Theo Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam, cây vú bò còn gọi là vú chó. Tên khoa học Ficus heterophyllus L. thuộc họ Dâu tằm Moraceae. Cây vú bò thường mọc hoang ở khắp những vùng đồi núi nước ta rải rác khắp các tỉnh từ vùng núi thấp (dưới 600m so với mực nước biển) đến trung du và đồng bằng.
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết thêm, cây vú bò là một cây nhỏ thuộc thảo cao 1 - 2m, sống lâu năm, cành thưa. Lá mọc so le, phiến lá chia 3 - 5 thùy, có khía răng cưa. Mặt lá nháp, gân nổi rõ. Hoa mọc ở nách lá.
“Quả” thực ra là cụm hoa đặc biệt, gồm đế cụm hoa lõm hình cái chén gần kín miệng, ở trong chứa hoa. Quả thật thuộc loại quả hạch con, chứa trong đế cụm hoa (mà ta vẫn gọi nhầm là hạt), hình cầu, đường kính 10mm, đầu quả có một núm nhỏ màu đỏ giống như đầu vú con bò hay con chó do đó có tên (đừng nhầm với dây vú bò là loại dây leo còn có tên là hà thủ ô trắng). Toàn cây có nhựa mủ trắng.
Cây vú bò thường mọc hoang ở khắp những vùng đồi núi nước ta. Người ta dùng rễ, nhựa mủ và toàn cây. Thường rễ đào về, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Có khi sao vàng hay tẩm mật sao cho thơm. Có khi nấu thành cao đặc mà dùng.
Cần lưu ý: Ngoài cây mô tả trên, có một cây nữa cũng mang tên vú bò tên khoa học là Ficus, palmatiloba Merr, cùng họ Dâu tằm Moraceae. Có lá chia từ 3 – 5 hoặc 7 chùy, không khía răng, quả không có cuống. Ít dùng.
Đông y cho rằng, cây vú bò có công năng khu phong thấp , tráng gân cốt, khứ ứ, tiêu thũng, sinh tân. Công dụng làm thuốc bổ trong các trường hợp hư lao, tắc tia sữa, chữa phong thấp.
Theo kinh nghiệm trong dân gian cũng nói cây vú bò là một vị thuốc được coi là một vị thuốc bổ, dùng cho những người hư lao, bạch đới, khí hư, tắc tia sữa. Thường dùng ngâm rượu chữa chứng phong thấp. Ngày dùng 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rựơu.
Cách chữa bệnh theo kinh nghiệm trong dân gian từ cây vú bò
* Chữa chứng phong thấp: Dùng rễ cây vú bò từ 100 – 200g, sao vàng hạ thổ rồi cho vào 1.000ml rượu đế cao độ (40 – 45 độ cồn) ngâm trong 10 – 15 ngày (hàng ngày lắc nhẹ 1 – 2 lần). Mỗi ngày uống 15 – 20ml.
* Chữa đau phong thấp: Rễ vú bò 60g, móng giò lợn 250g, rượu 60g. Thêm ít nước, sắc còn nửa bát, chia làm 2 lần uống trong ngày cách nhau 4 – 6 giờ.
* Chữa ngã bị ứ huyết, ngực bụng, đau nhức, hòn cục: Lấy toàn cây vú bò giã nát, thêm rượu và ít muối, sao nóng đắp lên nơi đau.
* Chữa đầy trướng, không tiêu, mặt vàng, ké, ăn: Ô long vĩ (bồ hóng bếp rây nhỏ), nhựa mủ cây vú bò vừa đủ để làm thành viên, viên to bằng hạt nhãn. Mỗi ngày uống 1 viên; dùng nước sắc gừng để chiêu thuốc.
* Chữa đau dạ dày, viêm tinh hoàn, lòi dom, sa tử cung: Vú bò 30g; Tô mộc, Hồi đầu thảo, Ngưu tất, Mộc thông mỗi vị 12 g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
* Chữa bế kinh, sau khi đẻ ứ huyết đau bụng: Rễ vú bò 30 – 60g. Sắc nước rồi thêm ít rượu uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần.
* Kiện tỳ hóa thấp, trị các chứng viêm gan mạn, xơ gan, phù do suy dinh dưỡng: Vú bò (thổ hoàng kỳ) 20g, diệp hạ châu 16g, nhân trần 12g, rau má 16g. Sắc uống.
* Khứ đờm giảm ho (viêm phế quản, ho có đờm): Vú bò 20g, mạch môn 12g, diếp cá 20g, lá táo 16g. Sắc uống.
* Bổ khí huyết, tỳ thận, bổ huyết, bổ tỳ, bổ thận: Vú bò 20g, đương quy 10g, bạch truật 10g, thục địa 10g. Sắc uống, ngày 1 thang. Có thể dùng đơn này với liều cao hơn để ngâm rượu, ngâm 10 – 15 ngày. Uống 30ml mỗi ngày.
* Bổ tỳ ích khí, trị ăn không ngon miệng, tiêu hóa kém, hay đầy bụng, hay bị phân sống: Vú bò 20g, mộc hương 4g, thảo quả 6g, đậu khấu 6g. Sắc uống.
* Chữa thấp khớp mạn tính: Vú bò (sao vàng) 20g, dây đau xương (sao vàng) 16g, rễ sung sao 12g, củ ráy tía sao 12g, rễ gối hạc (sao vàng) 16g, thiên niên kiện 12g, rễ bạch hoa xà 8g. Sắc nước, cho thêm ít rượu để uống.
* Chữa sa dạ dày, sa trực tràng, sa tử cung: Vú bò 30g, tô mộc 12g, hồi đầu thảo 12g, ngưu tất 12g, mộc thông 12g. Sắc uống. Uống 2 – 3 tháng.
* Chữa sưng đau tinh hoàn: Rễ vú bò tươi 60 – 120g. Sắc uống. * Bạch đới: Rễ vú bò khô 60g. Sắc uống.
Chú ý: Rễ cây này thường gọi là Hoàng kỳ nam dùng thay thế Hoàng kỳ và còn dùng chữa ho, phong thấp...
Thuốc tham khảo : Vitamin E 400mg - Phòng ngừa và điều trị thiếu vitamin E |
Theo GĐVN