Bánh ngon bằng cả tấm lòng

Dù khách phương xa đến Cần Thơ hay người TP này đi xa đều chọn mua bánh tét Minh Tân - thương hiệu gia truyền hơn 100 năm nay - làm quà biếu

0

Những ngày giáp Tết này, trong khu vườn thoáng mát của gia đình bà Lương Thị Phước ở Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng - TP Cần Thơ, những lò nấu bánh tét luôn sôi sùng sục. Ngồi quây quần bên bếp lửa, những người trong gia đình bà Phước râm ran không ngớt chuyện làm bánh gia truyền hơn 100 năm nay.


Bốn đời làm bánh tét


Chị Nguyễn Thị Bình, con thứ 7 của bà Phước, cho biết: “Tôi là đời thứ tư làm bánh tét trong gia đình. Nghề làm bánh tét gia truyền của chúng tôi đã có hơn 100 năm nay”.


Theo chị Bình, trước đây, ông Nguyễn Văn Kinh, ông cố nội của chị, vừa dạy chữ nho vừa làm bánh tét đem ra chợ bán. “Hồi nhỏ, tôi thường nghe cha và ông nội kể rằng ông cố làm bánh tét rồi giả vờ mang ra chợ bán. Thực chất, ông làm vậy là để đánh lạc hướng quân địch nhằm tiếp tế lương thực cho quân cách mạng.

Với những đòn bánh tét của ông tôi, bộ đội ta có thể mang lên rừng, xuống biển mà vẫn không sợ hư, bởi bánh bấy giờ được gói rất kỹ, có thể ngâm trong nước cả tháng vẫn không hề hấn gì, thậm chí để càng lâu trong nước ăn càng ngon”- chị Bình quả quyết.



Một quầy bán bánh tét Minh Tân ở chợ Cái Khế -  TP Cần Thơ


Theo bà Phước, hồi đó, sau khi người con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Lư hy sinh, ông Kinh đã truyền nghề làm bánh tét lại cho con dâu -bà Phạm Thị Duyên - để nuôi con. Bà Duyên truyền tiếp cho con dâu là bà Phước. Chồng bà Phước là ông Nguyễn Văn Phuông, vốn là thợ sửa đồng hồ. Ông có một tủ sửa đồng hồ ở chợ Cái Khế (TP Cần Thơ) hiệu Minh Tân. Bà Phước gói bánh tét ngồi bán cạnh tủ đồng hồ của chồng, riết rồi người ta gọi là bánh tét Minh Tân. Sau này, thấy nghề làm bánh tét dễ sống hơn, họ thay tủ đồng hồ bằng tủ bánh tét.


Ông Phuông bị bệnh qua đời năm 52 tuổi, bà Phước phải gồng gánh 7 người con bằng nghề làm bánh tét. Hiện bà đã hơn 70 tuổi và giao lại cho các con gái và con dâu tiếp nối nghề của gia đình. Chỉ những ngôi nhà khang trang nằm san sát nhau trong khu đất vườn khá rộng giữa Xóm Chài nghèo khó, anh Nguyễn Văn Bá, con thứ sáu của bà Phước, khoe: “Nhờ nghề làm bánh tét mà mẹ tôi đã nuôi chúng tôi khôn lớn. Cũng nhờ bánh tét mà chúng tôi có được cuộc sống thoải mái như bây giờ”.


Bằng cả tấm lòng


Dù khách phương xa đến Cần Thơ hay người TP này đi xa đều chọn mua bánh tét Minh Tân làm quà biếu. Ngay cả những Việt kiều, du khách nước ngoài cũng thường mua bánh Minh Tân đem về. Chị Dung, một khách hàng thường đến quầy bánh tét Minh Tân đặt bánh gửi cho bà con ở nước ngoài ăn Tết, tiết lộ: “Người ta thích bánh này không chỉ vì vừa ngon vừa đẹp mà còn vì danh tiếng của nghề làm bánh tét gia truyền hàng trăm năm. Người thân của tôi ở bên Úc năm nào về quê ăn Tết cũng đòi phải mua bằng được bánh tét Minh Tân mang đi”.


Hiện ở Cần Thơ có đến 5-6 lò làm bánh tét Minh Tân nhưng hương vị và màu sắc vẫn giống hệt nhau. “Chúng tôi được nuôi lớn bằng nghề làm bánh của gia đình nên phải bảo vệ và gìn giữ nó. Bánh tét của chúng tôi có uy tín và được nhiều người ưa thích vì rất ngon. Mà, để có bánh ngon, chúng tôi phải làm bằng cả tấm lòng” - chị Bình thổ lộ.


Bà Phước cho biết thường mỗi ngày, các con bà cho ra lò khoảng 500 đòn bánh tét. Tất cả đều bán hết, chưa kể số người đặt hàng. Vào mùa Tết, mỗi ngày gia đình bà phải làm gần 10.000 đòn bánh tét mới đủ tiêu thụ. Bánh tét Minh Tân có 3 màu rất bắt mắt: Xanh của lá dứa, tím của lá cẩm và vàng của ruột đậu xanh. Nhân bánh cũng rất phong phú với thịt, trứng vịt muối, lạp xưởng... Tất cả hòa quyện, tạo nên một hương vị rất đặc trưng.

Anh Bá khoe: “Vợ tôi có một sạp bán bánh tét ở chợ Cái Khế, ngày nào cũng có khách phương xa ghé qua đặt hàng trăm đòn”. Theo anh Bá, tên tuổi của Minh Tân được nhiều người biết đến là do tiếng lành đồn xa chứ không hề được tiếp thị bằng hình thức nào. Chính vì thế, anh đang ấp ủ một phương án giới thiệu bánh tét gia truyền cho nhiều khách hàng gần xa được biết.


Trước đây, bánh tét Minh Tân cũng đã từng có nhiều cơ hội giới thiệu đến khách hàng. Năm 2006, bánh tét Minh Tân đại diện cho bánh tét miền Tây Nam Bộ dự Hội chợ Ẩm thực Việt - Nhật tại TPHCM, được tham dự nhiều đêm hội bánh tét hằng năm ở Cần Thơ. “Bánh tét Minh Tân đã thăng trầm cùng 4 đời nhà chúng tôi nên tôi luôn dặn các con cháu của mình phải biết quý trọng thương hiệu này. Không chỉ gìn giữ, chúng tôi còn phải nâng niu nó bằng cả tấm lòng” -  bà Phước thổ lộ.

Không bỏ nghề, dù không khá nổi

Làng bánh phồng ở ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân - An Giang bao năm nay vẫn không thay đổi. Cứ đầu tháng chạp hằng năm là nơi đây bắt đầu nhộn nhịp sản xuất.

Những ngày này, đến thị trấn Phú Mỹ, từ xa người ta đã nghe rõ tiếng chày nện đều đều. Hai bên đường, những bếp lửa bập bùng đun nếp làm xôi chuẩn bị cho những mẻ bánh mới. Ban đêm, cả một góc trời rực sáng ánh đèn điện, người người thoăn thoắt, tất bật chuẩn bị bánh bán Tết.


Cơ sở của ông Lê Minh Dơn, 76 tuổi, có quy mô lớn nhất làng nghề làm bánh phồng ở Phú Tân. Ông Dơn tiết lộ: “Làm bánh phồng cực nhất là khâu chọn nguyên liệu và giã nếp thành bột. Nếp phải rặt, bánh mới ngon, độ phồng mới lớn”.


Trong nghề làm bánh phồng, gian nan nhất có lẽ là công đoạn giã bột. Anh Lê Thiện Hiền, con trai ông Dơn, cho biết một ổ bột 10 kg nếp phải được giã khoảng 350 chày bằng tay. “Người không đủ sức phải giã vài giờ mới xong một mẻ” - anh Hiền nói. Chị Lê Thị Ngọc Điệp, con ông Dơn, kể: “Từ nửa đêm, gia đình tôi đã thức dậy bắt tay vào công việc. Thấy quá nặng nhọc, cha tôi bèn lặn lội đến Tiền Giang thuê thợ về lắp đặt hệ thống giã bột bằng động cơ điện”.


Đến làng nghề bánh phồng Phú Mỹ, nhiều người không quen hẳn sẽ ngạc nhiên. Hằng ngày, cứ trời vừa sụp tối là cả làng đi ngủ, đến nửa đêm lại bật đèn chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Tiếng chày giã bột vang lên trong đêm nghe càng hối hả, nhất là vào dịp cuối năm. Ông Nguyễn Văn Nhàn, trưởng ấp Thượng 3, cho biết: “Mùa Tết là mùa làm ăn chính của người dân làng bánh phồng này.

Bánh làm ra bao nhiêu cũng không đủ bán nhưng ngặt nỗi chẳng lời bao nhiêu. Do công việc phải qua nhiều công đoạn và cần nhiều người chung tay làm nên tiền lãi phải chia năm, xẻ bảy. Tuy nhiên, ai cũng vui vẻ, háo hức vì có công ăn việc làm”.


Để làm ra chiếc bánh phồng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Theo ông Dơn, thoạt tiên phải ủ nếp trong hai ngày rồi rửa sạch, để ráo, nấu thành xôi và đưa vào cối giã. “Giã xong phải ngắt bột, cán bánh.

Khó nhất là ngắt bột, phải đều tay để bảo đảm cỡ bánh như nhau” – ông Dơn giải thích. Bình minh ló dạng, những người phơi bánh bắt đầu công việc của mình. Bánh mới ra lò được trải đều trên chiếu phơi. “Nắng tốt, bánh chỉ phơi khoảng 1 giờ là khô hẳn, sau đó gỡ ra nhúng nước đường đun sôi rồi trải lên chiếu phơi thêm lần nữa. Nói thì nghe dễ vậy nhưng để làm ra một cái bánh phồng phải mất hơn 10 giờ. Tụi tôi phải thức từ nửa đêm đến gần cuối giờ chiều hôm sau mới hoàn tất mẻ bánh” - anh Lê Thiện Ân, con ông Dơn, cho biết. 


Phơi xong là đến công đoạn nướng bánh. Chúng tôi thật ngỡ ngàng khi chứng kiến một người thợ nướng bánh. Chiếc bánh bé tẹo gặp lửa phút chốc đã nở phồng to, giòn rụm, thơm lừng. “Ở đây, làm bánh phồng bằng thủ công là chủ yếu nhưng hàng chục năm qua vẫn giữ được hương vị đặc trưng của làng nghề Phú Mỹ trứ danh.

Bánh ngon nhờ bàn tay lao động của những người thợ lành nghề và cũng nhờ nguồn nguyên liệu nếp Phú Tân đặc sản của xứ này” - bà Tám Dung, một người dân ở thị trấn Phú Mỹ, nhận xét.


Chiếc bánh phồng thơm ngon sau khi nướng

Những vị bô lão ở Phú Tân kể rằng ngày xưa, bánh phồng chỉ được làm trong dịp Tết. Đây là món ăn đặc sản quý giá thường được dùng làm quà biếu. Ông Dơn nhớ lại: “Trước đây, cứ cận Tết là dân làng lại tất bật lo làm bánh phồng.

Cả làng cứ vang vọng tiếng chày giã bột từ trong đêm. Mẹ tôi bảo đêm giao thừa, trên bàn thờ không thể thiếu dĩa bánh phồng cúng rước ông bà. Phong tục truyền đời của dân làng này bao đời nay là vậy. Bởi thế, Tết đến nhà nào cũng phải làm bánh phồng, chí ít cũng hùn với hàng xóm làm chung một mẻ để cúng ông bà”.


Theo ông Dơn, nghề làm bánh phồng đã có ở Phú Mỹ hơn 80 năm nay nhưng dân làng này vẫn không khá nổi. “Bỏ công nhiều mà lời chẳng bao nhiêu, chúng tôi giữ nghề chủ yếu là giữ hương vị Tết cho xóm làng” - ông Dơn bộc bạch.

Bài và ảnh: Quốc Dũng

 

Bài và ảnh: DUY NHÂN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]