Theo học giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, cây bần: Cũng gọi là thủy liễu, loại cây to mọc dựa bờ nước, lá nhiều, nhành yếu, bông trắng, trái tròn dẹp, có đài dầy, nhọn ở gần cuống, ăn chua và chát .
Dân gian xứ này thường truyền miệng câu Bần giòn, ổi dẻo me dai để nói đặc tính của các loại cây quen thuộc được trồng, mọc tự nhiên gần nhà. Bông bần có màu trắng hồng tím, cánh hoa đỏ đậm.
Bần ơi, ơi hỡi cây bần/ Lá xanh bông trắng lại gần không thơm – Ca dao
Người miền Tây Nam bộ thường hay lấy bần chín thay me khi nấu ăn, trong đó cón món canh chua. Theo con nước, chèo ghe ra mé rạch, lượm vài ba trái bần chín, đem về cho vào nồi nước sôi nấu cho mềm, vớt ra tộ dùng cán dao dầm bần cho nát, lược lấy nước cốt để nấu canh.
Xung quanh lưu vực vàm sông Đại Ngãi có loài cá ngát da trơn với đuôi kéo dài giống như đuôi lươn. Miệng có bốn râu, chúng dùng để phát hiện thức ăn. Ngạnh cá ngát đâm nhức nhối, thậm chí gây hoại tử.
Nhưng thịt cá ngát thì ngon hơn hẳn cá trê, cá chốt. Đặc biệt ức cá ngát người ta thường dành gắp cho người đánh trong mâm, còn trên bàn nhậu phải đấu giá, ai muốn được phần phải uống thêm mấy chung rượu đế!
Cá ngát với cái bụng đầy trứng
Cá ngát thường hay dính lưới hoặc quăng chài bắt được. Cá ngát làm sạch nhớt bằng nước dấm, rửa lại với rượu trắng để khử mùi tanh, cắt khúc để ráo. Có người cầu kỳ thì đem ướp, rồi phi tỏi chiên sơ trước khi nấu để cá thơm hơn.
Canh chua đúng điệu nấu với loại thủy sản này phải kèm khóm, giá, bắp chuối, chuối cây non xắt nhuyễn, đậu bắp, rau cần tàu, và vài tép sả đập dập, …
Nấu nồi nước thật sôi với ít sả, cho cá ngát vào, đợi cho cá và trứng cá vừa chín tới cho tiếp nước bần rồi nêm nếm cho vừa miệng ăn, sau hết mới thả rau bổi. Nồi canh xôi lại, nhắc xuống, ăn kèm với cá kho, cơm gạo mới đang tỏa khói.
Canh chua cá ngát nấu bần ngon nhất khi chấm với muối ớt hoặc một chén nước mắm ngon nguyên chất với vài lát ớt xắt, …
Mùi thơm rau, vị béo ngọt của cá ngát hòa cùng nước chua đặc trưng của bần, khiến món canh chua này trở nên độc đáo, thú vị. Trứng cá ngát to bằng hột tiêu, kết lại thành chùm, nấu chín có mùi béo ngậy. Dân miền quê coi trứng cá ngát là món “độc nhứt vô nhị” trong ẩm thực dân gian ở vùng đất Cửu Long Giang.