Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận và thực tế lâm sàng của y học châm cứu cổ truyền về huyệt "Tam âm giao". Được biết, khi ở tư thế “kiết già” xương chân sẽ tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt "Tam âm giao" của chân còn lại.
Điều này có nghĩa là trong suốt thời gian ngồi “kiết già”, huyệt "Tam âm giao" liên tục được kích hoạt. Huyệt "Tam âm giao" ở chỗ lõm bờ sau xương chày. Đối với người có tầm vóc trung bình, huyệt ở trên mắt cá chân khoảng 6cm đến 6,5cm. Sở dĩ được gọi là "Tam âm giao" vì huyệt là điểm giao hội của ba đường kinh âm: Túc thái âm tỳ, Túc thiếu âm Thận và Túc quyết âm Can.
Theo quan niệm chỉnh thể của y học phương Đông, một tạng hoặc một phủ nào đó khi phát sinh bệnh biến sẽ có biểu hiện trên đường tuần hành của đường kinh đi qua nó. Ngược lại, ta cũng có thể thông qua những huyệt vị trên đường kinh để điều chỉnh những rối loạn bệnh lý của các tạng phủ bên trong.
Do đó, khi tác động vào huyệt "Tam âm giao", ta có thể điều chỉnh toàn bộ quá trình chuyển hoá, hấp thu và bài tiết ở khu vực này. Đặc biệt là tác dụng "dưỡng Âm kiện Tỳ" và "sơ tiết Can khí" của huyệt. Tác dụng này giúp tái lập cân bằng nội tiết, nội tạng và điều hoà thần kinh giao cảm. Chính điều này giúp an định cả thân và tâm trong quá trình hành thiền.
Ngồi "kiết già" có một tác dụng rất hữu ích đối với người tu thiền hay luyện công phu. Khi ngồi như vậy, toàn bộ "bàn tọa" và hai đầu gối sẽ tiếp xúc với mặt phẳng tạo nên thế "kiềng ba chân". Tư thế đó giúp cho người luyện có một thế ngồi vững chãi, trọng tâm cơ thể luôn luôn ổn định, kể cả có đẩy cũng khó đổ. Và điều quan trọng là khi người luyện đi vào trạng thái "nhập định" nếu có tác động ảnh hưởng sẽ không bị giật mình. Lưu ý: Nếu như trọng tâm cơ thể không ổn định sẽ gây choáng.
Muốn ngồi "kiết già" được thì phải có sự luyện tập để mở khớp xương chậu và khớp cổ chân. Luyện mở khớp này có hai tư thế:
- Mở khớp chậu: đứng theo thế "trung bình tấn", hai bàn chân xoay mũi xòe ra hai bên song song với chiều của hai cánh tay dang ngang. Khi "tấn" đã ổn định thì từ từ ngồi xuống và đứng lên. Mỗi nhịp đứng lên ngồi xuống 7-9 lần, sau đó xả "tấn" thư giãn rồi tiếp tục. Tốc độ đứng lên ngồi xuống tùy thuộc vào mức độ thuần thục của bản thân.
- Mở khớp cổ chân: Tương tự như thế trên nhưng mũi bàn chân lại quay ngược vào trong.
Yêu cầu : Khi tập phải xoay dần hai bàn chân ra, sao cho nằm trên một đường thẳng. mỗi ngày tập xoay một chút. Khi đạt được bàn chân nằm trên đường thẳng, đồng thời lúc đứng lên ngồi xuống thấy thoải mái là đạt yêu cầu.
- Không nên tập quá sức, khả năng 10 phần chỉ cố đến 7-8 . Ngày sau cố hơn ngày trước một chút.
- Nếu không có sự tin tưởng thì không nên tập.
- Bạn nên bắt đầu tập vào buổi sáng sớm thức dậy, trước khi tập thể dục và ăn sáng. Nếu bạn chọn thực tập trước khi ngủ sẽ bất lợi vì bạn sẽ dễ bị cơn buồn ngủ lôi kéo. Khi ngồi tư thế “kiết già” gương mặt bình thản, miệng hơi mỉm để cho các cơ bắp trên mặt được giãn ra. Điều này rất cần thiết cho sự ổn định của thần kinh.