Những cặp uyên ương song ca đầu tiên của tân nhạc Việt Nam

Vào Sài Gòn, Châu Kỳ ở nhờ tại nhà của nhạc sĩ Mạnh Phát (tác giả của những ca khúc Qua xóm nhỏ, Chuyến đi về sáng, Nỗi buồn gác trọ…), còn Mộc Lan khi mới vào Sài Gòn cũng được nữ ca sĩ Minh Diệu (vợ Mạnh Phát) cưu mang. Ở chung một nhà nên “chuyện gì đến, phải đến”: Châu Kỳ và Mộc Lan nhanh chóng quyến luyến tình cảm. Chàng dắt dìu nàng đi khắp các tụ điểm ca nhạc ở Sài Gòn. Chỉ chưa đầy nửa năm sau, họ chính thức thành hôn.

Cũng từ buổi sáng ấy, ở Sài Gòn đã hình thành nên hai cặp song ca uyên ương (vợ chồng): Mạnh Phát - Minh Diệu và Châu Kỳ - Mộc Lan. Cùng lúc này ở ngoài Huế có thêm một đôi uyên ương khác: Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết (song thân của nữ ca sĩ Hồng Hạnh hiện nay). Đó là 3 cặp uyên ương song ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam, và phải đến 20 năm sau mới có thêm những cặp Lê Uyên và Phương, Từ Dung - Từ Công Phụng…
 Danh ca Mộc Lan - Ảnh: Tư liệu

Rồi Châu Kỳ đưa vợ về Huế ra mắt họ hàng. Được ông Thái Văn Kiểm - Giám đốc Nhà Thông tin và Đài phát thanh Huế nâng đỡ, tạo điều kiện cho cả hai vợ chồng được hát thường xuyên trên đài với mức lương rất là hậu hĩ.

Ở Huế, danh tiếng của cặp Châu Kỳ - Mộc Lan nổi như cồn, cho dù ở đây đã có vợ chồng Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết “cát cứ” nhưng cặp uyên ương này lúc đó chỉ hát những bài hát mang về từ chiến khu: Lời người ra đi, Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu (Hoàng Thi Thơ)… nên họ có một lượng khán giả riêng, không ảnh hưởng gì tới hoạt động âm nhạc của Châu Kỳ - Mộc Lan. Cuộc sống tưởng như vậy là đã quá đủ cho đôi vợ chồng son. Nhưng…

Khúc ly ca…

Cuộc sống vợ chồng của họ chỉ kéo dài khoảng 6 năm rồi chia tay. Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân sâu xa có lẽ là “con chim quý phải ở lầu son” trong khi cái “tổ ấm” của họ chỉ là “… một căn phòng nhỏ ở phía sau Ty Thông tin Huế, dưới chân cầu Tràng Tiền. Căn phòng quá nhỏ cho một đôi uyên ương quá nổi tiếng ở đất Thần kinh. Tôi cứ ngỡ đẹp như chị tôi, hát hay như tiên nữ như chị tôi phải ở trong một lâu đài khuê cát. Hiện tại là thế này ư? Nó khác xa với hình ảnh rực rỡ của chị tôi khi đứng trên sân khấu cất tiếng hát họa mi làm say mê biết bao tâm hồn mơ mộng, đa tình, trong đó có cả tôi…” (trích Những trang sách khép mở - Trần Áng Sơn). Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân của họ mau chóng đổ vỡ?

Sinh thời, nhạc sĩ Châu Kỳ đã từng nhiều lần tâm sự với người viết: “Họ chung sống ở Huế được 6 năm thì nàng “phải lòng” và đi lại với một người bạn học cũ của Châu Kỳ - người này là con một bà chúa (hoàng tộc), chủ sòng xóc dĩa ở Kim Long (Huế). Vì chuyện đau lòng này mà Châu Kỳ đành dắt vợ trở vào Sài Gòn để giấu nhẹm không cho gia đình mình biết và cũng để ngăn trở đôi tình nhân, không cho họ gần gũi…
Tuy nhiên, Châu Kỳ không ngờ tình địch vẫn bám theo. Ở Sài Gòn, đôi nhân tình vẫn hẹn hò, gặp gỡ nhau… Lời ong tiếng ve râm ran nên Châu Kỳ quyết theo dõi vợ. Ông nhờ nhà thơ Đặng Văn Nhân (người đứng ra tổ chức đám cưới cho Châu Kỳ và nàng) chở đi bằng xe hơi bám theo nàng vào tận Chợ Lớn. Châu Kỳ không đủ can đảm chứng kiến người đã từng cùng mình “hương lửa mặn nồng” nay lại ở trong vòng tay người khác nên nhờ ông Đặng Văn Nhân đi bộ theo dõi, còn mình ngồi lại trong xe.
Khi ông Nhân trở ra, kể lại sự tình, Châu Kỳ thấy trời đất như sụp đổ, ông tông cửa xe, định đâm đầu xuống sông tự tử, may nhờ có ông Nhân ôm ghì lại. Rồi… “uống rượu cho đến ngày nay”. Người viết hỏi: “Rồi ông có gặp lại nàng?”. “Có, nhưng mà cũng lâu lắm rồi. Đó là hôm đám tang nhạc sĩ Lê Thương (1996 - NV), cô ấy đi cùng ca sĩ Tâm Vấn đến phúng điếu. Chúng tôi chỉ chào hỏi xã giao. Không nói chuyện gì nhiều. Chuyện cũ đã vời xa quá rồi!”.

Chuyện trên là do đích thân nhạc sĩ kể với người viết. Ông không nói tên tình địch nhưng trong tập sách Những trang sách khép mở, nhà văn Trần Áng Sơn cũng có đề cập đến nhân vật này. Đó là một người đàn ông tuy lớn tuổi nhưng có ngoại hình rất thu hút, khuôn mặt quyến rũ, được mọi người kính trọng gọi là Mệ Phủ (“mệ” là tước hiệu chỉ người thuộc hoàng tộc - NV).

Mệ Phủ là trung úy Ngự lâm quân bảo vệ hoàng cung (thời Bảo Đại). “Ông ta thường đến thăm các chị tôi vào những buổi chiều, lúc nào cũng mang quà cáp cho mọi người, nhất là các chị tôi. Ông thường tự lái chiếc xe jeep hiệu “Lăng Rôvơ”, tiếng máy nổ rất êm…

Mỗi lần ông đến, chị Ngọc tôi thường mừng rỡ như muốn reo lên. Cũng dễ hiểu, thường thì quà tặng chị là món quà lớn nhất, đẹp nhất. Sau đó, ông còn lái xe đưa cả nhà đi, khi thì nhà hàng, khi xem phim ở rạp Morin. Cũng có lúc ông đưa cả nhà đi thăm khắp các di tích, dinh thự các đời vua Nguyễn. Tuy tặng những món quà đắt nhất, đẹp nhất cho chị Ngọc nhưng người ông chú ý lại là cô em Mộc Lan, con họa mi tuyệt sắc nhất của cố đô Huế. Tôi nhận ra điều này vì thời gian gần đây, anh Châu Kỳ ít đi chung với chị tôi, nhất là trong những lần có sự hiện diện của vị khách quý tộc…

Rồi, anh Châu Kỳ đã công khai phản đối gia đình tôi về sự hiện diện quá ưu đặc biệt của Mệ Phủ. Với tư cách gia trưởng, anh Long tôi không chấp nhận thái độ của em rể. Cuộc xung đột đi đến kết quả đổ vỡ. Ít lâu sau, anh Long có lệnh gọi nhập ngũ. Anh Châu Kỳ và chị tôi vào Sài Gòn và họ chia tay nhau” (Những trang sách khép mở - Trần Áng Sơn).
  Bài hát Đừng nói xa nhau qua giọng ca của ca sĩ Quang Lê - Minh Tuyết (Nguồn - YouTube)

Đấy là giai đoạn đầy những đau thương, u uất chất chứa trong nhiều ca khúc của Châu kỳ: “Từ giã kinh thành, Khúc ly ca, Đàn không tiếng hát, Tiếng hát dân Chàm, Biệt kinh kỳ, Khuya nay anh đi rồi, Tìm nhau trong kỷ niệm, Hương giang tôi còn chờ, Đừng nói xa nhau, Tiếng ca đó về đâu? (Thơ Nguyễn Tiến Thịnh) và nhất là ông đặt lời cho ca khúc Mưa rơi của anh bạn nhạc sĩ hoàng tộc Ưng Lang, lúc đó ở Huế đã xảy ra “hiện tượng” đi đâu cũng nghe thanh niên hát: “Mưa rơi chiều nay vắng người. Bên thềm gió lơi. Mơ bóng ngàn khơi… Mưa rơi màn đêm xuống rồi. Mây sầu khắp nơi. Thương nhớ đầy vơi… Ai đi như xóa bao lời thề. Thuyền theo nước trôi không về, thấu cùng lòng ai não nề, riêng chốn phòng khuê… Mưa rơi đìu hìu dưới trời. Đêm dài vắng ai. Thương nhớ nào nguôi…”.

Nhạc sĩ Ưng Lang (sinh năm 1919, lớn hơn nhạc sĩ Châu Kỳ 4 tuổi), cũng vốn là chỗ thân thiết với người viết (ông từ trần ngày 17.8.2009 tại TP.HCM). Khi tôi hỏi ông về chuyện nhạc sĩ Châu Kỳ đặt lời cho bài Mưa rơi, ông nói: “Bài hát tôi làm lúc đó đã xong cả nhạc lẫn lời. Thế rồi Mộc Lan xa Châu Kỳ mà đi Hà Nội. Châu Kỳ có tâm sự buồn như vậy cho nên khi thấy bài hát của tôi thì đề nghị cho thay đổi vài chỗ trong lời hát cho gần với cảnh ngộ của mình. Tôi đồng ý để Châu Kỳ sửa vài chỗ như thế và đồng ý để Châu Kỳ đứng tên nơi phần lời ca cho đúng với nguyện vọng về mặt tình cảm riêng tư của anh ấy…”.

Đôi uyên ương rẽ cánh, mỗi người bay đi một ngả kể từ lúc ấy…
(Còn tiếp)
Trích Chuyện tình nghệ sĩ - Hà Đình Nguyên (NXB Trẻ)