Sự xuất hiện của DeepSeek đã khiến cuộc đua phát triển AI giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên gay cấn hơn bao giờ hết, khi giờ đây phía Trung Quốc mới có một công cụ AI được người dùng toàn cầu biết đến và sử dụng rộng rãi.
Nhiều người dùng còn đánh giá DeepSeek đưa ra câu trả lời thông minh, chính xác và nhanh hơn so với các công cụ AI do các công ty Mỹ phát triển như ChatGPT, Gemini hay Llama…
Sự xuất hiện của DeepSeek đã khiến nhiều hãng công nghệ tại Mỹ lo lắng, khi có một đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua AI đến từ Trung Quốc. Đặc biệt, DeepSeek là minh chứng cho thấy các hệ thống AI có thể hoạt động hiệu quả trên các chip AI hiệu suất thấp với chi phí tiết kiệm.

DeepSeek cho biết công ty chỉ mất khoảng 5,6 triệu USD để xây dựng và vận hành, trong khi các hãng công nghệ của Mỹ đang chi ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đô la để phát triển và vận hành mô hình AI của riêng họ.
Điều này khiến các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi liệu các hãng công nghệ Mỹ có đang "đốt tiền" quá mức trong cuộc đua phát triển và vận hành AI. Hậu quả, một đợt bán tháo cổ phiếu các hãng công nghệ Mỹ đã diễn ra sau khi DeepSeek "gây sốt" trên toàn cầu.
Trước những lo lắng của các nhà đầu tư về DeepSeek, nhà sáng lập Meta (công ty mẹ của Facebook) Mark Zuckerberg đã lần đầu tiên lên tiếng về công cụ AI DeepSeek.
1. Không giảm đầu tư vào AI
Zuckerberg khẳng định Meta sẽ không cắt giảm ngân sách AI, bất chấp DeepSeek chứng minh rằng việc phát triển mô hình tiên tiến có thể thực hiện với chi phí thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Ông nhấn mạnh rằng đầu tư mạnh vào hạ tầng AI sẽ là lợi thế chiến lược dài hạn của Meta
"Dường như tất cả mọi người đột nhiên hoảng sợ về sự trỗi dậy của DeepSeek. Tuy nhiên, Meta không lo lắng", Mark Zuckerberg trấn an các nhà đầu tư tại buổi họp công bố báo cáo tài chính của công ty trong quý IV/2024.
Trước câu hỏi của các cổ đông về những thành tựu mà DeepSeek đã đạt được dù đầu tư số tiền ít hơn nhiều lần so với Meta, Mark Zuckerberg khẳng định bản thân vẫn rất tin tưởng vào định hướng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để phát triển AI.
2. Đánh giá tác động của DeepSeek còn quá sớm
CEO Meta cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định chắc chắn về tác động của mô hình AI từ DeepSeek đối với công ty ông cũng như ngành công nghệ nói chung. Ông lưu ý rằng có nhiều xu hướng đang diễn ra cùng lúc, và việc nắm trong tay một lượng lớn sức mạnh điện toán vẫn có thể cần thiết khi các mô hình ngày càng phát triển hơn.
Theo Mark Zuckerberg, các máy chủ vận hành AI vẫn cần một khả năng tính toán cực mạnh để có thể suy luận hiệu quả, nhằm giúp đưa ra các câu trả lời thông minh và chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dùng.
Mark Zuckerberg cũng tự tin tuyên bố rằng Meta có mô hình kinh doanh vững chắc để có thể đầu tư và phát triển các hệ thống AI mạnh mẽ. Meta dự kiến sẽ đầu tư hơn 60 tỷ USD trong năm nay để tiếp tục phát triển mô hình AI Llama của mình.
Meta cho biết sẽ phát hành mô hình AI Llama 4 với các tính năng thông minh và tốc độ phản hồi nhanh, chính xác hơn trong một vài tháng tới. Zuckerberg đặt mục tiêu sẽ có được 1 tỷ người dùng Llama ngay trong năm 2025.
3. Ủng hộ mã nguồn mở
Zuckerberg cho biết sự xuất hiện của DeepSeek xác thực cam kết của Meta với cách tiếp cận mã nguồn mở đối với AI. Ông tin rằng sẽ có một tiêu chuẩn mã nguồn mở toàn cầu, và điều quan trọng là đó phải là một tiêu chuẩn của MỹTại buổi họp báo cáo tài chính, Mark Zuckerberg cũng đã dành những lời khen ngợi có cánh cho Tổng thống mới nhậm chức Donald Trump.
4. Học hỏi từ DeepSeek
Zuckerberg thừa nhận rằng Meta đang học hỏi từ các công nghệ như của DeepSeek và hy vọng sẽ áp dụng tiến bộ đó vào AI của Meta. Ông cho biết Meta sẽ tiếp tục phát hành các mô hình AI Llama mã nguồn mở và miễn phí của riêng mình.
"Chúng ta có một chính quyền Mỹ đang tự hào về các công ty công nghệ hàng đầu, tạo điều kiện để giúp công nghệ Mỹ giành chiến thắng và sẽ bảo vệ các giá trị, lợi ích của chúng ta ở nước ngoài", Zuckerberg phát biểu.
5. Khẳng định chiến lược dài hạn
Zuckerberg nhấn mạnh rằng đầu tư mạnh mẽ vào chi tiêu vốn và cơ sở hạ tầng sẽ là một lợi thế chiến lược theo thời gian. Ông cho rằng khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy sẽ là một lợi thế lớn, ngay cả khi các công ty khác phát triển mô hình AI với chi phí thấp hơn
Doanh thu Meta tăng mạnh trong quý IV/2024
Tại buổi báo cáo tài chính, Mark Zuckerberg cho biết Meta đã đạt được tổng doanh thu 48,39 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm 2024, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó lợi nhuận đạt được 20,8 tỷ USD, tăng 43% so với quý III/2023.
Một trong những lý do giúp doanh thu của Meta tăng mạnh trong quý IV/2024 vì các nhãn hàng đã đầu tư mạnh vào các chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram… nhằm lôi kéo người dùng trong giai đoạn mua sắm cuối năm.
Mark Zuckerberg cũng cho biết trong quý IV/2024, đã có hơn 3,35 tỷ người dùng sử dụng ít nhất một trong các ứng dụng của Meta mỗi ngày, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Meta đang sở hữu những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, bao gồm Facebook, Instagram, Messenger, WhatsApp và Threads.