Bánh tart trứng kiểu Bồ Đào Nha với lớp vỏ bánh giòn rụm và nhân kem trứng thơm lừng, mềm ngon khó tả đối với mình có lẽ là một trong những sự kết hợp tuyệt diệu nhất trong thế giới bánh. Mình muốn cảm ơn nghìn lần những người Bồ Đào Nha đã nghĩ ra và phổ biến món bánh này. Đây là món bánh nằm trong danh sách ưa thích của nhà mình. Có những thời điểm mình muốn thử nghiệm nên làm liên tục mà bánh vẫn hết veo nhanh chóng. Nói đến thử nghiệm, trong mấy năm qua chắc mình cũng đã thử trên dưới 10 công thức. Trong số đó có khoảng một nửa là công thức khác nhau hoàn toàn về cách làm, còn đâu thì là khác nhau về tỉ lệ nguyên liệu. Có những công thức mình còn thử đi thử lại cho chắc. Đến giờ thì mình đã rút ra được cách làm bánh Tart trứng ngon nhất với nhà mình.
Một trong những thứ khiến mình miệt mài thử nghiệm nhất là phần vỏ của bánh tart trứng. Làm sao để phần vỏ bánh giòn rụm, tách lớp và thơm ngon đến vậy. Mình đã thử làm bánh tart trứng với công thức cán bột ngàn lớp truyền thống. Vì cán bột ngàn lớp cần cán rất nhiều lần để tạo lớp, và sau mỗi lần cán phải để bột nghỉ theo thời gian nhất định nên tùy công thức mà mất chừng nửa ngày hoặc có khi phải để đến ngày hôm sau nữa mới hoàn thành được. Thành phẩm bánh ra rất ngon nhưng như thế thì mất nhiều thời gian quá. Thế là mình lại miệt mài thử nghiệm những công thức khác. Thêm một động lực nữa là có rất nhiều nguồn thông tin cho rằng vỏ bánh tart trứng của Bồ Đào Nha sử dụng nguyên liệu và cách làm khác với vỏ bánh ngàn lớp kiểu truyền thống. Tất nhiên chỉ là suy đoán vậy thôi vì công thức bánh, nhất là công thức gốc được giữ bí mật tuyệt đối mà.
Công thức – Bánh tart trứng kiểu Bồ Đào Nha
(Cho khoảng 12 đến 14 chiếc bánh tart trứng cỡ nhỏ vừa)
Nguyên liệu cần để làm bánh tart trứng:
Phần vỏ bánh
240 grams bơ nhạt, để tủ lạnh lúc dùng đến mới lấy ra
240 grams bột mì đa dụng
100 ml nước thật lạnh
1 thìa cà phê muối tinh
Phần nhân bánh
3 quả trứng gà cỡ lớn (size 7)
50 đến 55 grams đường
200 ml sữa tươi không đường
70 ml kem tươi (whipping cream)
2 thìa cà phê tinh chất vanilla
Một xíu muối
Cách làm:
Phần vỏ bánh
Bước 1. Bơ vừa bỏ ra khỏi tủ lạnh, dùng dao cắt ngay thành từng miếng nhỏ.
Bước 2. Rây đều bột mì và muối. Cho phần bơ đã chuẩn bị vào. Dùng đầu ngón tay bóp nhẹ (rubbing in) phần bơ và bột vào với nhau cho đến khi không còn các mẩu bơ quá to trong hỗn hợp. Từ từ cho phần nước lạnh vào, nhanh tay trộn đều để hỗn hợp dần hòa quyện thành một khối. Không trộn quá kỹ.
Bước 3. Trên một mặt phẳng sạch, rắc một lớp bột mỏng rồi đặt phần bột đã trộn lên trên. Dùng tay hoặc cây cán bột nhẹ nhàng dàn đều miếng bột thành một miếng hình chữ nhật cỡ 20 x 40 cm.
Bước 4. Tưởng tượng chia chiều dài của miếng bột thành 4 phần bằng nhau. Gập hai đầu của miếng bột vào giữa rồi gập đôi lại. Tiếp tục dàn miếng bột đã gập thành hình chữ nhật 20 x 40 cm như bước trước.
Bước 5. Từ chiều ngắn hơn của miếng bột (20 cm), từ từ cuộn tròn miếng bột lại. Sau khi đã cuộn hết chiều dài của miếng bột, dùng tay nhấn nhẹ để khối tròn đã cuộn dẹt xuống thành một hình chữ nhật nhỏ.
Bước 6. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín miếng bột lại, để nghỉ trong tủ lạnh từ 1 đến 2 tiếng. Trong lúc đó chuẩn bị sẵn khuôn bánh sẽ sử dụng. Có thể dùng khuôn 12 bánh thường làm cupcake/muffin hoặc dùng các khuôn tart tròn rời, không cần chống dính và đặt hết lên một chiếc khuôn chữ nhật rộng để tiện di chuyển.
Bước 7. Sau thời gian bột nghỉ, mang miếng bột ra đặt lên trên bề mặt có rắc chút bột mì. Dùng cây cán bột cán mỏng miếng bột. Trong quá trình cán thỉnh dùng hai tay nhẹ nhàng nâng miếng bột lên một chút khoảng 2 – 3 lần (Hình mình họa bên dưới mình dùng một tay vì một tay còn chụp ảnh minh họa :D). Bước này giúp thành phần gluten trong miếng bột được nghỉ/nới lỏng (relax), khiến miếng bột có thể được cán mỏng dễ dàng hơn và hạn chế bột co lại hay dính xuống mặt bàn.
Bước 8. Dùng dụng cụ cắt bột bánh hoặc miệng cốc cắt bột thành từng miếng áng chừng sao cho vừa với phần khuôn (Miếng bột nên lớn hơn đường kính miệng khuôn một chút).
Bước 9. Dùng tay nhẹ nhàng nắn đều phần bột vào khuôn. Dùng một chiếc nĩa châm đều lên phần đáy. Cho khay vỏ bánh đã chuẩn bị vào tủ lạnh, khi làm xong phần nhân mới lấy ra.
Vì làm nhân bánh rất nhanh nên trước khi làm phần nhân thì làm nóng lò ở nhiệt độ 190 – 200 độ C tùy chênh lệch nhiệt từng lò trong ít nhất 10 phút.
Rây đều bột mì và muối, cho phần bơ đã cắt miếng vào. Dùng đầu ngón tay bóp nhẹ phần bơ và bột vào với nhau trước khi cho nước (Bước 2).
Bột sau khi đã trộn với nước, dùng tay hay cây cán dàn đều miếng bột thành hình chữ nhật và bắt đầu gập miếng bột lại (Bước 3 – 4).
Gập hai đầu của miếng bột vào giữa rồi gập đôi lại – Sau đó dàn đều miếng bột thành hình chữ nhật lần 2 (Bước 4).
Từ đầu ngắn hơn cuộn tròn miếng bột lại – Dùng tay nhấn nhẹ để miếng bột dẹt xuống (Bước 5).
Sau khi để bột nghỉ, bỏ ra cán mỏng, thỉnh thoảng nhẹ nhàng nâng miếng bột lên (Bước 7) – Cắt bột thành từng miếng tròn vừa với khuôn (Bước 8).
Phần nhân bánh
1. Trong một chiếc bát cỡ vừa, dùng cây đánh trứng đánh đều phần trứng với đường. Không cần đánh kỹ.
2. Cho sữa và kem tươi vào một chiếc nồi nhỏ. Đặt lên bếp ở lửa vừa đun đến khi chuẩn bị sôi thì tắt bếp.
3. Từ từ cho dần từng phần sữa và kem tươi đã đun vào bát trứng, khuấy đều. Không đổ hết một lượt phần sữa nóng vào trứng tránh trứng đặc lại.
4. Sau khi đã hòa đều, đổ hỗn hợp qua rây để lọc bỏ lợn cợn. Cho 2 thìa cà phê tinh chất vanilla và một xíu muối vào khuấy nhẹ.
Đánh đều trứng với đường
Sữa và kem tươi sau khi đun từ từ rót dần vào bát trứng, đánh đều. Lọc qua rây rồi cho vanilla và xíu muối vào khuấy nhẹ.
Hoàn tất và Nướng bánh
Bỏ khay vỏ bánh trong tủ lạnh ra ngoài. Chia đều phần nhân bánh vào từng khuôn sao cho gần đầy khuôn (Nếu muốn ăn ít nhân hơn có thể cho bớt đi). Nếu có nhiều bọt trên mặt thì nên hớt bỏ.
Cho khay bánh vào rãnh giữa của lò nướng đã làm nóng. Nướng bánh trong khoảng 20 đến 25 phút. Lúc gần hết thời gian lưu ý canh chừng để bánh được như ý (Ví dụ nếu thích nhiều phần nâu caramel trên mặt bánh thì để lâu hơn một chút và ngược lại).
Bánh chín bỏ ra khỏi lò. Bánh ăn ngon nhất lúc còn ấm nóng khi phần vỏ bánh đạt độ giòn tuyệt nhất.
Phần vỏ bánh sau khi đã châm đáy và để tủ lạnh. Bỏ ra ngoài trước khi nướng rồi rót nhân vào gần đầy khuôn.
Lưu ý
Khi bánh trong lò nướng, lúc đầu có thể thấy hiện tượng phần vỏ bánh như tụt xuống, chỉ nhìn thấy phần nhân ở trên. Không có vấn đề gì cả vì phần vỏ bánh sẽ dần nở phồng lên sau. Lưu ý không mở cửa lò (trừ vài phút cuối) để bánh được nở đều.
Trong các bước làm vỏ bánh, cố gắng làm nhanh tay để hạn chế độ chảy của bơ. Khi dàn bột hay nắn miếng bột đã cán vào khuôn mà thấy bột quá mềm, khó nắn thì cho vào tủ lạnh một lúc rồi bỏ ra làm tiếp sẽ dễ dàng hơn. Phần vỏ bánh sau khi cán nếu còn thừa có thể bọc lại, cất tủ lạnh hoặc ngăn đá để dành cho mẻ sau hoặc những loại bánh khác. Còn một cách tạo những vòng xoáy tròn dưới đáy bánh nhìn rất thích và đế bánh giòn tan hôm nào mình sẽ tổng hợp ảnh các bước và chia sẻ.
Nếu không có thời gian mọi người có thể mua vỏ bánh ngàn lớp ở siêu thị, về nhà chỉ cần cắt miếng, dàn đều vào khuôn rồi làm phần nhân. Đừng quên bước châm những lỗ nhỏ lên phần đáy trước khi rót nhân vào để tránh vỏ bánh trồi lên quá cao.
Khay bánh lúc mới ra khỏi lò nở phồng tròn xoe. Nếu muốn nhiều mảng nâu thơm ngon trên mặt bánh hơn thì để bánh lên rãnh trên nướng thêm một chút.
Bánh tart trứng là một loại bánh ngon mà không quá khó để làm. Vị ngọt của bánh cũng có thể thay đổi để phù hợp với khẩu vị của gia đình bạn. Bánh ngon hơn khi thưởng thức lúc còn hơi âm ấm nhưng cũng có một số bạn lại thích ăn nguội hoàn toàn. Pha thêm một ly trà nóng ấm, nhấm nháp vài chiếc bánh tart trứng quả thực không còn gì tuyệt hơn! Chúc các bạn thực hiện thành công món bánh tart trứng Bồ Đào Nha này nhé.