1. Bạch Tuyết: Hoàng hậu độc ác bị trừng phạt
Trước khi hãng Walt Disney tạo ra bộ phim hoạt hình đáng yêu này, câu chuyện về nàng Bạch Tuyết từng có nhiều chi tiết độc ác hơn rất nhiều lần.
Phiên bản đầu tiên của nàng Bạch Tuyết được viết bởi anh em nhà Grimm năm 1812. Trong truyện, chi tiết khép lại câu chuyện là bà hoàng hậu phù thủy đã ăn (thứ mà mụ tin là) gan của nàng Bạch Tuyết, trong khi thực ra nàng đã được người thợ săn cứu sống. Disney đã quyết định không đưa chi tiết này lên phim do lo ngại ảnh hưởng tới các em nhỏ.
Dù nàng Bạch Tuyết trong phim của Disney vẫn ngọt ngào và xinh đẹp như phiên bản gốc, nhưng phần kết lại ít lãng mạn hơn rất nhiều. Thay vì được sống lại nhờ nụ hôn của hoàng tử, miếng táo độc trong họng nàng Bạch Tuyết đã văng ra ngoài khi các chú lùn khiêng quan tài.
Thêm vào đó, hãng phim Disney cũng không ủng hộ cái kết “hạnh phúc mãi mãi” như trong truyện của Grimm, trong đó có chi tiết mụ hoàng hậu độc ác bị trừng phạt phải nhảy trên đôi giày nóng bỏng cho tới lúc chết.
2. Nàng Lọ Lem: Chim đại bàng cướp chiếc giày và mang đến cho vua
Cô gái Lọ Lem là một công chúa xuất hiện từ rất lâu và trong nhiều nền văn hóa. Phiên bản Lọ Lem trong phim Disney có nguyên gốc từ câu chuyện cổ dân gian được tác giả người Pháp Charles Perrault xuất bản năm 1697, nhưng thực ra nàng công chúa này tồn tại từ trước đó rất lâu.
Có một truyền thuyết của Hy Lạp từ năm thứ nhất trước Công nguyên kể về một cô gái xinh đẹp đến từ Ai Cập, bị một con chim đại bàng cướp chiếc giày và mang tới cho vị vua. Nhà vua sau đó đã tìm kiếm rất lâu cô gái có chiếc giày này. Sau đó, khi đã tìm thấy nàng, nhà vua liền cưới nàng làm vợ.
Một phiên bản khác về nàng Lọ Lem là trong truyện cổ Trung Hoa, kể rằng một cô gái tình cờ gặp một con cá vàng, chính là người mẹ đã mất của nàng đầu thai thành. Cô gái đã dùng chiếc xương có phép thuật của con cá để ăn mặc thật đẹp cho ngày lễ đón năm mới. Sau khi đánh mất một chiếc giày trong ngày lễ, cô gặp hoàng tử và chàng đã cứu cô khỏi mụ dì ghẻ độc ác và những đứa em cùng cha khác mẹ. Thật may khi các nhà làm phim ở hãng Disney không chọn cách giải quyết vấn đề này.
3. Công chúa ngủ trong rừng: Mẹ hoàng tử là… quỷ ăn thịt người
Bộ phim hoạt hình Sleeping Beauty của Disney cũng được dựa theo một câu truyện cổ Grimm được Charles Perrault xuất bản năm 1697. Tên đầu tiên của nàng là Briar Rose.
Điểm khác của câu chuyện gốc và bộ phim hoạt hình của Disney là “điểm trừ” của chàng hoàng tử đẹp trai đánh thức công chúa: mẹ của chàng là một con quỷ ăn thịt người. Nàng công chúa không hề phát hiện ra điều này cho tới khi trở thành hoàng hậu và có hai đứa con: con gái L’Aurore và cậu con trai Le Jour. Khi tới thăm cháu, con quỷ đã định giết hại và ăn thịt cả con dâu lẫn cháu nội của mình. Rất may mắn là nhà vua đã cứu gia đình mình kịp thời và… vứt mẹ mình vào phòng giam đầy rắn độc.
4. Nàng tiên cá Ariel: Hoàng tử cưới một cô gái khác
Bộ phim hoạt hình Little Mermaid (Nàng tiên cá) của Disney rất giống với câu chuyện gốc của nhà văn Hans Christian Anderson: nàng tiên cá đổi giọng hát tuyệt diệu của mình lấy đôi chân để gặp hoàng tử.
Tuy vậy, phiên bản của nhà văn Anderson khiến người đọc cảm thông hơn, vì dù mang đôi chân mới, nàng tiên cá vẫn rất đau đớn mỗi khi bước đi. Vì không thể nói được, nàng đã cố gây ấn tượng với hoàng tử nhờ những điệu nhảy. Tuy vậy, hoàng tử đã cưới một cô gái khác và nàng tiên cá tan thành bọt biển. Disney đã quyết định chọn một cái kết hạnh phúc hơn cho bộ phim của mình.
5. Người đẹp và quái vật: Các chị “xui” Belle rời lâu đài để chọc tức quái vật
Bộ phim hoạt hình này được dựa theo một truyện cổ tích được xuất bản lần đầu năm 1740 bởi Gabrielle-Suzanne Babot de Villeneuve. Theo lời kể, câu chuyện viết ra nhằm giúp đỡ các cô gái trẻ phải cưới những người đàn ông giàu có mà mình không có tình cảm gì. Thật may đó không phải là lớp ý mà Disney muốn nhắm tới.
Nàng Belle của thế kỷ 18 là một cô gái mới 14 tuổi, là con của một người cha giàu có nhưng bị phá sản. Vì người cha đã hứa gả con gái cho quái vật, nên nàng Belle buộc phải tới sống ở lâu đài và được đối xử khá tử tế. Nhưng những người chị xấu bụng của Belle đã thuyết phục nàng rời khỏi lâu đài nhằm làm quái vật nổi giận và ăn thịt nàng. Nhưng trái với suy nghĩ của cô chị, quái vật chỉ buồn đau và tan vỡ trái tim. Khi Belle trở lại lâu đài, con quái vật đã biến thành một chàng hoàng tử đẹp trai.
6. Jasmine trong Aladdin và cây đèn thần: Lão phù thủy phải trả giá đắt
Tên đầu tiên của Jasmine là công chúa Badroulbadour, trong truyện cổ Ba Tư, là con gái của vị vua ở phương Đông xa xôi. Công chúa Badroulbadour cưới Aladdin ngay khi chàng trai này trở nên giàu có nhờ thần đèn. Cả hai người cùng sống trong một lâu đài lộng lẫy và nguy nga.
Tên phù thủy đã giả làm người buôn đèn và lấy cắp được cây đèn thần từ tay công chúa. Tuy vậy, tới kết câu chuyện, hắn đã phải trả giá đắt và cặp đôi này sống hạnh phúc bên nhau suốt đời. Bộ phim của Disney rõ ràng nhân văn hơn nhiều.
7. Công chúa tóc mây Rapunzel: Nàng đã mang bầu
Nàng Rapunzel cũng có nguyên gốc từ truyện cổ Grimm, nhưng hai anh em nhà Grim lại dựa theo một truyện cổ của Pháp. Ngoài ra, có rất nhiều phiên bản khác nhau của câu chuyện này cũng xuất hiện.
Nàng Rapunzel trong truyện Grimm không trong sáng, ngây thơ như trên phim hoạt hình. Nàng đã… mang bầu sau nhiều đêm lén lút để hoàng tử leo lên tháp qua đường… mái tóc của mình. Bộ phim của Disney hướng tới trẻ nhỏ nên không thể có chi tiết này được rồi.
8. Merida trong phim Brave: Công chúa từ cuộc đời thực
Nàng công chúa mới nhất của Disney rất độc lập, bướng bỉnh và mạnh mẽ. Nàng không có nguyên gốc từ một câu chuyện cổ tích nào, mà những người sáng tạo ra bộ phim hoàn toàn xây dựng nên Merida từ cuộc đời thực của họ.
Theo biên kịch Brenda Chapman, Merida được lấy từ hình mẫu cô con gái tuổi teen của bà và những người bạn của cô – những cô gái trẻ cũng bướng bỉnh và khó bảo như trong phim. Có lẽ vì thế mà nhiều teen xem bộ phim này sẽ thấy gần gũi và thấy hình ảnh của chính mình.