Di sản quý chưa được bảo tồn đúng cách

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên vốn có truyền thống văn hóa lâu đời, với một kho tàng di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể nổi tiếng. Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian này...

0

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên vốn có truyền thống văn hóa lâu đời, với một kho tàng di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể nổi tiếng. Tuy nhiên, trong công tác bảo tồnphát huy những giá trị văn hóa dân gian này, Phú Yên đang gặp nhiều khó khăn. Báo SK&ĐS đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên về vấn đề này.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang.
PV:
Thưa nhạc sĩ, nhạc sĩ sẽ nhắc đến điều gì khi nói về di sản văn hóa của Phú Yên?

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang (NS. NNQ): Phú Yên có một kho tàng âm nhạc, thơ ca, truyện cổ tích dân gian và những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã, Đăm Dơ Roan, Y Brao nổi tiếng, những bộ nhạc cụ dân tộc thô sơ chưa được cải tiến. Thêm nữa, Phú Yên còn có một kho tàng sử thi truyền miệng vô cùng độc đáo, hiện đang lưu truyền khắp các vùng đồng bào dân tộc Êđê, Bana, Chăm H’roi ở Phú Yên. Theo số liệu mới nhất hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có khoảng trên 90 sử thi của các dân tộc. Nhiều sử thi trong số này lại có nhiều dị bản khác nhau, có những sử thi có tới 5 - 7 dị bản. Dân tộc có nhiều sử thi nhất là dân tộc Êđê. Hiện chúng tôi đã sưu tầm được 63 bản sử thi của người Êđê. Tuy nhiên, nhắc đến sử thi hay kho tàng văn học nghệ thuật dân gian nói chung là nhắc đến mối lo rất lớn của những người làm công tác bảo tồn ở Phú Yên. Đó là nguy cơ mai một, thậm chí là mất vĩnh viễn nếu chậm điều tra sưu tầm. Hiện ở Phú Yên, 2/3 các nghệ nhân đã trên 70 tuổi, trong đó có nhiều người đã trên 80 tuổi. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể ra đi bất cứ lúc nào và mang theo cả kho tri thức được các thế hệ trước truyền lại, cùng với kinh nghiệm và sáng tạo mà cả đời họ tích lũy.

PV: Việc gìn giữ, phát huy bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Phú Yên đang tiến hành ra sao, thưa ông?

NS.NNQ: Thực tế là việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Phú Yên đã và đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhất là trong một thời gian dài đã có những biện pháp, dự án, chương trình... được đưa ra triển khai không hiệu quả, thậm chí hiệu quả ngược lại, vừa phí phạm công sức tiền của, vừa làm hỏng, làm sai các giá trị văn hóa truyền thống. Điển hình là việc bê tông hóa nhà rông. Hàng trăm cái nhà rông bê tông đã được xây dựng ở khắp nơi, với một thiết kế y như nhau, nhưng xây lên rất ít buôn làng sử dụng nó mà nhiều nơi bị bỏ hoang. Có nơi dùng làm nhà kho, nơi dùng làm kho thuốc trừ sâu... Nguyên nhân vì sao? Vì người Êđê nói: Chúng tôi không có nhà rông, chúng tôi chỉ có nhà dài. Người Bana lại bảo: Nhà rông của chúng tôi mái cao, mái này thấp, thần linh không vào được, còn người Chăm H’roi thì lại nói: Chúng tôi không có nhà rông, chỉ có nhà sinh hoạt cộng đồng. Cho nên mới nói không phải cứ có kinh phí của Nhà nước là cái gì cũng làm được.
Nhà rông ở Phú Yên bị bê tông và tôn hóa.
 
PV:
Giới khoa học nước ta đang có nhiều đánh giá khác nhau về công tác bảo tồn giá trị văn hóa. Có người nói cái cách mà chúng ta đang cố giữ gìn các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể chưa đúng, mới chỉ giữ được phần “xác” mà không giữ được phần hồn, ý kiến của ông thế nào?

NS.NNQ: Đúng vậy, trong những năm qua công tác bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chương trình quốc gia về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể với nhiều đề tài dự án quy mô, nghiêm túc đã được triển khai thực hiện. Nhiều công trình đã được sưu tầm, nghiên cứu và đưa vào ngân hàng dữ liệu của Viện Âm nhạc, Viện Nghiên cứu văn hóa, Cục Di sản thuộc Bộ Văn hóa. Đó là những tư liệu vô cùng quý giá mà cha ông ta đã sáng tạo và gìn giữ hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên, như thế chúng ta mới chỉ dừng ở mức độ sưu tầm và bảo tồn còn việc phát huy các giá trị di sản này trong cộng đồng dân cư thì còn nhiều hạn chế. Tôi nghĩ việc bảo tồn các di sản tại các ngân hàng dữ liệu là hết sức cần thiết, nhưng cách bảo tồn và phát huy tốt nhất là bảo tồn trong nhân dân, là đưa các giá trị di sản vào trong đời sống tinh thần của nhân dân, chính nhân dân là những người sáng tạo và gìn giữ.

Tôi lấy ví dụ, cách đây ít năm, nạn “chảy máu” cồng chiêng diễn ra ở nhiều nơi, lúc đó chính quyền và cán bộ văn hóa tìm mọi cách tuyên truyền vận động, ngăn cản nhưng hiệu quả chả thấm tháp gì. Khi chúng tôi tiếp xúc, trao đổi cặn kẽ đồng bào mới nói: Mấy năm làng không tổ chức lễ hội, đám cưới lại tổ chức như người Kinh, nên cồng chiêng không “lên tiếng” được. Mà cồng chiêng không “lên tiếng” được là cồng chiêng câm, trong nhà có cồng chiêng câm là điều gở, nên phải bán đi thôi. Chính vì vậy, cần phải nhấn mạnh rằng rất cần thiết đưa văn hóa truyền thống vào đời sống, nhưng việc đưa như thế nào thì phải hết sức cẩn trọng, phải có môi trường thì cồng chiêng, sử thi... mới “lên tiếng” được.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Vân Anh (thực hiện)

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]