Bìm bịp có 2 loại đó là loài lớn, tên khoa học Centropus sinensis Stephen và loại nhỏ là C.benghalensis Gmelin. Loài bìm bịp lớn thường cư trú tại những nơi rừng núi có cây cối rậm rạp, còn loài nhỏ lại ưa sống ở những nơi có nhiều lau sậy và cây bụi nhỏ. Cả hai loại đều được sử dụng làm thuốc.
Theo Đông y, thịt bìm bịp có vị ngọt, tính ấm không độc, được sử dụng làm thuốc bổ máu, giảm đau, tiêu ứ, chữa hư lao, suy nhược, chân tay nhức mỏi, ứ huyết bầm tím, tê thấp, đau lưng, sản hậu, gãy xương... đặc biệt bìm bịp được sử dụng làm thuốc ngâm rượu uống có tác dụng chữa chứng liệt dương. Bộ phận dùng làm thuốc là cả con bìm bịp vặt bỏ hết lông và ruột, tạng phủ, sử dụng sống. Cũng có khi dùng thịt bìm bịp nấu cháo ăn hàng ngày cũng có những tác dụng nhất định.
Xin giới thiệu một vài phương pháp ngâm rượu bìm bịp phối hợp cùng các con vật khác có tác dụng bổ thận tráng dương, dùng cho người liệt dương hay người già đau lưng, mệt mỏi sức yếu.
|
Cách 1. Bìm bịp đực 1 con, bìm bịp cái 1 con khoảng 100g thịt, tắc kè đực cái 1 đôi khoảng 50g, rượu cất từ nếp loại 40 độ 2 lít. Làm thịt bìm bịp vặt bỏ lông, mổ bỏ ruột, chặt hết móng chân. Sau đó rửa sạch để ráo nước và ngâm sống trong rượu nếp cao độ trong 2 tháng liền, nếu để càng lâu càng tốt. Ngày uống 3 lần khai vị trước bữa ăn, mỗi lần uống 1 ly chừng 30ml.
Cách 2. Bìm bịp 1 con to và 1 con nhỏ, với ngũ xà là rắn hổ mang 1 con, rắn hổ trâu 1 con, rắn cạp nong 1 con, rắn ráo 1 con, rắn sọc dưa 1 con. Tất cả làm thịt bỏ ruột để sống cùng ngâm trong 3 - 5 lít rượu ngon trong 3 tháng mới sử dụng. Để càng lâu càng tốt. Trước khi uống có thể cho thêm thiên niên kiện trước vài ngày để làm thơm rượu và khử mùi tanh. Ngày uống 3 lần trước khi ăn, mỗi lần uống 1 ly chừng 30ml.
Loại rượu này còn có thể trị các chứng như liệt dương, hen suyễn, suy nhược, đái dắt, đái buốt của những người già thể trạng yếu, hay đau nhức xương cốt, mệt mỏi.
BS. Hoàng Xuân Đại