Nếu như ở các vùng nông thôn, đậu phộng thường được luộc đem ra chợ bán bởi những bà, những chị “gánh gồng” trên vai hay được đặt trong nia, trong thúng đẩy trên xe đạp hoặc chở sau xe, thì tại đây - nơi đất Sài thành phồn hoa đô thị, những người bán đậu phộng lại tụ tập cùng nhau tạo thành một dãy chợ kéo dài khoảng 100m.
Tại khu chợ này, hàng ngày mấy trăm kí đậu phộng luộc và rang được bán ra cho các mối lái lẫn khách mua lẻ. Đậu ở đây được chia làm 2 loại: giống Thái/Đà Lạt (giá 40 nghìn/kg) và giống Long An (30 nghìn/kg), riêng đối với đậu phộng rang mỗi loại sẽ có giá chênh lệch hơn đậu luộc 15 nghìn/kg. Những giống đậu này có hạt vừa to lại vừa chắc, “nhìn là muốn ăn” dù rang hay luộc.
Theo lời của các tiểu thương, đa phần đậu được lấy nguồn từ Đức Hòa, Đức Huệ (thuộc tỉnh Long An) và một số tỉnh thành khác như Trà Vinh, Củ Chi, Lâm Đồng, Kon Tum, Đăk Lăk… Tuy đậu phộng là loại hạt được thu hoạch quanh năm nhưng thời điểm được mùa nhất là vào khoảng tháng 7.
“Chợ đậu phộng” hàng ngày bắt đầu nhóm họp từ khoảng 6 giờ sáng cho tới tận 9-10 giờ đêm. Được biết, trước kia các tiểu thương bán đậu trong khu vực Chợ Lớn, nhưng do nhiều lần bị ban quản lý chợ “dẹp” thông thoáng đường nên buôn bán gặp nhiều khó khăn, sau này họ chuyển qua góc đường Trang Tử giao với Nguyễn Thị Nhỏ để được “yên vị” hơn. Cũng từ đó, cái tên “Chợ đậu phộng” truyền tai nhau mà nhiều người biết đến.
Các tiểu thương bán ở chợ hầu hết là những người dân miền Tây, phần đông quê từ Long An lên Sài Gòn buôn bán mong kiếm được “đồng ra đồng vô” trang trải cho cuộc sống gia đình. Chị Mười (50 tuổi) - một trong những tiểu thương bán lâu nhất ở chợ - cho biết: Tôi theo nghề này là bởi “cha truyền con nối”. Từ xưa gia đình tôi ở Long An đã đi buôn đậu phộng rồi, nhưng ở dưới quê thì bán chậm và cực hơn trên này nhiều. Ở đây nhờ có mấy mối sỉ là các quán nhậu mà mỗi ngày tôi cũng bán được 50-60kg”.
Đối với nhiều tiểu thương khác, người mới “ra nghề” thì trung bình mỗi ngày bán được 20-30 kg đậu, người “lâu năm” thì số lượng bán gấp đôi, có khi hơn, tùy vào đơn hàng của khách mua sỉ. Như thế, trung bình mỗi sạp ở chợ sẽ có thu nhập từ 100-250 nghìn/ngày. Theo chị Sinh (45 tuổi), chủ một sạp đậu phộng nhỏ, thì: “Ở đây giá bán sạp nào cũng như nhau, mạnh ai nấy bán, không ai giành giật mối của ai. Chúng tôi đều là người từ quê lên làm ăn nên mọi người thường chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau”.
Đậu phộng xưa nay vốn là một món ăn vặt khá phổ biến đối với người Việt Nam bởi tính ngon miệng, dễ ăn, giá thành thấp lại tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, đậu phộng rang được xem là một trong những món “khoái khẩu” của dân nhậu, cứ 10 quán nhậu thì hết 8 quán có phục vụ loại hạt thơm - ngon - giòn - béo này. Cũng chính vì vậy mà khách hàng đến mua đậu tại chợ chủ yếu là những “mối sỉ”, đến lấy hàng cho các quán nhậu trên khắp địa bàn TP.HCM, hoặc những người đi bán đậu phộng lẻ rong ruổi trên khắp các con phố. Ngoài ra, vẫn có những khách lẻ ghé mua khá thường xuyên, từ vài chục nghìn đồng đến vài ba kí đem về cho gia đình, bạn bè “ăn vui” đỡ buồn miệng.
Là khách mua lẻ ở sạp chị Sinh, anh Chí (31 tuổi) cho biết: “Do nhà gần đây nên tôi hay ra mua đậu phộng về ăn. Tính ra so với các món ăn vặt khác thì ăn đậu ngon, bổ, rẻ hơn nhiều”. Không chỉ được biết đến bởi người dân sinh sống tại các khu vực gần đó mà tiếng tăm “Chợ đậu phộng” cũng được vang xa nhờ vào những lần “tình cờ”. Một lần tình cờ đi ngang qua khu này em bị cuốn hút ngay vào dãy phố bán đậu phộng nên đã tấp xe vào mua. Từ đó về sau, hễ có dịp qua đây là em lại ghé vào mua về cho mấy đứa bạn cùng ăn”, Phát - cậu sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, TP.HCM chia sẻ.
Một món ăn dân dã của miền quê như đậu phộng nấu vẫn là nguồn tạo ra kế sinh nhai nuôi sống nhiều gia đình nơi đất Sài thành, quả thực rất đáng khích lệ. Thậm chí, việc đậu phộng được chào mời khách nước ngoài trong các quán nhậu hay nhà hàng cao cấp cũng góp phần thiết thực vào việc truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Nếu bạn tiện đường đi ngang qua góc Trang Tử và Nguyễn Thị Nhỏ, hãy ghé vào khu “Chợ đậu phộng” để mua vài lạng, vài kí về thưởng thức, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được một hương vị miền quê hoàn toàn khác với các món ăn vặt chứa đầy phẩm màu và hóa chất hiện nay.
Thanh Dung / Duyên Dáng Việt Nam