“Muốn chống ngập hiệu quả trước hết phải bắt đúng bệnh” - kỹ sư Vũ Ngọc Luyện, chuyên viên tư vấn thiết kế cho nhiều dự án chống ngập quan trọng ở TP.HCM, nhấn mạnh. “Khi làm kè chống ngập cho khu Thanh Đa, chúng tôi thiết kế đỉnh kè cao 2 m. Thế nhưng khi triều mới dâng cao hơn 1,5 m thì nước đã muốn tràn rồi. Rõ ràng chúng ta chưa bắt đúng bệnh nên chống ngập chưa tốt, chứ nếu đổ lỗi ngay nguyên nhân là do triều tăng, TP.HCM lún thì dễ dàng quá…” - ông Luyện dẫn chứng.

Cần kíp không làm, lo chuyện xa xôi

Kỹ sư Luyện kể tiếp: “Khi thấy nước muốn tràn qua đỉnh kè, tôi cho anh em kiểm tra lại mốc độ cao. Sau khi đối chiếu mốc độ cao ở tận phường An Phú Đông (quận 12), chúng tôi xác định đỉnh kè còn thấp so với thực tế, nguyên nhân là mốc độ cao chúng tôi dùng để tính toán trước đó bị lún. Sau đó đơn vị phải tính toán mực triều thực tế để nâng đỉnh kè lên”.

Theo kỹ sư Luyện, có rất nhiều công trình chống ngập dựa vào mốc độ cao bị lún nên tính toán số liệu không chính xác. Đây không phải lỗi của tư vấn thiết kế mà là lỗi của đơn vị quản lý mốc độ cao quốc gia (Bộ TN&MT). “Song chúng ta cũng phải có giải pháp phù hợp để công trình đạt hiệu quả chứ không thể căn cứ cái sai của đơn vị khác để làm sai theo. Các công trình chống ngập khác cũng vậy, nếu thấy quy chuẩn thiết kế đỉnh triều +1,32 m thấp hơn thực tế thì phải chủ động tính toán, đề xuất nâng lên. Chứ cứ lẳng lặng mà làm thì sao đạt hiệu quả chống ngập” - ông nói.

Tất bật tát nước tràn vào nhà sau một cơn mưa ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Một lãnh đạo Sở GTVT TP xác nhận thời gian qua Sở cũng nhận được thông tin nhiều công trình chống ngập tính toán số liệu không chính xác do căn cứ mốc cao trình bị lún. Song hiện chưa có đơn vị nào điều tra, xác định có bao nhiêu công trình chống ngập kém hiệu quả do “tính sai” độ cao.

“Những chuyện cụ thể như thế (khẩn trương tính lại mốc độ cao, điều chỉnh quy chuẩn thiết kế đỉnh triều... - PV) lẽ ra phải làm ngay thì không làm. Chúng ta cũng chưa làm nổi chuyện đồng bộ hệ thống thoát nước với hạ tầng đô thị, vậy mà đã tính tới những giải pháp cao siêu, xa vời như ngăn biển, ngăn sông như một số đề xuất gần đây” - một kỹ sư thủy lợi bình luận.

Mời người tài tham gia chống ngập

ThS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), đồng thời là cố vấn cho Trung tâm Chống ngập, cho rằng thật ra các giải pháp kỹ thuật để chống ngập đã có đủ, chỉ vướng ở cách làm. “Trước kia, do không có đơn vị nào “chủ xị” nên TP mới thành lập Trung tâm Chống ngập. Song trên thực tế, Trung tâm Chống ngập cũng giống như một ban quản lý dự án, nhiều chuyện họ không quyết định được...” - ông Phi nói.

Kỹ sư Vũ Ngọc Luyện nêu quan điểm: “Bây giờ TP cần phải có chính sách tập trung người tài, tâm huyết nhất để cùng ngồi lại tính toán, thống nhất các giải pháp chống ngập”. Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết thêm, sau khi UBND TP chỉ đạo tìm giải pháp chống ngập, Sở đã tiếp xúc, lắng nghe hiến kế của nhiều nhà khoa học. Dự kiến ngày 1-11 Sở sẽ tổ chức hội thảo bàn về các giải pháp chống ngập cho TP.

Thí điểm xây hồ điều tiết ngầm

Trở lại chuyện Trung tâm Chống ngập cho rằng ngập là do mưa vượt tần suất, kỹ sư Vũ Ngọc Luyện lập luận: “Tôi nghĩ không nên cuống lên rồi tăng tiết diện cống thoát nước lên ngay mà cần khảo sát thật kỹ. Ví dụ, nếu ngập xảy ra ở khu vực có tuyến cống nhỏ (cấp 3, cấp 2) thì xem các miệng cống thu gom nước đã đủ chưa, nước tiêu thoát tốt chưa. Nếu chưa tốt thì mở thêm miệng cống thu gom, lắp cống bổ sung. Tuyến cống lớn cũng phải xem thực tế có quá tải không. Khi bắt được bệnh chính xác thì mới có giải pháp phù hợp”.

Còn theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm Chống ngập, trước mắt đơn vị sẽ hoàn thiện quy hoạch hồ điều tiết chống ngập. “Khi hoàn tất quy hoạch hồ điều tiết, chúng tôi sẽ nghiên cứu về chuyện mưa vượt tần suất thiết kế cống. Khi có luận chứng khoa học chắc chắn thì mới tính đến chuyện tăng tiết diện cống”.

Theo ông Long, sắp tới TP sẽ chú trọng xây hồ điều tiết giảm ngập. Do loại hồ nổi như hồ ở Đầm Sen rất khó thực hiện vì quỹ đất không còn nhiều nên sẽ chú trọng tới các hồ điều tiết nhỏ (tận dụng khu nhà dân, sân trường, công viên). Trước mắt TP sẽ thí điểm xây hồ điều tiết ngầm ở Công viên Bàu Cát, quận Tân Bình.

___________________________________

50 là số tuyến kênh, rạch bị lấn chiếm, gây cản trở thoát nước ở TP.HCM đã kéo dài nhiều năm. Ngoài ra còn có 15 vị trí thi công gây ảnh hưởng đến hệ thống cống thoát nước và 34 tuyến kênh, rạch bị bồi lắng chưa được nạo vét.

(Nguồn: Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM)

Thanh tra TP.HCM khảo sát dự án chống ngập

Theo kế hoạch, vào ngày 31-10, Thanh tra TP.HCM sẽ khảo sát các dự án chống ngập do Trung tâm Chống ngập TP thực hiện trong giai đoạn 2012-2013. Sau khi khảo sát, Thanh tra TP sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra vào năm 2015 để trình UBND TP.

TRUNG THANH

Video đang được xem nhiều