Bí quyết của "đô cử bạc" Olympic Hoàng Anh Tuấn

"Đã cả chục năm nay mình luôn duy trì một thói quen là cứ ngay sau mỗi buổi tập, ghi lại “nhật ký”, trong đó nêu rõ ưu nhược điểm, rồi điểm nhấn cần triển khai"...

0

>

Phải mất 4 giờ đứng chờ dưới cái nắng 37 độ C ngoài cổng làng Olympic chúng tôi mới có thể gặp được Hoàng Anh Tuấn - người vừa đoạt tấm HCB "quý như vàng" cho đoàn TTVN. Có quá nhiều phóng viên của các cơ quan thông tấn nước ngoài như AFP, Bangkok Post tìm đến phỏng vấn anh.

Câu đầu tiên khi gặp phóng viên nước nhà, Tuấn chỉ biết nói: "Nhớ nhà quá"! Đồng thời, anh cũng rất hồi hộp không biết niềm vui của người dân Việt Nam thế nào khi biết mình giành được chiếc huy chương bạc.

Chưa thi nhưng chắc chắn sẽ có huy chương

+ Một ngày sau khi đạt huy chương bạc, việc đầu tiên Tuấn làm của buổi sáng hôm sau là gì?

Mình tự thưởng một chế độ ăn thoải mái, bù lại quãng thời gian cả 3 tháng phải kiêng khem giữ cân, phong độ (mỗi bữa chỉ được ăn từ 7 lạng đến 1 cân). Bây giờ mới 4h mà mình đã ăn tới 4 bữa, lần nào cũng thấy ngon miệng, đến tối chắc chắn sẽ chén thêm 1, 2 bữa buổi tối nữa (bếp ăn ở đây mở cửa phục vụ 24/24h).

+ Trước giải Tuấn nghĩ mình có huy chương hay không?

Chắc chắn là có huy chương chứ! Nhưng là màu gì thì lúc đó mình cũng chưa biết thôi.

Vì khi tập luyện các ứng cử viên vô địch giật được 300kg thì mình cũng giật được mức đó, không hề thua kém. Nhưng vì là thi đấu trong thế trận nhiều người, lại ở một giải đấu lớn nhất thế giới thì áp lực là rất khác. Mặt khác mình cũng phải vượt qua cả áp lực tâm lý do VĐV người Trung Quốc được thi đấu trên sân nhà với sự cổ vũ hết sức mạnh mẽ.

Ngoài ra, ước muốn lớn nhất của mình không chỉ là đạt huy chương vàng mà là phá kỷ lục của VĐV người Thổ Nhĩ Kỳ từng nâng mức 300kg.

+ Trong lần nâng quyết định tại tối thi đấu đó thì Tuấn nghĩ gì?

Trước khi ra thực hiện lần cử đẩy quyết định ở mức 160 kg (sau một lần bị hỏng), thấy thầy Đỗ Đình Kháng vã mồ hôi thì mình trấn an thầy bằng cách cười và nói rằng thầy cứ yên tâm.

Từ khi bắt đầu trở thành VĐV chuyên nghiệp mình luôn tâm niệm rằng, đã nâng tạ thì làm sao để cho tâm lý cực kỳ thoải mái, phải cảm giác như không có gì.

Chính lúc bị rớt tạ lần thứ hai không phải là do mình không chuẩn bị tốt tâm lý mà do thời gian ngắt quãng quá lâu nên không nóng cơ, cảm giác của mình không tốt nhưng sau khi thua lần 1 thì mình cũng đã kịp lấy lại cảm giác và giật thành công.

Mình nghĩ phải làm được hơn nữa nhưng dù sao tấm huy chương bạc đó cũng là thành tích khá tốt rồi.

Niềm vui của Hoàng Anh Tuấn sau khi thực hiện thành công mức tạ 160kg. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ghi nhật ký tập luyện và thi đấu từng ngày

+ Ngoài yếu tố tâm lý, tự tin khi thi đấu thì bí quyết nào khiến cho Tuấn nâng thành tích của mình với tốc độ "chóng mặt" như vậy?

Đã cả chục năm nay, mình luôn duy trì một nề nếp cực kỳ chuyên nghiệp là cứ ngay sau mỗi buổi tập, ghi lại “nhật ký”, trong đó nêu rõ ưu nhược điểm, rồi điểm nhấn cần triển khai.

Tương tự như vậy với các giải đấu mình còn làm kỹ hơn, như sau “hụt” Vàng ở ASIAD 2006 và SEA Games 2007, có những lần nghĩ mãi không ra đâu là nguyên nhân của thất bại mình phải thức trắng liền cả mấy đêm để phân tích kỹ vấn đề để ghi thành “nhật ký” nhớ đời.

Chính vì rút ra từ những thực tế từ 2006, Tuấn đã luôn “tự chủ” với việc tập huấn của mình, tự lên giáo trình tập luyện, kế hoạch dinh dưỡng và sử dụng thuốc sao cho phù hợp nhất với mình, mà sau đó chuyên gia, HLV chỉ cần điều chỉnh, bổ sung thêm.

+ Với khả năng tự lập cao và những kiến thức tích luỹ từ những chuyến tập huấn, thi đấu nếu để cho làm HLV đội tuyển quốc gia Tuấn sẽ làm được chứ?

Bây giờ nói trở thành một HLV đội tuyển quốc gia thì hơi quá, nhưng cho làm HLV thì mình khẳng định sẽ làm tốt, thậm chí rất tốt.

+ Có được thành công lớn như ngày hôm nay, nhưng trước đây đã bao giờ Tuấn từng có ý định bỏ nghề chưa?

Có đấy! Mình nhớ hôm đó là tập theo giáo trình của chuyên gia Hungary, bài tập quá nặng khiến mình bị nôn ra, nhưng lúc đó thầy giáo người Việt tưởng Tuấn lười tập luyện nên đã yêu cầu gọi phụ huynh lên để kiểm điểm.

Tuy nhiên, mình trả lời dứt khoát, nếu gọi phụ huynh lên thì xin nghỉ thi đấu về đi học. Vì từ bé mình cố gắng tự lập, tự rèn giũa và không để gia đình phải phiền lòng. Tuy nhiên, sau đó khi hiểu nguồn cơn thì mọi việc lại bình thường.

Mong muốn trở thành thạc sỹ... cử tạ

+ Bước ngoặt trong sự nghiệp thi đấu thể thao đỉnh cao của Tuấn là khi nào?

Đó là tại đại hội TDTT toàn quốc 2002, mình đoạt huy chương bạc, ngay sau đó mình được gọi lên tuyển quốc gia và được sang tập huấn tại Trung Quốc. Tại đây mình được tập luyện cùng với 5 VĐV giỏi của tỉnh Liêu Ninh. Trước đó, tuy đã được coi là diện tài năng nhưng Tuấn mới chỉ cử đạt 225 kg, sang Trung Quốc còn bị các bạn quốc tế tập cùng cười… ruồi.

Thế nhưng chỉ sau 10 tháng tập dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Trung Quốc, lại tập ngày tập đêm nên Tuấn đã nâng thông số của mình đến 270 kg (mức trong top 10 thế giới) - tức là tăng cả 45 kg. Ngay khi đó mới tròn 18 tuổi, nhưng các chuyên gia Trung Quốc đã “chỉ yêu” mà nói rằng “cậu sẽ đủ sức đoạt huy chương Olympic".

+ Sau giải này dự định của Tuấn gì?

Dự định của mình là trở thành một HLV chuyên nghiệp, theo kế hoạch sang năm 2009 mình sẽ tốt nghiệp ĐHTDTT I. Mình chỉ tâm niệm một điều VĐV không phải chỉ là ăn và thi đấu mà phải có kiến thức thật vững ,lúc đó muốn truyền đạt cho học trò cũng sẽ dễ dàng.

Chính vì vậy nếu tốt nghiệp ĐH mình sẽ không dừng ở đó mà ít nhất phải học nữa có tấm bằng thạc sỹ, cao hơn nữa là tiến sỹ.

+ Xin cảm ơn và chúc Tuấn luôn thành công!

(VTC)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]