Vụ việc xảy ra tại ấp Bình Đông, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre). Trước giờ một hộ dân có nhà ở và sáu hộ dân có đất vườn vẫn sử dụng lối đi công cộng (rộng khoảng 1,5 m) nằm giữa hai thửa đất để từ nhà, đất của mình đi ra ngoài đường lớn và ngược lại. Tuy nhiên, khi đến mua hai thửa đất này, ông Phan Văn H. đã dựng rào, gây khó khăn cho việc đi lại của các hộ.

Bà Nguyễn Thị Hồng T. (một trong bảy hộ dân) cho biết: Lối đi chung trên đã tồn tại cách đây hàng chục năm. Hai chủ đất đã bán đất cho ông H. đều có giấy xác nhận lúc bán đều trừ phần lối đi đó, không tính vào tiền bán đất. Ấy thế mà vào tháng 4-2012, sau khi mua đất khá lâu và vẫn cho bà con sử dụng lối đi bình thường, ông H. đã dùng lưới kẽm rào lại lối đi. Lúc này ông chỉ móc khép sơ sài, ai muốn ra vào thì tự mở ra và đóng lại… Nhưng sau đó ông lắp thêm hai cánh cửa sắt kèm theo lưu ý 10 giờ đêm sẽ khóa cửa. Buổi sáng, khi ông mở cửa lúc 6 giờ, khi ông mở cửa lúc 7 giờ khiến bà con luôn bị động trong việc đi lại.

Mọi người đang lo ngại không còn được sử dụng lối đi này. Ảnh: T.PHÚC

Theo bà T., tranh chấp về lối đi giữa gia đình bà với gia đình ông H. trở nên gay gắt kể từ khi nhà bà mở cơ sở thu mua dừa trái, làm nghề sơ chế cơm dừa, lượng công nhân ra vào đông. Khi những chiếc xe ba gác chở cơm dừa trọng lượng khoảng 500 kg/xe lưu thông trên lối đi, vợ ông H. đã ra ngăn cản, thậm chí khóa cửa. Thế là lô dừa trái lỡ chế biến không thể đưa đi tiêu thụ, bị thối rữa thiệt hại cả chục triệu đồng… Cơ sở chế biến dừa của bà T. buộc phải đóng cửa sau non nửa tháng hoạt động.

Em trai của bà T. bức xúc kể nhiều hôm anh đi mua dừa trái về khuya, do cổng rào bị khóa nên anh không thể vào nhà, đành phải gửi xe và xin ngủ nhờ nhà của người quen. Có lần mẹ của bà T. bị bệnh giữa đêm khuya, vì không thể mở cửa rào nên gia đình phải đưa người bệnh xuống xuồng băng qua con kênh lên lộ để chuyển đi bệnh viện cấp cứu.

Ông Lê Tấn Đạt, nguyên Bí thư Chi bộ ấp Bình Đông, cho biết cách đây khoảng 20 năm, chính ông đã vận động bà con trong xóm đắp con đê làm đường đi ra quốc lộ. Ông và nhiều người dân địa phương lo lắng khi nghe tin ông H. đòi “cấm cửa” lối đi này.

PV đã đến cơ sở mua bán vật liệu xây dựng của ông H. để hỏi chuyện. Song ông H. chỉ nói: “Muốn hỏi gì gặp vợ tôi”. Còn người vợ thì từ chối: “Tui hổng biết gì cả, ra xã mà hỏi, chuyện này cán bộ xã biết hết”.

Ông Nguyễn Văn Phích, Chủ tịch UBND Cẩm Sơn, nói: “Trong giấy tờ đo đạc đất của ông H. không có thể hiện lối đi trên”. Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, xã đã nhiều lần hòa giải các bên nhưng không thành. Hiện xã đã chuyển hồ sơ vụ việc đến TAND huyện xem xét, giải quyết.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO ( Đoàn Luật sư TP.HCM):

Cần làm rõ về quyền sử dụng đất

Theo khoản 1 Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2005, chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Theo đó, nếu các hộ có nhà, đất ở phía sau không có lối đi nào khác để ra đường công cộng thì hộ ở phía trước phải dành cho họ một lối đi.

Vấn đề tiếp theo là các hộ có phải “đền tiền” cho hộ ở phía trước khi được dành lối đi hay không? Cũng theo điều khoản trên, người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác. Căn cứ vào quy định này, các tòa sẽ yêu cầu những người được dành lối đi phải đền bù nếu diện tích đất làm lối đi thuộc quyền sử dụng của người chủ đất liền kề. Ngược lại, nếu người chủ đất liền kề không hề mua, cũng không được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất ấy mà vốn dĩ đó là lối chung thì các hộ ở phía sau phải được tiếp tục sử dụng lối đi chung ấy và không phải đền bù gì cả.

TÂM PHÚC


Video đang được xem nhiều