Bạn đang thắc mắc không biết thai nhi của mình có quá ngày không hay chỉ đơn giản là tò mò muốn biết chính xác em bé đã được bao nhiêu ngày tuổi. Hãy áp dụng những cách đơn giản sau nhé!
Tuổi thai được tính bằng phương pháp đơn giản, dựa trên kỳ kinh cuối cùng hoặc ngày thụ tinh. Thai phụ có thể tự ước lượng tuổi thai để xem có mang thai quá ngày không.
Cách tính tuổi thai
Đo bề cao tử cung suy ra tuổi thai
Điểm mốc 1: từ bờ trên khớp vệ
Điểm mốc 2: đáy tử cung là ranh giới phần rắn của thai với phần mềm của ruột (tử cung lớn lên về phía rốn).
Vào tháng thứ 1: thai nấp sau xương vệ
Vào tháng thứ 2: nhô cao bằng ¼ đường rốn – vệ (khoảng 4cm)
Vào tháng thứ 3: tử cung cao bằng ½ đường rốn – vệ (khoảng 8cm)
Vào tháng thứ 4: tử cung cao bằng ¾ đường rốn – vệ
Vào tháng thứ 5: tử cung ngang rốn
Vào tháng thứ 6: tử cung cao khoảng 20cm
Vào tháng thứ 7: tử cung ngang bằng ½ đường rốn – ức (khoảng 28cm)
Vào tháng thứ 9: tử cung cao khoảng 32cm.
Từ cách tính trên, Bartholomen đã đưa ra công thức tính tuổi thai (luật phần tư của Bartholomen):
Thời gian mang thai (tháng) = (bề cao tử cung/4) + 1
Ví dụ đo tử cung cao 20cm thì thai ở tháng thứ 6.
Chỉ có khoảng 3 – 5% người mẹ sinh nở đúng thời gian dự kiến. (Ảnh minh họa)
Dựa vào ngày thấy kinh lần cuối trước khi có thai
Kể từ ngày thấy kinh lần cuối tới ngày sinh thì mẹ mang thai được kể là 280 ngày (9 tháng 10 ngày hay 40 tuần theo tháng âm lịch 30 ngày).
Công thức Naegelée tính ngày dự sinh suy ra tuổi thai theo 280 ngày như sau:
Ngày: + 7
Tháng: – 3 (hoặc + 9)
Năm: + 1
Ví dụ: ngày tháng của kỳ kinh cuối là mùng 3 tháng 4
Tính ngày: 3 + 7 = 10
Tính tháng: 4 – 3 = 1
Ngày tháng sinh sẽ là ngày 10 tháng 1 năm sau.
Nếu ngày tháng của kỳ kinh cuối là mùng 3 tháng 2 thì:
Ngày sinh là 3 + 7 = 10
Tháng sinh sẽ là 2 + 9 = 11
Ngày tháng sinh của bé là ngày 10 tháng 11
Cách tính thai nhi quá ngày
Tính theo ngày thụ thai
Một thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 40 tuần. Nếu thai phụ biết ngày thụ thai, thì cách tính thai quá ngày, đơn giản là cộng thêm 40 tuần là ra số tuổi thai. Số thừa (ngoài 40 tuần) là mang thai quá ngày. Ví dụ, một người thụ thai vào ngày 15 tháng 1 thì đến ngày 26 tháng 11 là thai quá ngày (xấp xỉ hơn 40 tuần).
Tính theo ngày bắt đầu kỳ kinh cuối
Với cách tính ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối thì tuổi thai được trừ đi 3 tháng và cộng thêm 1 tuần. Chẳng hạn, ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối là ngày 20 tháng 3, trừ đi 3 tháng là ngày 20 tháng 12, cộng với 1 tuần là ngày 27 tháng 12. Suy ra, ngày sinh dự kiến là ngày 27 tháng 12. Phương pháp này gọi là quy tắc Naegele (Naegele’s rule).
Cách tính trên được giản lược là cộng với 9 tháng 1 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối là được ngày sinh dự kiến. Quá ngày đó thì là mang thai quá ngày.
Kết quả chính xác tương đối
Chỉ có khoảng 3 – 5% người mẹ sinh nở đúng thời gian dự kiến. Phần lớn sinh sớm hoặc muộn hơn ngày dự định trong vòng 2 tuần. Vì thế, nếu có dấu hiệu quá ngày, người mẹ không nên lo quá mức, hãy đi khám và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
BACSI.com (Theo Eva)