Đi tìm phong cách trà Việt

Trong Festival Văn hóa trà toàn quốc tổ chức tại Đà Lạt mới đây, cúp văn hóa trà đã được trao cho bà Bùi Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Thanh Sơn, chủ nhân của Trà đạo Việt ở TPHCM

0
Phong cách thưởng trà đượm hồn dân tộc trầm mặc, ý nhị, phóng khoáng và độc đáo đã tạo nên điểm nhấn cho trà Việt. Quanh chén trà là mọi cung bậc của cuộc sống, là lễ nghĩa với đời... Cõi riêng của trà Cho đến bây giờ, với bà Ngọc Mỹ, ký ức tuổi thơ về không khí đầm ấm mà mỗi sáng mai thức dậy ông bà, con cháu cùng xúm xít bên bàn trà nói chuyện mưu sinh, giãi bày đạo nghĩa... vẫn như tươi mới. Thế nên, từ “chiếc nôi” trà trong gia đình, cho dù bận rộn công việc bà vẫn luôn dành cho mình một cõi riêng với trà. Dần dà bạn bè, đối tác làm ăn cũng lây lan niềm vui uống trà. Mọi việc trở nên cởi mở hơn, thân thiện và tin cậy hơn qua bàn trà. Từ bàn trà bè bạn, bà Mỹ tạo nên bàn trà doanh nhân và trà thất cho khách bốn phương. Trà thất tại khu “Tây ba lô” quận 1 trở thành địa chỉ không thể thiếu cho khách gần xa đến thưởng trà. Theo bà Mỹ, sức quyến rũ của trà là ở chỗ trà trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa phương Đông. Trà hiện diện trong ẩm thực, trong giao tế, trong lễ lộc, trong y học, trong văn hóa nghệ thuật. Mỗi nước trên thế giới hình thành nhiều cách uống trà riêng biệt. Lối uống trà Trung Quốc mang phong cách cầu kỳ đến từng chi tiết. Trà đạo Nhật Bản uống với trạng thái tĩnh lặng, thuần khiết để tiếp nhận trọn vẹn sinh khí trời đất và sự thăng hoa từ trong sâu lắng của tâm hồn, hòa nhập tâm và cảnh. Mang bản chất bình dị, cách uống trà phong cách Việt tuy phóng khoáng nhưng vẫn không kém công phu. Chưa kể cách chọn, chế biến trà, nước pha, chỉ tính từ nơi uống (trà thất) đến người uống (trà nhân), người pha (trà giã) và dụng cụ pha (trà cụ) cũng đủ thấy muôn bề kỹ lưỡng. Với các tay cao thủ, trà ngon là không được ướp hương. Còn để đạt được trọn vẹn hương vị của trà thì nước là yếu tố quan trọng nhất. Nước suối tinh khiết, nước giếng trên ngàn xanh, nước hứng những giọt sương trên lá sen vốn được người xưa ưu ái pha trà. Thế nhưng điều quan trọng không kém còn là không khí cuộc trà. Nơi đó, người pha trà khoan thai, phóng tâm lành trên từng động tác rửa, pha, lược, rót trà cung kính dâng mời. Người uống là tri âm, đồng điệu cùng tìm sự an lạc như cách “hồi sức”cho tâm hồn. Ươm mầm cho trà Việt Bà Mỹ đã kỳ công với chuỗi các sản phẩm trà mang thương hiệu Thanh Sơn. Đó là loại trà ô long được trồng, chăm sóc, sao tẩm riêng để dùng cho khách; là nước suối lấy từ vùng cao nguyên Langbiang ngọt ngào để pha trà. Là bàn trà được thiết kế với kích thước phù hợp, đến chén tống (đồ đựng nước trà sau khi đã lược), chén quân (tách uống trà), bình quần ẩm (cho nhiều người uống), độc ẩm (một người uống), muỗng phân trà, kẹp gắp chén trà, cây thông trà... Bà Mỹ cho biết: Với dụng cụ và phong cách trà đạo Việt, ngồi vào bàn trà là như ngồi dưới bao la trời đất với kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Không gian trà thất cũng mênh mang với bụi trúc, bờ rào, có chút vấn vương từ mái tranh xao xác và thi thoảng là tiếng chuông chậm rãi, thánh thót ngân nga. Có mặt ở các lễ hội, các nghi thức ngoại giao ở trong và ngoài nước, trà đạo Việt luôn tìm được khách tri âm, tri kỷ.
Bà Bùi Thị Ngọc Mỹ (trái) pha trà mời khách bên lề một hội nghị quốc tế
Xuất phát từ văn hóa Việt, trong nghi lễ tuần trà như sự cung kính và ngưỡng vọng. Dưới mái ấm gia đình, chén trà là câu hát để thuận vợ thuận chồng, nền nếp gia phong trọn bề hiếu kính. Nên khi cuộc sống tiếp tục hối hả với vòng quay của đô thị hóa, với những khối bê tông sừng sững chọc trời, với dòng người ngập tràn phố xá, nhiều người lại tìm đến trà thất. Nhiều gia đình đã đặt thiết kế và trang trí phòng trà. Có cả người đi xa xứ cũng cố công sắm bộ đồ trà để tìm hơi ấm Việt. Khách từ các nước cũng mê trà, mê không khí thưởng trà, mê những bình, những ấm từ sành sứ, từ đất nung điệu nghệ và thấm đẫm hồn Việt. Ngoài việc điều hành công việc kinh doanh ở trà thất trên đường Bùi Viện và Trần Quý Khoách, quận 1, bà Mỹ luôn chú trọng đến việc ươm mầm cho thế hệ trẻ. Không chỉ là giới thiệu văn hóa trà, bà còn dạy cách pha trà. Những trà nhân, trà giã từ 6 đến 12 tuổi tại các vùng trà trên cả nước đã thuần thục trong vũ điệu uyển chuyển rót chén trà mời.

Bà Mỹ tâm sự: “Nhiều thập niên gắn bó với trà, tôi như người gieo hạt và hôm nay đang gặt hái một mùa vụ bội thu. Tôi cảm nhận: Tay nâng chén trà, tận hưởng hương thơm, vị đậm từ trà, dường như mọi khoảng cách đều lùi xa. Khách trà dẫu là chính khách hay doanh nhân, là người trên đỉnh thành công hay đang đối mặt cùng thử thách, tất cả đều có những khoảng dừng thi vị. Và chính điều này đã làm nên sức sống, văn hóa trà Việt Nam”.

KHÁI SINH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]