Phải tập nghe và để trẻ cảm nhận được âm thanh có xung quanh trẻ, sau đó mới tập nói.

Nội dung trẻ nghe từ những tiếng đầu đời là: ma ma, măm măm, ba ba, rồi đến bà bà, đến tên bé như suri, moon…

Tập trẻ nghe và hiểu nội dung bằng các động tác minh hoạ như chào bà, chào ba, chào cô…

(Làm động tác khoanh tay cúi đầu và người lớn nói kèm theo) Tạm biệt “bái bai”, ạ… Vài lần trẻ hiểu được nội dung và làm theo.

Từ chỗ nghe và hiểu nội dung bắt đầu dạy nói.

Dạy vào thời điểm nào? Lúc trẻ mấy tháng. Đối với việc dạy nói không giống nhau ở các trẻ mà phụ thuộc vào việc nghe hiểu của trẻ.

Ai dạy trẻ nói? “Mẹ và cô giáo”. Trẻ phải đến trường từ rất sớm để được tập nói sớm.

Dạy nói lúc nào? Mọi lúc mọi nơi, mọi tình huống… Lúc trẻ ăn thì dạy nói “măm măm, cháo, nước, uống nước…” Lúc trẻ tắm thì dạy nói “tắm, tắm nè, tắm mát, nước…” Lúc mặc quần áo thì dạy nói “áo áo quần quần”. Dẫn trẻ đi dạo thì dạy nói lá cây, bông hoa, cỏ xanh… gà, mèo, chó… Lúc đầu trẻ nghe âm thanh, nhận biết thế giới xung quanh.

Sau thời gian đó sẽ cung cấp các từ, các tiếng để trẻ nhớ sau đó đến giai đoạn hỏi trẻ: áo đâu, nước đâu, lá đâu… Khi trẻ đã nhận biết được sẽ chuyển đến giai đoạn dạy trẻ nói: chỉ vào áo nói chậm: đây là áo, áo, áo, áo… Chỉ vào thế giới xung quanh và gọi tên, lúc này người dạy phải nói chậm, nói chính xác, nói chuẩn, nói lặp đi lặp lại nhiều lần ví dụ như chỉ vào quả bóng và nói: quả bóng, bóng… bóng… bóng.

Và để trẻ nói theo khi trẻ nói được bóng, bóng thì nên đưa quả bóng cho trẻ chơi tạo hứng thú động viên trẻ nói tiếp theo. Vài tuần sau khi trẻ nói được bóng... bóng… Lúc đó dạy nói tiếp từ quả bóng, đá bóng, lăn bóng (Nhớ là luôn kèm động tác minh hoạ để trẻ vừa nghe vừa hiểu trẻ sẽ nhớ và nói lại dễ dàng hơn).

Những điều nên và không nên:

– Phát âm chuẩn, nhẹ nhàng, tối kỵ nói nhanh, không được căng thẳng, không tạo áp lực cho trẻ.

– Dạy nói có tình huống, ngữ cảnh.

– Muốn dạy nói trước đó phải dạy nghe làm cho trẻ hiểu, nhận biết được thế giới xung quanh.

– Trong thời gian này, thời gian trẻ tập nói tuyệt đối không được nghe nhìn các kênh truyền hình nhất là kênh quảng cáo, kênh giải trí tiếng nước ngoài… Vì trẻ nghe mà không hiểu thì trẻ dễ rơi vào im lặng hoặc nói nhảm vì không biết nói cái gì… Nếu trẻ thường xuyên nghe mà không hiểu nhiều ngày nghe như một phản xạ có điều kiện sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển ngôn ngữ.

– Lúc này là lúc gia đình và người lớn xung quanh trẻ không không được nói từ ngữ “không hay” vì trẻ dễ nói theo.

Phương pháp dạy nói đối với từng trẻ không giống nhau nên người dạy cần hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, hoàn cảnh sống của trẻ… để chọn phương pháp tốt nhất, hiệu quả nhất.

Lê Thị Kim Vân, hiệu trưởng trường mầm non Mèo Con, quận 7, TP.HCM
Theo TGTT