Bài học các dòng sông cùng chảy

Không ít doanh nghiệp kẹt vốn vì không còn tài sản thế chấp.

15.5986

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 là từ 12 - 14% để hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,8%. Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 4 so với cuối năm trước, tăng trưởng tín dụng vẫn không thể đạt đến mức 0,5%, nhu cầu vay vốn của DN vẫn ở mức thấp. Tình hình này đang khiến dư luận lo lắng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đau đầu. Hàng loạt giải pháp, biện pháp được NHNN đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, nhưng có vẻ như tình hình khó được cải thiện ngay từ quý II này.

Nhu cầu vay của DN đang ở mức thấp

Theo NHNN, tín dụng không thể tăng được do: Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) ở mức thấp; một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm; các tổ chức tín dụng (TCTD) cẩn trọng trong việc lựa chọn khách hàng mới và các phương án/dự án hiệu quả để cho vay...

Nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém, cơ cấu kinh tế chuyển biến chậm, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn ở mức thấp, năng lực hấp thụ vốn suy giảm, cơ hội kinh doanh để tạo ra dòng tiền lớn hơn khi vay vốn tín dụng của DN và hộ dân đều suy giảm... là những nguyên nhân chính khiến sức cầu vốn giảm.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận xét về năm 2013 cho biết: "Với tình hình kinh tế, sức cầu trong nước như vậy tăng trưởng tín dụng là vô cùng khó khăn, tôi muốn đưa tiền ra cũng không được, nếu đưa tiền ra mà không đáp ứng cầu thực cho sản xuất kinh doanh thì chỉ làm tình hình xấu hơn thôi". Tâm sự này của Thống đốc có vẻ như vẫn đúng với tình hình đầu năm 2014.

Kẹt vốn vì không còn tài sản thế chấp

Sức cầu vốn giảm là nguyên nhân chính, nhưng cũng còn nhiều DN có nhu cầu, nhưng kẹt vì không còn tài sản thế chấp. Để hoạt động kinh doanh phần lớn các DN nhỏ và vừa (DNNVV) cần và thiếu vốn. Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn như hai năm qua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chậm, giá đầu vào ngày càng tăng trong khi giá bán sụt giảm khiến các DN càng thiếu vốn.

Cuối năm 2012 đầu năm 2013, DN đến hạn trả nợ và phải vay lại để quay vòng vốn thì vào thời điểm các ngân hàng thắt chặt tín dụng (thực hiện chủ trương chống lạm phát), hạn mức vay bị giảm xuống.

Mặt khác, theo quy định về thế chấp tài sản bất động sản trước đây được các ngân hàng định theo giá thị trường (cao hơn khoảng 1,5 lần so giá quy định của Nhà nước), nhưng theo quy định hiện hành là xác định theo giá Nhà nước công bố hằng năm, nên cùng một tài sản thế chấp nhưng hạn mức cho vay thấp hơn trước.

Kẹt vốn, hàng tồn kho nhiều, phải tìm nguồn tài chính bổ sung trong khi không còn tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn ngân hàng là tình cảnh của nhiều DNNVV. Còn có tình trạng một số DN không đủ khả năng tài chính để trả nợ hoặc quay vòng vốn, phải giữ vốn lại để tồn tại hoạt động và chấp nhận nợ quá hạn, từ đó bị đánh giá là tình hình tài chính xấu, lọt "sổ đen" của Trung tâm tín dụng ngân hàng (CIC) nên DN không còn khả năng tiếp cận vốn tín dụng ở bất cứ NH nào khác, do đó việc cơ cấu lại nợ, dãn nợ không còn tác dụng.

Còn với DN kinh doanh lĩnh vực xây dựng-bất động sản trong mấy năm qua phải chịu lãi vay ngân hàng, nhưng không bán được sản phẩm, không có khả năng trả gốc và lãi bị xếp vào nợ xấu nên cũng không thể thực hiện việc cơ cấu lại nợ để tồn tại.

Để khơi thông nguồn vốn tín dụng, ngoài các công cụ của chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách lãi suất, NHNN đang đề xuất triển khai mô hình thí điểm liên kết chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghiệp, liên kết sản phẩm xuất khẩu để nhằm hai mục tiêu: tạo ra những đột phá trong tổ chức sản xuất, tạo điều kiện cho các TCTD đẩy được vốn ra một cách hiệu quả, hợp lý. Nhưng bản thân một mình NHNN không thể đạt được hai mục tiêu đó.

Theo ông Phạm Xuân Hòe - chuyên gia tài chính - phân tích: "Tổng cầu không tăng, việc cơ cấu lại DNNN, nhất là cổ phần hóa còn đang ì ạch, các chính sách hỗ trợ DN nhỏ vừa, việc quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất của người nông dân tăng hiệu quả sản xuất vẫn chỉ ở bước thai nghén. Điều này cho thấy một loạt các giải pháp mang tính tổng thể từ các bộ ngành và chính quyền địa phương để tạo ra địa chỉ tin cậy để đồng vốn tín dụng tăng lên đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, ngành ngân hàng không tự mình tạo ra dòng chảy cho tín dụng mà ở đó đang rất cần các bộ ngành, cấp ủy chính quyền địa phương cùng quyết liệt để các dòng sông đều chảy".

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]