Tiết trời lạnh như thế này luôn hướng người ta đến việc thưởng thức các món lẩu. Nếu trời không lạnh có lẽ các món lẩu vì thế mà kém đi phần hấp dẫn.
Trong ngày Tết lạnh giá, cùng cả nhà và bạn bè bên nhau, vừa thưởng thức món lẩu có vị chua thanh, giản dị ở nước dùng, vừa xuýt xoa vì ngon, vì nóng, cảm giác thật gần gũi và ấm cúng.
- 1
Lẩu mẻ
Ăn nhiều loại lẩu thơm ngon rồi nhưng lẩu mẻ thì bạn đã được thử chưa? Có thể nhiều chị em vẫn còn chưa biết đến nó. Nghe đến lẩu mẻ, nhiều người hình dung mẻ chính là nguyên liệu chính và thắc mắc, sẽ ăn gì trong món lẩu này.
Nhưng thực chất, mẻ là gia vị chính cho nước lẩu được chua ngon, còn nguyên liệu để ăn với nước dùng có mẻ thì có rất nhiều. Tùy theo khẩu vị, sở thích mà bạn có thể lựa chọn nguyên liệu nào để thưởng thức. Có thể đó là cá, thịt gà, thịt trâu, thịt bò, ốc bươu, tôm... bạn có thể tha hồ mà nhúng nhé!
Cũng có nhiều loại rau ăn kèm với lẩu mẻ như các loại rau mầm, nấm các loại.
Nguyên liệu (cho 4 người ăn):
- Nước dùng được nấu từ xương gà, khoảng 2 lít.
- 300 gr tôm sú tươi
- 300 gr cá điêu hồng (đã lóc xương)
- 300 gr phi lê bò.
- Rau củ ăn kèm: 300 - 500 gr rau mầm các loại (cải, hướng dương, muống, dền, hành); 2 quả cà chua; 200 gr nấm (một hay nhiều trong các loại: linh chi, kim châm, rơm, bào ngư...);
- Đậu hũ non
- Gia vị: bột nêm, muối, đường, dầu ăn, nước mấm nhĩ, mẻ (50g), ớt tươi.Cách làm:
- Cá cắt miếng vừa ăn, thịt bò cắt lát mỏng, tôm lột vỏ rửa sạch; tất cả để ráo, xếp ra đĩa.
- Cà chua cắt làm đôi, dùng muỗng múc ruột bỏ, cắt làm 8 miếng; đậu hũ cắt khoanh vừa ăn; nấm, rau mầm bỏ rễ, rửa sạch, để ráo. Tất cả xếp ra đĩa.
- Nước dùng gà đun sôi cho mẻ lọc cặn vào, nêm gia vị, dầu ăn, đường, muối, bột nêm.
- Cho nồi nước dùng lên bếp lẩu, đun sôi, cho nguyên liệu vào. Trước tiên cho cà chua vào đun cho ngọt nước, sau đó thả cá, tôm vào, đậy nắp nồi cho sôi trở lại; thả nấm, đậu hũ vào, đun sôi trở lại, cuối cùng nhúng thịt bò và rau mầm các loại vào nồi nước đang sôi lăn tăn trên bếp, gắp ra liền để tránh thịt bò bị dai, rau bị đen. Lúc này tất cả các nguyên liệu khác trong nồi lẩu cũng đều đã dùng được, gắp ra chén, ăn chung với mỳ hoặc bún, hay có thể không cần; chấm thực phẩm với nước mắm hoặc nước chấm theo sở thích của bạn.
- 2
Lẩu bò nhúng giấm
Món lẩu bò nhúng giấm được rất nhiều người ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon hấp dẫn của nó.
Lẩu bò nhúng giấm có nguyên liệu rất đơn giản. Tùy vào số lượng người ăn trong gia đình, bạn có thể mua thịt bò phi lê cho đủ dùng, chuốt chát, khế chua, dưa leo, giá, củ cải trắng, bánh tráng, mắm nêm, thơm, dừa xiêm, hành tây, các loại rau sống, giấm và gia vị nêm...
Giữa tiết trời lạnh lẽo của những ngày Tết, được ngồi bên gia đình, nhúng những miếng thịt bò thăn nõn tươi ngon vào nổi lẩu đang bốc hơi nghi ngút, rồi cuộn với các loại rau ăn kèm cảm giác thật là thú vị.
Cách chế biến lẩu bò nhúng kiểu này không khó, chỉ với vài thao tác là bạn đã có ngay một bữa ăn thịnh soạn cho cả nhà.
Nguyên liệu:
- 800 gr thăn bò nõn
- 500 ml giấm
- 2 trái chanh
- 1 quả dứa
- Nước mắm chấm
- Bánh tráng
- Rau sống (dưa chuột bao tử, rau thơm, xà lách, giá sống, chuối chát, khế chua,... tùy ý nhé!)Cách làm:
- Thịt bò xắt lát mỏng (cố gắng xắt thật mỏng, đừng để cho thịt vụn). Ướp thịt với hành củ xắt mỏng và chút gia vị rồi để thấm chừng 30 phút).
- Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, băm nhỏ rồi để ra một tô lớn. Giã tỏi cùng với thơm vào quậy đều. Nêm nếm xem vị mặn, ngọt của mắm rồi chia đều ra 4 chén nhỏ.
- Xà lách tách từng bẹ, rau thơm nhặt bỏ cọng, giá sống chặt bỏ mũi, dưa chuột bao tử, chuối chát và khế xắt lát mỏng ngâm với nước cho trắng. Rửa sạch rau sống rồi vẩy nước cho thật khô.
- Đổ nước của trái dừa non cho vào nồi lẩu cùng với ít giấm, đường, gia vị đun sôi, đặt ra giữa bàn. Xếp thịt bò xung quanh cùng với rau sống, mắm, bánh tráng.
- Để lửa vừa phải cho nồi lẩu sôi, nhúng thịt bò vào nồi để chín gắp ra cuộn ăn cùng với bánh tráng, rau sống, dưa chuột, bún.