Đã tìm được những tác phẩm đúng phong cách

Không chỉ được đánh giá là thành công khi tìm được tới 5 tác phẩm có chất lượng cho tất cả các hạng mục trao giải,

15.6093

(SKDS) - Không chỉ được đánh giá là thành công khi tìm được tới 5 tác phẩm có chất lượng cho tất cả các hạng mục trao giải, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm nay còn là “vụ mùa bội thu” khi những tác phẩm được chọn đều phù hợp với “tiêu chí ngầm”, theo “đúng phong cách” của Hội lâu nay, đó là những tác phẩm gây tranh cãi hoặc có vấn đề gai góc!

Sau khi xem xét kỹ 8 tác phẩm vào chung khảo, hội đồng xét giải đã chọn được 4 tác phẩm xứng đáng, tiêu biểu cho 4 hạng mục để trao giải thưởng. Đó là tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột (NXB Trẻ) của Hồ Anh Thái cho hạng mục văn xuôi; Tập thơ Buổi câu hờ hững (NXB Văn học) của Nguyễn Bình Phương cho hạng mục thơ; Tập tư liệu văn học Dĩ vãng phía trước (Phương Nam và NXB Hội Nhà văn) của Ngô Thảo cho hạng mục phê bình; Ở hạng mục dịch thuật, giải thưởng được trao cho bản dịch Lolita (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) - Dương Tường dịch từ tác phẩm của Nabokov.
 
Ngoài 4 hạng mục chính thức, giải thưởng Thành tựu - một giải thưởng phụ, không nằm trong hạng mục giải thường xuyên của Hội nhằm tôn vinh lao động sáng tạo trọn đời - năm nay cũng tìm được chủ nhân là tập thơ Xem đêm (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) của cố nhà thơ Phùng Cung (1928-1997).
 
Trong số các tác phẩm được giải, gây tranh cãi nhất phải kể đến bản dịch tiểu thuyết Lolita 2012. Một bộ phận dư luận nóng vội đã quy kết đây là “thảm họa”, là “nỗi buồn” của dịch thuật, là “dịch loạn”… Mặc dù vậy, ở góc độ của những người xét giải thì đó lại là một cách dịch linh hoạt, sáng tạo, không phải là dịch chính xác từng từ mà còn có sự Việt hóa ngôn ngữ để giúp cho bản dịch không gây ra những phản cảm, những cách hiểu lệch lạc.
 
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định: Không bao giờ có bản dịch toàn bích. Sai khác ngôn ngữ là một hàng rào không bao giờ vượt qua được. Nhưng ở đây, cần phải ghi nhận sự sáng tạo, công phu và tâm huyết của dịch giả trong suốt 2 năm làm việc miệt mài. Bản dịch đã không làm sai lạc nội dung và đặc biệt là đã chuyển tải được tinh thần của tác giả, mang đến cho độc giả một kiệt tác của văn chương thế giới ở mức cao nhất có thể.

Nếu xét theo “tiêu chí ngầm” là “gây tranh cãi” thì SBC là săn bắt chuột cũng từng gây một sóng gió nho nhỏ. Ngay khi tác phẩm vừa xuất bản, bên cạnh nhiều lời khen đã có một số nhà phê bình lên tiếng chê. Theo  dịch giả Cao Việt Dũng, cuốn sách không có gì đột phá, chỉ là “tập hợp tiểu phẩm mắc chứng đùa dai và cũng không mấy hài hước với cách xây dựng nhân vật dựa trên nguyên mẫu ngoài đời hơi quá đà. Tuy nhiên, bỏ qua những tiểu tiết nhỏ nhặt thì Hội Nhà văn Hà Nội vẫn đánh giá cao tác phẩm này ở sự nỗ lực tìm tòi, đổi mới trong cách viết, bút pháp của nhà văn; đặc biệt là khả năng cập nhật và phản ánh hiện thực đời sống - một tiêu chí mà Hội luôn rất coi trọng.

Một cái tên cũng “gây tranh cãi” khác trong danh sách đoạt giải là Nguyễn Bình Phương - nhà thơ vẫn được coi là “nằm ngoài luồng chính thống”, một người thơ “tinh quái” với những phá cách, vượt rào không dễ chấp nhận. Theo nhận định của hội đồng: “Buổi câu hờ hững là tập thơ nhiều lắng đọng và suy nghiệm, được diễn tả bằng một ngôn ngữ và giọng thơ điềm nhiên, tự tại. Nguyễn Bình Phương đã quyết liệt đổi mới, mạnh dạn cách tân nhưng ở tập thơ này, tác giả cách tân một cách không ồn ào ở hình thức mà đi sâu vào cảm xúc và cảm nhận, đem lại cho thơ một vẻ đẹp trầm tư”.

 Một số tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012.

Ngay cả ở giải thưởng Thành tựu, chủ nhân cũng là một tên tuổi từng “có vấn đề”. Phùng Cung là nhà thơ của phong trào Nhân văn giai phẩm. Ông từng chịu mười mấy năm tù giam vì truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh đăng trên báo Nhân văn năm 1956. Hồi tháng 6/2012, tập thơ Xem đêm của Phùng Cung được tổ chức tái bản bổ sung từ bản in đầu tiên năm 1995. Theo hội đồng xét giải thì tập thơ đã hội tụ những bài thơ rất đặc sắc về mặt ngôn ngữ tiếng Việt, ngôn từ thi ca, gợi dậy được cảnh sắc, không khí làng quê xưa ở Việt Nam và mang nặng tâm tình, tâm sự của tác giả trước cái sống của mình.

Nhìn vào những cái tên tác giả và những tác phẩm được giải của mùa giải năm nay, có thể thấy bản lĩnh và chính kiến của hội đồng trao giải khi tôn vinh những tác phẩm, tác giả đầy tranh cãi và nhiều “vấn đề”. Nhờ sự bản lĩnh và chính kiến ấy mà những giá trị lao động đích thực, những thái độ làm nghề tâm huyết đã được nhìn nhận lại, được đánh giá đúng mực, qua đó góp phần khuyến khích những sáng tạo, những cống hiến của người làm văn chương.  

Tâm Duyên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]