Độc đáo lễ hội an táng... kim

Được tổ chức vào ngày 8/2 hàng năm, Hari Kuyo là một lễ hội đặc biệt mà bạn không nên bỏ qua nếu đến Nhật Bản vào thời gian này. Đó là lễ hội dành để “an táng” cho những chiếc kim đã hỏng và cũ. Trong tiếng Nhật, Hari nghĩa là kim, còn Kuyo nghĩa là truy điệu.

15.5883


 

Trẻ em cũng thích lễ hội Hari Kuyo.

 

Kim là một vật bình thường nhưng rất quan trọng với những người phụ nữ Nhật Bản, đặc biệt là những phụ nữ làm nghề thợ may, thợ thêu hoặc thợ làm trang phục truyền thống kimono. Đó là lý do tại sao người ta lại dành cho những chiếc kim một nghi lễ trang trọng đến như vậy.


Cứ đến ngày 8/2, hàng trăm phụ nữ lại xúng xính trong những bộ kimono nhiều màu sắc, đổ về các đền Shinto hoặc chùa để tham gia lễ hội Hari Kuyo. Vào ngày này, mọi công việc may vá đều tạm ngừng.


Có bề dày 400 năm, lễ hội Hari Kuyo ngày nay vẫn vẹn nguyên giá trị dù không còn nhiều người tham gia như trước. Họ mang theo những chiếc kim không còn dùng được nữa, chiếc thì gẫy, chiếc thì cong, chiếc thì gỉ sét... đến đền và chùa. Trong tiếng tụng kinh của các nhà sư, họ đắm mình trong khói hương, cầu nguyện và cẩn thận cắm kim của mình vào một phiến đậu phụ to đặt trong sân đền, chùa.


Ở một số đền chùa, người ta chuẩn bị một bàn thờ có ba tầng để làm lễ “an táng” cho kim. Tầng một để những dụng cụ may vá nhỏ như kéo, chỉ. Tầng ba để đồ cúng như hoa quả và bánh mochi. Tầng chính giữa - nơi trang trọng nhất - được dành để đặt “quan tài” đậu phụ cho kim.


Đây là một cách để những người phụ nữ cảm ơn những chiếc kim đã miệt mài, chăm chỉ giúp họ làm nên những sản phẩm đẹp đẽ. Lễ hội Hari Kuyo là dịp để người Nhật Bản thể hiện sự biết ơn, trân trọng những đồ vật có ích trong cuộc sống. Nó cũng phản ánh một quan niệm của đạo Shinto rằng mọi đồ vật đều có tâm hồn, cảm xúc. Hành động vứt một đồ vật đã từng có ích với mình vào sọt rác một cách đơn giản bị coi là bất kính. Theo quan niệm này, con người nên quan tâm tới những đồ vật trong cuộc sống hàng ngày, không lãng phí hoặc làm mất những thứ dù là nhỏ nhất.


Theo một số tài liệu, cắm kim vào đậu phụ được xem là hình thức “vỗ về” kim sau khi chúng đã miệt mài giúp con người khâu vá. Đó cũng là nơi để bảo vệ mũi kim, để nó không làm tổn hại ai trước khi “yên nghỉ” trong miếng đậu phụ mềm.


Khi may vá, người phụ nữ được cho là thường suy nghĩ về những điều phiền muộn, những bí mật hay đau khổ trong cuộc đời. Tất cả những suy nghĩ này được gửi gắm, dồn nén vào chiếc kim bé nhỏ. Chính vì thế, khi cắm kim vào đậu phụ, họ cũng mong muốn chôn chặt những gánh nặng cả về thể xác và tâm hồn.


Nhà sư Ryojo Shioiri giải thích: “Đôi khi có những bí mật và nhiều điều đau đớn mà phụ nữ không thể nói với đàn ông, họ gửi bí mật này vào những chiếc kim và cầu xin trời phật loại bỏ chúng đi”.


Sau khi kết thúc lễ hội, kim được bọc trong giấy và thả xuống biển hoặc sông.


Nhiều phụ nữ Nhật Bản đến lễ hội không chỉ để tỏ lòng trân trọng những chiếc kim mà còn để cầu xin một kỹ năng làm kimono khéo léo hơn.


Hari Kuyo là lễ hội kết thúc năm mới truyền thống của người Nhật Bản. Tuy mang nhiều ý nghĩa nhưng cũng như các truyền thống cổ xưa khác, nó dần mai một theo thời gian khi ngày nay, không còn nhiều phụ nữ tự làm công việc may vá nữa.


Bà Toshie Tanioka, một thợ làm kimono 58 tuổi, nói: “Tôi đã đến đây 20 năm qua và thấy lễ hội ngày xưa lớn hơn rất nhiều. Giờ có ít người hơn. Người già thì nghỉ hưu còn người trẻ thì không thích lễ hội vì họ không thích làm kimono. Làm kimono là công việc mệt nhọc và họ thích quần áo phương Tây hơn”.

 

Thùy Dương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]