Chánh Tín: 'Hạnh phúc nằm trong tâm hồn mình'

Một thời, khán giả gọi anh với cái tên là Nguyễn Thành Luân - vai diễn trong "Ván bài lật ngửa". Trong dòng phim tình báo VN, chưa có diễn viên nào vượt qua được gương mặt này. Sau nhiều năm vắng bóng, anh trở lại màn ảnh nhưng không phải trong vai trò diễn viên, mà chủ yếu ở vị trí nhà sản xuất.

0

- Anh xuất thân từ nghề ca sĩ, nổi danh trước năm 1975, nhưng khán giả sau này chỉ biết Nguyễn Chánh Tín của màn bạc. Sắp tới, anh nghĩ sao về chuyện sẽ ra album riêng như một kiểu kỷ niệm?

- Tôi tham gia ca hát từ hồi học ở trường Mạc Đĩnh Chi, được giải liên trường với trường ca Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương. Lớp 12, tôi đã nổi tiếng toàn miền Nam, bước vào chương trình của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước trong ban Tâm Ca và Đạo Ca của nhạc sĩ Phạm Duy.

Sau đó, anh Ngọc Chánh, quản lý của vũ trường Queen Bee và nhạc sĩ Phạm Duy tới mời tôi hát tại Queen Bee. Tôi là nam ca sĩ đầu tiên hát bài Nghìn trùng xa cách, còn nữ ca sĩ đầu tiên hát là Thái Thanh. Ngày trước, nghệ sĩ tôn trọng nhau dữ lắm, ai đã hát thành công bài nào, người sau đều tránh ra. Khánh Ly hát Trịnh Công Sơn thành công, thì không ai dám hát nhạc Trịnh.

Năm 1973, tôi vừa được huy chương vàng điện ảnh, vừa được giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo bình chọn. Lúc đó gia đình tôi định mở hãng phim và âm nhạc để độc quyền tôi, sau đó giải phóng, tôi phải làm lại từ đầu. Sau 75, người ta ít biết tới Chánh Tín về âm nhạc vì tôi không ra băng đĩa.

Giọng tôi trữ tình không hát được nhạc đỏ, trong khi đó, dòng nhạc trữ tình lại không được hát. Sau này tôi mới hát những bài nhẹ nhàng như Mimoza, nhưng đã quá muộn rồi. Sắp tới, tôi sẽ ra album hát chung với bà xã. Hai vợ chồng hát cả bài tình ca xưa lẫn nhạc trẻ hiện nay. Hiện nay, hãng Chánh Phương đầy đủ điều kiện kỹ thuật. Chúng tôi sẽ thu lại tất cả những bài hát ngày xưa khiến tôi nổi danh và được phép hát lại.

Diễn viên Chánh Tín. Ảnh: Thế Giới Văn Hóa.

Tin vào triết lý nhà Phật

- Gia đình anh vốn theo nghiệp võ, chỉ mình anh rẽ ngang theo nghệ thuật. Lúc đầu cha anh không đồng ý và anh thường bị ăn đòn, vậy bằng cách nào anh vẫn theo đuổi được công việc này?

- Ba tôi là chân truyền của một tướng trong quân đội Tôn Văn (Tôn Trung Sơn). Chừng 5 tuổi, năm anh em tôi đã được cha dạy võ. Là tướng võ nên cha tôi rất ghét văn nghệ, coi đó là xướng ca vô loài, cấm ngặt vì sợ học hành chểnh mảng. Nhưng từ thời tiểu học, tôi đã mê văn nghệ, hát hay nhất trường, được chọn biểu diễn solist, ngoài ra còn biết tạc tượng, vẽ tranh. Tôi không học giỏi nhất lớp, nhưng cũng luôn ở trong top 10.

Gần đến Tết, tôi vẽ thiệp chúc xuân mang vào trường bán, được đặt hàng nhiều đến mức không lo học thi, chỉ lo kiếm tiền, vì thế cha tôi vứt hết cọ màu. Nói không được thì ba đánh. Mỗi lần đánh không dưới 10 roi. Có lần đi tập văn nghệ về tôi bị cha đánh bằng một bó năm cây roi mây. Cha tôi đã đánh thì không ai can được. Chỉ bị đánh 1-2 roi tôi đã không chịu nổi nên tôi chạy, có lần phải trốn lên máng xối, hàng xóm giúp tôi trốn.

Năm tôi 15 tuổi, cha mất, tôi thực sự vào nghề. Chỉ tiếc đến khi tôi nổi tiếng thì cha không được chứng kiến. Cha tôi theo Phật giáo, vì thế giáo dục con cái theo tâm nhà Phật. Khi ra đời, chúng tôi đều được trang bị hành trang Phật pháp, nên khi hành xử không bị "tham, sân, si". Nhờ Phật học mà sau năm 1975, trong hoàn cảnh cả nước nghèo khổ, bản thân tôi không bị lung lay và hiện nay cũng an lành.

Nhiều nghệ sĩ không nắm tư tưởng đạo Phật, chìm trong bất mãn đau khổ rượu chè, phá phách thân thể, rồi chết thê thảm. Tôi cố gắng học giỏi, sống chỉn chu cũng vì không muốn bị người ta nói nghệ sĩ kém đầu óc, bê tha cuộc sống gia đình. Cứ sống hết mình, đừng trách cứ cuộc đời, vì cái nghiệp của mình là vậy, không nên đòi hỏi cao thấp sang giàu. Nếu giàu thì tốt, nhưng nghèo thì cũng đừng buồn, thành công thì được, không thành công cũng không sao. Đôi lúc mình buồn, bất mãn thì cứ buồn, nhưng đừng lấy đó là điều quan trọng.

- Từng mở nhà hàng, giờ dự định của anh trong việc này thế nào?

- Tôi dẹp quán năm 2000, vì khách tới quán cứ hay mời cạn ly mà mình không thể từ chối. Tiếp khách nhiều, mình sinh bệnh. Bác sĩ nhắc nếu cứ uống rượu nhiều sẽ bị xơ gan. Hiện nay, tôi mở hãng phim, nên chắc là thôi "nghiệp nhà hàng".

Ca sĩ Bích Trâm - người vợ, người tình và gần như một người chị, người mẹ

- Vợ anh, ca sĩ Bích Trâm, nổi danh trên sàn diễn trước anh, vang bóng một thời trên sân khấu ca nhạc Sài Gòn nhưng lại lùi về hậu trường phục vụ chồng con. Anh nghĩ sao về hành động đó?

- Bà xã tôi vừa là một người vợ, người tình và gần như một người chị, người mẹ chăm sóc, tha thứ cho tôi khi tôi gặp lỗi lầm.

Trong quá khứ, tình cảm chúng tôi cũng sóng gió. Không phải chỉ mình tôi mà bà xã tôi cũng có nhiều người ái mộ, vì cô ấy xuất thân từ ca sĩ hát nhạc Pháp nổi tiếng từ những năm 1965 trong giới học sinh sinh viên. Tôi không thể nói hết, vì trong số đó có rất nhiều người nổi tiếng. Nhưng khi cô ấy gặp tôi thì bị "khớp" (cười) vì tôi ca hát và diễn xuất hơn hẳn. Cô ấy bỏ hẳn nghề theo tôi, tin tưởng vào tôi.

Mẫu người như bà xã tôi hiếm tìm thấy trong xã hội hiện nay, vì ở cô ấy dung hòa cả cái cũ và cái mới. Thực ra, nếu ai cũ quá thì cũng không ở được với tôi vì không thể chấp nhận con người có đời sống lãng mạn như tôi. Nhưng ai hiện đại quá tôi cũng không hợp, ngay từ cách ăn nói, nhất là của một số cô gái trẻ hiện nay.

- Nhiều người lấy làm tiếc cho chị Bích Trâm, bởi nếu tiếp tục đứng trên sân khấu thì chị sẽ còn nổi tiếng. Anh nghĩ sao?

- Vấn đề là hạnh phúc ở đâu, ở sân khấu hay gia đình. Nếu bà xã tôi chọn hạnh phúc là sân khấu thì chắc không ở với tôi lâu dài. Mỗi lứa tuổi mình phải đứng trước quyết định rất quan trọng: sự nghiệp và tình yêu, chọn cái nào để nó mang lại hạnh phúc cho mình, và cái chính phải biết hạnh phúc nằm ở đâu. Theo tôi, hạnh phúc nằm trong chính tâm hồn mình.

Cái gì mình chọn được và giải quyết trong tầm tay, có cả gia đình và sự nghiệp thì đó là hạnh phúc. Cái gì mình với không tới, vì không đủ sức, thì không phải là hạnh phúc. Đó cũng là triết lý sống của tôi. Sở dĩ tình yêu bền chặt như thế này là cả hai vợ chồng có cùng quan điểm. Vợ tôi cũng chỉ ôm cái trong tầm tay, tôi cũng không thích với những điều không đủ sức.

- Trước đây, anh chị đi hát cùng nhau cũng nhiều. Tết nào khiến anh chị nhớ nhất?

- Đó là Tết năm 1986, sau khi đổi tiền. Vợ chồng tôi đi hát ở ngoài, không ăn Tết ở nhà. Con mới đẻ đỏ ối phải nhờ trông. Hát ở Cà Mau, Bạc Liêu, tưởng có tiền nhưng bầu lại ôm cát-xê trốn hết. Ba ngày Tết hát xong không có một xu nào về thành phố. May hai vợ chồng được nhạc sĩ Trường Hải cho 10 đồng đi xe đò về. Sau những năm 1990, chúng tôi mới có cái Tết chính thức ở gia đình.

Suốt 10 năm đi hát khắp Bắc - Trung - Nam, nhiều khi rất tủi thân. Có những cái Tết vợ chồng tôi phải mượn bàn thờ của dân (lúc đó không có khách sạn, phải ngủ nhờ nhà dân) chuẩn bị giao thừa, năm mới. Dân sợ xui, đuổi xuống bếp để họ cúng gia tiên, sau đó chúng tôi mới lên mượn bàn thờ cúng ông bà nhà mình.

- Những ngày khó khăn đó có những bữa ăn, món ăn nào khó quên với anh chị?

- Sau năm 1975, ăn uống khó khăn cũng là trong cái khó chung của cả nước. Bánh chưng, bánh tét không có. Tết 1978-1979, chúng tôi không có tiền mua mỡ, không mua quà Tết. May mắn có nhạc sĩ Trần Tiến và nhạc sĩ Dương Thụ từ Hà Nội vào thăm. Anh Dương Thụ đem bánh chưng Hà Nội vào, cả nhà ăn tấm tắc khen ngon.

Hằng năm, dịp Noel là mùa kỷ niệm của vợ chồng tôi, vì cũng là gần kỷ niệm ngày cưới và sinh nhật bà xã, vợ tôi dành dụm được chút tiền mua con cá lóc bằng 3 ngón tay (trong Nam cá lóc rất to). Tình cờ mấy người bạn ghé thăm, họ cảm động quá, góp gió mua một chút, nên tổ chức được bữa tiệc linh đình.

Nhưng khổ nhất là mặc. Chúng tôi làm bao nhiêu sắm đồ diễn hết. Con đẻ ra phải bú sữa bột, nước cháo đường vì vợ tôi hiếm sữa. Hồi 2-3 tuổi nó thèm đường quá, phải ăn vụng cả kem đánh răng của Mỹ vì có vị ngọt. Quần áo của con, vợ chồng tôi thường phải đi xin quần áo mọi người trong họ hàng, vì không thể sắm nổi.

Là ca sĩ, chúng tôi phải sắm máy hát, lúc đó bán ở đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1 TP HCM, chỉ bé bằng 2 gang tay, giá 250 đồng, nhưng phải trả góp trong vòng một năm mới hết. Sau năm 1975, cát-xê đi hát được 3-4 đồng mỗi sô, nhiều lắm là 6-7 đồng.

Thuyết phục Lê Khanh đóng phim qua NSND Trần Tiến

- Anh từng đóng phim cùng với nhiều nữ diễn viên tài sắc như Lê Khanh, Thu Hà, Thanh Lan... Anh thấy hợp nhất với ai?

- Thu Hà hợp với tôi ở những vai tình cảm xã hội, hợp về sắc diện. Còn Lê Khanh hợp với những vai chiều sâu.

- Lê Khanh diễn xuất cùng anh trong phim do anh sản xuất đầu những năm 1990 như "Chiếc mặt nạ da người", "Ngôi nhà oan khốc", "Bản tình ca cuối cùng"... Anh thuyết phục thế nào để chị ấy nhận lời tham gia những phim Việt Nam hồi đó thường gọi là phim mỳ ăn liền?

- Có một điều may mắn là tôi chơi thân với NSND Trần Tiến - cha của Lê Khanh như anh em. Anh Trần Tiến cũng nói nhiều về tác phong làm việc, nghệ thuật của tôi với Lê Khanh. Nếu không có Trần Tiến đảm bảo thì người cẩn thận như Lê Khanh chắc khó lòng tham gia.

Phim do tôi sản xuất, ngoài yếu tố kinh doanh, có hàm chứa dung lượng nghệ thuật mà khán giả không thể chê trách. Tôi dị ứng với quan niệm tách rời hai dòng phim này của chúng ta hiện nay.

- Trong những phim sắp tới, anh nghĩ sao về dự định tiếp tục mời Lê Khanh cộng tác?

- Đó là điều tôi cũng nghĩ tới vì hãng Chánh Phương có nhiều dòng phim. Dòng phim hợp tác với nước ngoài - Cinema Picture do Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn phụ trách, dòng phim trong nước (drama, kinh dị, lịch sử) do tôi phụ trách, dòng phim tình cảm xã hội lại do một nhóm đạo diễn khác phụ trách nên chúng tôi cần rất nhiều diễn viên.

Ảnh: Doanh Nhân Sài Gòn.

Johnny Trí Nguyễn và Charlie Nguyễn cần chiều sâu về văn hóa Việt

- Hiện nay, Johnny Trí Nguyễn, cascadeur từng đóng thế trong "Người nhện" và một số phim khác của Holywood, cũng là cháu anh, được coi như một trong những nam diễn viên khá nổi danh của màn bạc Việt Nam. Anh đánh giá thế nào về cháu mình?

- Tôi chưa hài lòng, cả với Johnny Trí Nguyễn và Charlie Nguyễn, vì các cháu mới bước đầu làm nghệ thuật. Trí Nguyễn có thế mạnh về ngoại hình, võ thuật. Trí Nguyễn không cần phải học hỏi từ tôi, mà phải học hỏi các đàn anh, bậc thày ở Hollywood. Nhưng chỉ có võ thuật và ngoại hình không đủ, mà phải có chiều sâu về diễn xuất.

Charlie Nguyễn làm phim theo phong cách Hollywood, còn về chiều sâu văn hóa Việt Nam thì chưa đầy. Muốn đưa tên tuổi điện ảnh Việt Nam ra thế giới, phải có đầu óc, tâm hồn, văn hóa Việt Nam. Kỹ thuật mình có thể học hỏi nước ngoài. Nhưng tâm hồn Việt Nam thì không thay thế được.

cũng như các phim khác các cháu đã làm là đáng khích lệ. Tôi nhận xét ở đây không phải với tư cách một diễn viên, đạo diễn mà với tư cách khán giả. Chỉ mong các cháu đừng tự thỏa mãn, vì nếu thỏa mãn thì không còn con đường tiến triển. Tôi đã nhìn thấy điều đó ở nhiều nghệ sĩ Việt Nam. Có nhiều diễn viên trẻ mới nổi đã phách lối trong cách làm việc, đối xử với mọi người.

Làm phim ma không quá chú trọng kỹ xảo

- Trong khi các hãng phim khác đều làm phim về "chân dài", "đồng tính" ăn khách, thì Chánh Phương lại đi vào đề tài võ thuật. Tại sao vậy?

- Trước hết vì gia đình tôi có truyền thống. Bản thân tôi cũng từng tham gia phim Ván bài lật ngửa có dính dáng võ thuật. Tôi thích phim võ thuật, ma quái, thích Hitchcock, Stephen King. Hiện nay, cách nhìn của Việt Nam về phim ma quái và hệ thống duyệt cũng thoáng hơn.

Theo tôi, điện ảnh không chỉ thể hiện văn hóa dân tộc mà còn có tính chất giải trí. Chúng ta vốn thích giải trí nhiều hơn, chứ không thích phim nặng nề quá, vì trong cuộc sống bình thường đã bao khó nhọc rồi. Phim võ thuật, kinh dị, thần thoại có tính giải trí tốt sẽ làm cho cuộc sống phong phú hơn.

- Một trong những chiêu của hãng phim hiện nay là dùng ca sĩ, người mẫu nổi tiếng để thu hút khán giả. Vì sao anh lại cho rằng không cần thiết?

- Không phải không sử dụng, mà là ngôi sao hiện nay quá bận (cười). Về lâu dài trong dòng phim kinh dị, chúng tôi chỉ muốn chọn những người diễn xuất tốt. Phim kinh dị cũng không cần ngôi sao, vì sợ rằng khán giả mải để ý tới ngôi sao, không chú ý câu chuyện. Nhiều khi ngôi sao đóng phim kinh dị lại sợ xấu xí, nên không nhận lời. Nếu ngôi sao biết nhường vị trí của mình cho hồn ma, thì chúng tôi mới dám mời.

(Theo Đàn Ông)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]