Chuyện đất đai và quy hoạch treo di sản
Sau khi khu vực Phong Nha được quy hoạch mở rộng, thôn Xuân Tiến trở thành trung tâm. Hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về mua đất, khiến đất tăng giá cao. Trước tình hình đó, ông Hoàng Văn Thái, trưởng thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã ngang nhiên cấp cho con gái là Hoàng Thị Hà một lô, sau đó Hà bán cho chủ mới với giá 160 triệu đồng.
Ông Thái còn cắt đất Nhà văn hóa 3 lô bán cho Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Ly, Nguyễn Thị Bình, mỗi lô chỉ 10 triệu đồng. Hiện ông Thái còn chiếm đất công gần 1.000 m2 dựng nhà gỗ cho một người tên Khởi (quê Định) thuê lại mỗi tháng 300.000 đồng.
Tổng cộng ông Thái chiếm đoạt của Nhà nước hàng ngàn mét vuông đất để tự ý bán, cấp cho con gái, cho thuê. Việc ông Thái ngang nhiên bán đất công, lãnh đạo xã Sơn Trạch biết nhưng lại làm ngơ, không xử lý dứt điểm, lãnh đạo huyện Bố Trạch cũng chưa quyết liệt trong việc này.
| |
Dân xây nhà tạm để chờ đền bù.
|
Mặc dù lãnh đạo địa phương đã ra văn bản cấm dân khu vực này xây dựng các công trình mới nhưng hàng trăm căn nhà tạm bợ vẫn bát nháo mọc lên, vì người dân nghe bảo sắp có đường mở rộng nối từ đường Hồ Chí Minh vào trụ sở Vườn Phong Nha - Kẻ Bàng, nên họ xây nhanh đến chóng mặt nhằm lấy tiền đền bù. Bởi vậy, trong một đêm mà có hơn 20 căn nhà được xây cất đàng hoàng, sáng hôm sau xã thấy vậy cũng đành bất lực đứng nhìn.
Căn nguyên sâu xa dẫn đến sự bát nháo đó là sự chậm trễ trong quy hoạch khu vực này. Trước đây, một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã từng tuyên bố với báo giới, sẽ thuê các chuyên gia nước ngoài quy hoạch mảnh đất di sản, nhưng loay hoay mãi chẳng thuê được. Cuối cùng một đơn vị địa phương nhảy vào quy hoạch, đó là Trung tâm quy hoạch tỉnh, “cây nhà lá vườn” lao vào quy hoạch. Rất may bản quy hoạch đó chưa được thông qua vì lối làm việc thiếu tầm nhìn, bản đồ được các chuyên gia đánh giá chưa tính toán được vấn đề tương lai gần, chứ chưa nói chuyện tương lai dài 10 năm hoặc lâu hơn.
| |
Trụ sở Chi cục thuế cho thuê mở quán cơm phở.
|
Dự án trên giấy, du lịch “nhờ trời”
Hiện tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng đã có 7 đơn vị nhảy vào xin đầu tư du lịch, họ được cấp 66,5 ha đất nhưng mấy năm nay các đơn vị vẫn chưa nhúc nhích. Dự án hoành tráng nhất cho du lịch sinh thái thuộc về Công ty Phát triển văn minh đô thị (Cividec), được cấp 50 ha. Đơn vị này đã lớn tiếng quảng cáo với khách du lịch rằng đây là khu nghỉ mát gồm nhiều khu như: khu nghỉ mát núi, khu nghỉ mát danh lam thắng cảnh, khu nghỉ mát sông, khu nghỉ mát rừng… Vốn đầu tư dự án công bố hơn 300 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 tuyên bố sử dụng vào năm 2004, cuối năm 2005 dự định toàn bộ dự án hoàn thành nhưng đến nay thời hạn đã hết, người ta chỉ nhìn thấy đơn vị này dựng xong cây cột đá sự tích trầu cau, còn những khu vui chơi, nghỉ mát, phòng nghỉ… vẫn còn nằm trên giấy. Giải trình việc này, quan chức địa phương bảo đơn vị thi công chậm, công ty “phản pháo” địa phương bàn giao mặt bằng chậm.
| ||
Công trình cấp nước tiền tỉ, giờ được gọi là trái bầu khô. |
Về du lịch, sau những năm tháng Phong Nha - Kẻ Bàng thành di sản thế giới, du khách đến đây rồi ra đi và ít khi trở lại. Trung tâm du lịch sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng do ông Đặng Đông Hà làm giám đốc mấy năm qua chưa cải thiện được môi trường du lịch cho xứng tầm di sản thế giới.
Ngoài việc biết kinh doanh du lịch ở hai hang động, hang khô và hang nước ra, ông Đặng Đông Hà chưa mở được tuyến du lịch mới nào, mặc dù tiềm năng du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng không phải nghèo nàn. Người ta chỉ đánh giá du lịch ở đây có sự thay đổi nho nhỏ thường niên là năm nào ông giám đốc cũng đi nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm nhưng đến lúc về chẳng làm được gì bất ngờ.
Ngay cả những hướng dẫn viên dưới quyền của ông cũng chẳng có sự thay đổi nào về mặt chuyên môn, số người biết ngoại ngữ chẳng đủ bỏ đầu ngón tay. “Làm du lịch kiểu nhờ trời như thế, sớm muộn gì cũng mất khách”, một người bạn ở TPHCM khi đi tham quan Phong Nha - Kẻ Bàng đã thốt lên với tôi như vậy. Anh còn bảo: “Lên đây tưởng được tiêu tiền thoải mái, ai dè chỉ biết tiêu vào tiền vé, tiền nước uống chưa hết trăm ngàn đồng”.
Chuyện lạ Phong Nha - Kẻ Bàng còn nhiều, và sẽ còn nhiều nữa nếu những người có trách nhiệm không sớm có quyết sách xứng tầm với một khu di sản thế giới. Dân ở đây bảo: “Mấy năm rồi chỉ có cây cột đá với trái bầu khô (đài nước) thì mần được chi”. Còn bọn trẻ con thì ra rả câu vè: “Phong Nha có trái bầu khô/Có cây cột đá hồ đồ mọc lên”.
Theo Minh Phong
Sài Gòn Giải Phóng