Chúng tôi về Tiền Giang tới nhà ông Hai vào một chiều nắng đã tắt. Đi từ ngoài ngõ đã nghe văng vẳng tiếng đàn, tiếng ca tài tử ngọt bùi. Nghe tiếng đàn thánh thót, điệu nghệ không ai lại nghĩ đó là do người đàn ông ngoại lục tuần chỉ còn một tay này khảy phím.
Có chí thì nên…
Sau một ngày làm đồng vất vả, những người hàng xóm cũng là học trò của ông Hai lại quy tụ tới nhà ông. Họ kê cái bàn tròn ra giữa nhà, bày bánh trái, nhâm nhi ly trà nóng và cùng thưởng thức những tiếng đàn, tiếng ca để xua đi cái vất vả của ban ngày.
Ông Hai đang thả hồn vào những phím đàn của bản Phi Vân Điệp khúc mà không biết chúng tôi đến. Cánh tay phải còn lại 10 cm cặp chặt lấy thân đàn, cánh tay trái còn lại vừa đàn vừa bấm phím chỉ trên một bàn tay. Mọi động tác đều được ông thể hiện rất nhuần nhuyễn và điêu luyện. Kết thúc bản đàn, ông Phan Văn Thành (hàng xóm cũng là học trò của ông Hai) vỗ tay và thốt lên: “Nghe đã quá!” sau đó lôi cây đàn bên cạnh tới và cùng hợp xướng với ông Hai một đoạn tài tử.
Ông Hai cụt – tên mọi người vẫn gọi ông một cách thân thương có tên thật là Thái Văn Hai, ngụ tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông bị mất cánh tay phải khi mới 12 tuổi do một tai nạn. Bác sĩ phải cắt bỏ cả cánh tay phải chỉ giữ lại 10cm mới cứu được mạng sống của ông. 
Mặc dù đã mất đi một tay nhưng niềm đam mê với cây đàn với những đoạn khúc tài tử trong ông không hề mất đi. Chính niềm đam mê ấy đã thôi thúc ông đến với cây đàn với cánh tay còn lại. 
Ông Hai chia sẻ: “Mê cái đàn này đến nỗi nửa đêm đang ngủ trong mùng nghe người ta đàn cai văng vẳng cũng tốc mùng dậy tới chỗ người ta đàn ca. Rồi tới khi người ta đàn ca xong người ta nghỉ uống nước, tôi chạy tới chụp cây đờn tôi khẩy, tôi vàu vậy đó. Nghe người ta đàn rồi bắt chước đàn theo.”
 Ông Hai đang tập đàn và gõ song loan khi rãnh rỗi
Việc học đàn của ông Hai cũng trải qua không ít gian truân. Thầy dạy đàn hai tay thì nhiều nhưng dạy cho người một tay thì làm gì có. Thế nên, ông Hai phải nài nỉ ông thầy trong xóm khi đó, nhận mình là đệ tử. Thầy chỉ dạy ông cách bấm phím như thế nào với tay trái còn khảy thì do tay phải thực hiện nhưng ông Hai lại không có.
 Ông Hai bùi ngùi nhớ lại: “Thầy dạy thì chỉ dạy cái cơ bản, các nghệ thuật đàn thôi chứ đâu có dạy đàn một tay. Đàn một tay là cái riêng của mình thôi chứ đâu có ai dạy đàn một tay đâu. Người ta hai tay thì một tay khảy một tay bấm, còn tôi một tay thì một ngón khảy, một ngón bấm, lúc đầu thì chỉ một ngón khảy, một ngón bấm, bấm từng chữ, từng chữ. Rồi sau mới luyện khảy được hai ngón, hai ngón bấm. Rồi từ từ nó điêu luyện, nhuần nhuyễn rồi thì trong 4 ngón này, ngón nào cũng sử dụng được hết”
Thế nên, để đàn được, ông Hai đã mày mò, khổ luyện mất hơn 10 năm ông mới chơi trọn vẹn và nhuần nhuyễn được một bài tân cổ. Suốt thời gian đó, ông Hai cùng với đam mê cũng đã bỏ ra không ít sự khổ luyện, kiên trì mới làm được.
Duyên thành Nghiệp
Rồi với ngón đàn của mình, ông lân la đến các đoàn hát để tìm hiểu, học hỏi thêm các nghệ thuật đàn và xin được theo đoàn. Nhưng người chỉ có một tay xin theo đàn cho đoàn hát thì đâu có ai tin. Ông bị xua đuổi hết đoàn này đến đoàn khác.
Thế rồi, năm 1975 đoàn hát Kim Chưởng về xã ông lưu diễn. Ông Hai lại lân la đến xin được đàn cho đoàn, ban đầu cũng bị đuổi nhưng ông bầu biết chuyện mới gọi lại đàn thử. Lúc đó tuy tiếng đàn không quá ngọt bùi nhưng cũng không tệ nên ông được giữ lại đàn cho đoàn.
Ông theo đoàn Kim Chưởng được hơn 2 năm thì ông chuyển sang đàn cho đoàn hát Sông Hậu. 1980, đoàn chuyển đi nơi khác ông cũng xin nghỉ để ở lại quê hương.
Ông Hai đang đờn cùng học trò Phan Văn Thành 
 Sau đó, ông Hai có tham dự một số hội thi đàn ca tài tử do huyện tỉnh tổ chức và đều đạt giải thưởng cao: giải nhất độc tấu đàn ca tài tử do huyện tổ chức, giải nhì độc tấu đàn ca tài tử của tỉnh, giải đặc biệt độc tấu đàn phím lõm của quân khu 9…
Hiện nay, ngoài việc chăm sóc mảnh vườn sầu riêng nhỏ của gia đình, có thời gian rỗi ông lại lại dạy đàn, dạy hát cho những người yêu thích đờn ca tài tử. Và cùng với những người học trò của mình, ông Hai lập thành một đội chuyên tham gia các chương trình văn nghệ của ấp, của xã, huyện tổ chức.
Chị Nguyễn Thị Hiền đã theo ông Hai học hát tân cô được hơn một năm chia sẻ: “Lúc đầu tui cũng không biết chú Hai có dạy hát đâu. Bữa đó chú đi ngang nhà lúc tui đang hát thì chú bảo rảnh thì qua nhà chú, chú dạy hát thêm cho, con hát được nhưng chưa mùi lắm. Chú tận tình lắm, đờn một tay mời đờn nghe ngọt lắm”
Vì cái duyên đờn ca gắn với cái nghiệp nên dù tuổi đã xế chiều nhưng ông Hai vẫn không buông bỏ được. Ông vẫn dạy cho những ai mê đờn, thích ca với tâm niệm “tin với sức sống của đờn ca tài tử, dạy cho nhiều người biết về đờn ca tài tử càng tốt”
Xuân Thanh