Béo phì cũng không nên kiêng mỡ

GiadinhNet - Con gái tôi 17 tháng, nặng 12kg. Bé gái lớn nhà tôi 8 tuổi, nặng gần 40kg. Tôi rất lo các cháu bị béo phì nên trong khẩu phần ăn của hai con, tôi đã cắt giảm hoàn toàn dầu ăn, đặc biệt là mỡ lợn.

15.6

Ngoài ra, với cháu lớn, tôi đã thực hiện chế độ cắt giảm khẩu phần ăn trong ngày từ  3 bữa xuống còn 2 bữa. Mỗi bữa chỉ cho cháu ăn một bát cơm và một ít thức ăn. Tôi không biết cách làm này có ảnh hưởng gì tới sự phát triển sau này của các con không? Tôi phải làm sao để chăm sóc các con cho tốt?

Lưu Thương (Hà Nội)

Bạn chỉ nên hạn chế dầu và mỡ động vật trong bữa ăn chứ không phải loại bỏ hoàn toàn dầu, mỡ động vật vì dầu, mỡ động vật ngoài cung cấp năng lượng còn là dung môi hòa tan các loại vitamin tan trong dầu như:     Vitamin A (giúp phòng bệnh khô mắt, giúp trẻ phát triển thể lực); vitamin D (chống bệnh còi xương); vitamin K, vitamin E…Đặc biệt không nên loại bỏ hoàn toàn mỡ lợn vì trong mỡ có nhiều chất cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh. Ngoài ra, axít béo no trong mỡ nếu được sử dụng ở mức độ hợp lý có tác dụng làm vững các mao mạch, bảo vệ tuần hoàn của cơ thể, dự phòng các xuất huyết não. Nếu chỉ dùng dầu ăn mà không dùng mỡ thì chức năng này trong cơ thể sẽ bị suy yếu.

Với bé dưới 2 tuổi, bạn vẫn nên cho 1/2- 1 thìa dầu hoặc mỡ động vật vào bát cháo của trẻ.

Với trẻ lớn, bạn tuyệt đối không được dùng phương pháp nhịn ăn để giảm béo vì nếu nhịn ăn, mỗi ngày cơ thể trẻ có thể giảm tối đa tới 0,5kg cân nặng nhưng lại gây thiếu hẳn các thành phần dinh dưỡng khác, làm giảm khối lượng cơ và rối loạn chuyển hoá ảnh hưởng xấu đến cơ thể của trẻ bởi cơ thể trẻ luôn phát triển và tăng trưởng.

Nếu con bạn quá béo, cần phải giảm cân thì buộc phải có sự theo dõi và hướng dẫn của cán bộ y tế nhằm tránh thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nguyên tắc chính điều trị béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực.

Khi chế biến món ăn cho trẻ béo phì, bạn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán. Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt. Không cho trẻ ăn quá no nhưng cũng không được ăn quá đói hay bỏ bữa. Trẻ béo phì cũng vẫn có thể uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Ngoài ra, bạn nên tăng cường hoạt động thể lực ở trẻ, tạo điều kiện giúp trẻ năng động như hoạt động thể thao, đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, cầu lông, đá cầu, bơi lội, đi xe đạp... Hướng dẫn làm các công việc ở nhà (lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc). Hạn chế trẻ ngồi xem ti vi, video, trò chơi điện tử…     

Chuyên gia tư vấn Kim Mai

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]