Cuộc hội ngộ của những người yêu sách

Không phải là những nhà bình luận văn học chuyên nghiệp, các tác giả tham dự cuộc thi “Nghĩ từ trang sách” hẳn chỉ có thể cầm bút vì những cảm xúc tự nhiên về những gì gần gũi, đồng điệu với tâm hồn mình...

31.0455
Đọc sách không chỉ để giải trí mà còn nâng tầm tri thức, nhận thức của mỗi người. Món ăn tinh thần này càng có ý nghĩa khi đó là sự chăm lo của tổ chức Công đoàn đối với công nhân”- ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã nhấn mạnh điều này tại lễ trao giải cuộc thi “Nghĩ từ trang sách”, tổ chức sáng 5-7. Sự lay động lòng người từ sách Cuộc thi “Nghĩ từ trang sách”, nằm trong khuôn khổ chương trình “Tủ sách công nhân” do Báo Người Lao Động, Công ty CP Văn hóa Phương Nam, Nhà Xuất bản Trẻ và DNTN Sách Thành Nghĩa phối hợp tổ chức khởi động từ cuối năm 2006. Gần 90 tủ sách đã được trao tận tay công nhân (CN) các doanh nghiệp. “Nghĩ từ trang sách” đã thu hút hơn 200 tác giả cả nước gởi bài dự thi. Ban tổ chức đã trao 6 giải thưởng cho các tác giả có bài viết hay nhất. Điều khá bất ngờ là dù buổi lễ được tổ chức giản dị nhưng lại vô cùng sôi nổi, thân mật, ấm cúng và thật sự là nơi hội ngộ của những người yêu sách. Lên nhận giải nhất thay vợ đang đi công tác ở tỉnh không về kịp (tác giả Lê Thị Bính với bài viết “Một thoáng hương xưa”), ông Chung Chí Thành xúc động nói: “Tôi từng viết rất nhiều, dự thi rất nhiều nhưng chưa bao giờ đoạt giải. Còn bà xã tôi chỉ viết duy nhất một bài lại đoạt giải nhất. Đó là vì bà ấy viết bằng cả tấm lòng đối với sách”. Một thoáng hương xưa là những nghĩ suy, tâm tình, hoài vọng của tác giả về quyển sách Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng. Ông Thành kể, quyển sách vợ ông đọc đã ố vàng, nhưng những giá trị văn hóa và sự lay động lòng người của nó không bao giờ cũ. Cũng với sự xúc động như vậy, bạn đọc Tạ Hạnh Liên, chuyên viên phân tích tài chính, đang làm việc tại Công ty Vinamilk (giải nhì với bài “Khi bạn yêu một bông hồng” viết về tác phẩm Hoàng tử bé) khi nhận giải thưởng đã nói: “Tôi thật sự hào hứng với cuộc thi bởi nó thôi thúc mình tìm đến những người bạn thân thiết, những người thầy uyên bác là những quyển sách hay. Sách làm cho tâm hồn mình lắng lại giữa cuộc sống bộn bề”. Hạnh Liên cho biết, từ ý nghĩa của chương trình “Tủ sách công nhân”, chị và nhóm bạn đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng tủ sách cho trẻ em tại các mái ấm, nhà mở. Họ đã bỏ tiền ra mua được 200 quyển sách. Số tiền thưởng và phiếu tặng sách này sẽ giúp số lượng sách của nhóm tăng một cách đáng kể.
Tổng Biên tập Báo NLĐ Trần Thanh Hải trao giải cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: N. Hữu
Cuộc thi có ý nghĩa đặc biệt “Giới trẻ ngày nay biết rất rành sử Trung Quốc. Trong khi đó, họ quên rằng kho tàng sử VN có quá nhiều những trang sử đẹp, hào hùng; có nhiều vị anh hùng yêu nước, trăn trở, suy tư về đất nước rất đáng để học tập, noi gương. Sách sử là một đề tài hấp dẫn. Em gái tôi mê sách sử từ bé. Sẵn dịp này, em quyết tâm gởi dự thi bài viết Thành Thái - Người điên đầu thế kỷ dù tôi “rủ rê” em viết về một quyển sách khác”. Chị Dương Thanh Vân, chị của tác giả Dương Thanh Thủy (Ngân hàng Đông Á, giải ba), đã hào hứng kể lại quá trình dự thi của hai chị em. Đối với chị Vân, cuộc thi do Báo Người Lao Động tổ chức đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh văn hóa đọc đang dần mất đi ở một số người. “Còn tôi, khi đọc quyển Thế giới phẳng, tôi cảm thấy rất thú vị trước một vấn đề rất mới mẻ mà tác giả đặt ra. Dù quyển sách rất dày và... khô khan nhưng càng đọc, tôi càng say mê và thấy nó bổ sung cho mình rất nhiều kiến thức” - bạn đọc Đào Thị Thanh Thuận (Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện) tâm tình. Và chị đã mang sự say mê, thú vị ấy đến với cuộc thi. Ông Lê Minh Cường, Trưởng Phòng Tuyên truyền DNTN Sách Thành Nghĩa, đại diện cho các nhà tài trợ, đánh giá cao chương trình “Tủ sách công nhân” và điểm nhấn của nó là cuộc thi “Nghĩ từ trang sách”. Ông nói: “Cuộc thi đã gắn kết các nhà xuất bản với bạn đọc. Ngược lại, chúng tôi cũng nhận được nhiều phản hồi từ phía bạn đọc. Từ những ý kiến này, chúng tôi có thể điều chỉnh, hoàn thiện sản phẩm của mình hơn. Mong Báo Người Lao Động tiếp tục tổ chức cuộc thi như thế này”.
PGS-TS HUỳNH NHƯ PHƯƠNG, THÀNH VIÊN BAN GIÁM KHẢO: Đánh thức vẻ đẹp còn ngủ yên trong lòng trang sách Không phải là những nhà bình luận văn học chuyên nghiệp, các tác giả tham dự cuộc thi “Nghĩ từ trang sách” hẳn chỉ có thể cầm bút vì những cảm xúc tự nhiên về những gì gần gũi, đồng điệu với tâm hồn mình. Một người phụ nữ luống tuổi luôn canh cánh nỗi lòng quê kiểng, nhờ đọc sách mà tìm gặp lại chút hương xưa qua những món ăn dường như chỉ còn vang bóng, rồi từ đó nghĩ về bữa “đại tiệc” đoàn viên của dân tộc. Một người trẻ tuổi đang hòa nhập vào cuộc sống hiện đại, qua trang sách, bỗng “nhận ra mình được ở trong một thế giới phẳng và chính mình cũng đang góp phần làm phẳng thế giới”!

Như vậy sách là người bạn tâm giao gọi dậy những giấc mơ trong tâm hồn người đọc hay chính người đọc là kẻ góp phần đánh thức vẻ đẹp còn ngủ yên trong lòng trang sách. Điều đó chứng tỏ tâm hồn con người bao giờ cũng biết cách tìm đường đến với những tâm hồn bè bạn và những cuốn sách đích thực bao giờ cũng góp phần làm giàu có đời sống tinh thần của xã hội. Dù cho văn hóa nghe nhìn có phát triển đến mức nào đi nữa, thì những cuốn sách như vậy chắc chắn vẫn hiện diện và đồng hành với bạn đọc hôm nay.

Phương Trang - Hồng Đào
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]