rằng họ nên chi tiêu tằn tiện nhất có thể để nhanh chóng có được một khoản dự phòng đủ khiến họ an tâm. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Nếu túi tiền của bạn bị hạn chế, sớm hay muộn bạn cũng sẽ phải tìm đến với khoản tiết kiệm của mình khi lẽ ra bạn đã không thực sự cần đến nó.

Đây là một việc nói dễ hơn làm, bởi bạn phải thực sự thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề trong chi tiêu để thực hiện nó sao cho hiệu quả nhất. Ví dụ, hãy thêm vào một khoản dành cho gửi xe, sửa chữa, thay dầu máy,… vào ngân sách chi cho xe cộ mỗi tháng, thay vì chỉ là tiền xăng xe như trước đây.

3. Làm cho quỹ dự phòng của bạn trở nên khó xâm phạm (nhưng đừng quá khó)

Tác gia nổi tiếng Dave Ramsey từng kể câu chuyện về một người bỏ hết số tiền tiết kiệm có được vào một bình thủy tinh đóng kín với dòng chữ: “Đập vỡ trong trường hợp khẩn cấp!” Câu chuyện hài hước này cũng là một bài học dành cho tất cả chúng ta – một khi quỹ dự phòng của bạn khó có thể chạm tới, động cơ “rút ruột” quỹ của bạn cũng sẽ giảm đi đáng kể. Một cách hay bạn có thể tham khảo đó là lập cho mình một tài khoản tại INGDirect.com và đặt cho nó một cái tên như “Emergency Fund”. Để có thể sử dụng tiền trong tài khoản, bạn sẽ phải đăng nhập vào hệ thống rất phức tạp này, đặt lệnh rút tiền, và đợi cho đến lúc lệnh được truyền tới tài khoản gốc. Như vậy, từ lúc bạn có ý định dùng tiền trong quỹ dự phòng cho đến khi chính thức cầm tiền trong tay, bạn sẽ phải trải qua 3 – 4 thao tác khá rắc rối. Vậy là, bạn sẽ có thêm thời gian để suy nghĩ lại về việc dùng tiền tiết kiệm – liệu nó có thực sự cần thiết, có đáng để bạn vượt qua ngần ấy “trở ngại” hay không.

Người xưa có thói quen buộc tiền bằng dây chun và cất giữ chúng trong những chiếc tráp nhỏ có khóa, hoặc cầu kì hơn là két sắt. Có người đã nói đùa rằng, để tránh xâm phạm vào tài khoản dự trữ, tốt nhất bạn nên buộc tiền bằng… băng dính thay vì những sợi dây chun mỏng manh. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, quỹ dự phòng còn là để bạn chi dùng trong những trường hợp khẩn cấp, vì vậy đừng để việc rút tiền quá khó khăn, làm chậm trễ và đôi khi hỏng việc của bạn.
 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]