Tin bài Hay
Mẹo vặt

"Đối phó" với "mommy's boy"

01/01/2000 - 00:00

"Đối phó" với "mommy's boy"
"Đối phó" với "mommy's boy"

Một người phụ nữ thông minh sẽ chọn cho mình một người đàn ông để làm chỗ dựa, chứ không bao giờ chọn một người đàn ông để mình làm mẹ, lại càng không bao giờ chọn người đàn ông chỉ biết "mẹ anh bảo...".

Nhận diện “mommy's boy”

Không dễ nhận ra anh chàng “mommy's boy” này ngay từ đầu, vì anh chàng luôn khiến người khác có thiện cảm là con ngoan và hiếu thảo. Chàng rất ổn về mọi việc – ngoại hình, học thức, công việc - trừ việc bộc lộ hơi thái quá tình yêu với mẹ như “Mẹ anh là tuyệt nhất”, “Mẹ anh rất giỏi…”, “Để anh hỏi ý kiến mẹ”... Mọi việc lớn bé anh chàng đều nhất nhất nghe lời của mẹ. Mẹ là người quyết định và chọn lựa cho anh mọi thứ, từ việc anh mặc đồ gì, đi xe gì, đi chơi mấy giờ về, thậm chí cả việc nên yêu ai và được ai yêu. Anh chàng “mommy's boy” thường lớn lên trong tình yêu thương của một gia đình theo chế độ mẫu hệ!

Xác định gắn bó với anh chàng, bạn sẽ được khuyến mãi thêm tính trẻ con, phụ thuộc, hay đòi hỏi của anh ấy. Nhưng đừng hòng qua mặt mẹ anh ấy, ngay cả khi bà đã “chuyển giao” con trai, bạn vẫn thường xuyên stress với hàng tá lời dặn dò dạy dỗ và sự quan tâm thái quá của bà. N. (Hà Nội) chia sẻ về lần lỡ yêu một chàng “mommy's boy” khiến cô “cạch đến già”:

“Đi chơi với chàng, cứ khoảng 30 phút là mẹ chàng sẽ gọi điện hỏi xem đang ở đâu, đang làm gì và bảo anh về nhà sớm. Hôm nào đi chơi xa hoặc bị tắc đường về muộn hơn mọi khi là mẹ chàng lại gọi điện liên tục để giục về. Đến nhà chàng chơi, mình tỏ ý muốn giúp rửa bát đĩa nhưng chàng bảo: “Em không biết úp bát đúng vị trí, về mẹ anh sẽ không hài lòng”. Nếu hai người có đi ăn uống ở đâu thì chàng cũng thường ăn rất cầm chừng, bởi vì mẹ chàng vẫn phần cơm ở nhà, nên chàng muốn để bụng còn ăn cơm mẹ nấu. Đấy là chưa kể nhiều lần mình mua đồ tặng như quần áo, giày dép nhưng không thấy dùng, hỏi ra mới biết mọi đồ dùng cuả chàng đều do mẹ lựa chọn nên bà không đồng ý cho chàng dùng đồ tặng vì không giống với loại mình mua. Được hai tháng, mình bỏ chạy mất dép luôn".

Vì sao chàng trở thành “mommy's boy”?

Trước khi bỏ của chạy lấy người như N., hãy khoan tìm hiểu xem vì sao các chàng bị lên án là “bám váy mẹ” đã. Nhiều chàng đã quen dựa dẫm, ỷ lại, mẹ đã “giũ váy” mà vẫn cương quyết không buông, già rồi vẫn “không chịu lớn”, chỉ thích sống bám vào bố mẹ mà thôi.

Nhưng cũng có những anh chàng suy cho cùng cũng chỉ là “nạn nhân” của một tình thương thái quá. Những anh chàng thường sẽ là con một, ngay từ bé đã được “các cụ” áp dụng “thiết quân luật” để dạy dỗ. Sống trong sự uốn nắn, kìm kẹp ấy khiến “bám váy” trở thành thói quen, ngấm vào máu và họ không thể “vùng dậy” được.

Trường hợp của M. (Thanh Hóa) có khác hơn một chút. Bố anh không may qua đời từ khi anh còn chưa biết nói, mẹ anh là người phụ nữ cứng cỏi, giàu nghị lực, bà quyết tâm không đi bước nữa, mà ở vậy nuôi anh khôn lớn. Thương con thiệt thòi vì mất cha từ sớm nên mẹ anh vừa là người mẹ, vừa là người cha trong gia đình, hết sức bù đắp, yêu thương, chiều chuộng anh.

Từ nhỏ tới lớn anh chỉ biết tới mẹ, bởi vậy mà chẳng có gì khó hiểu khi mẹ là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời anh. Đến khi quen H., anh cũng nghĩ: “Mẹ thì chỉ có một, người yêu thì không cô này thì cô khác” nên không ít lần khiến cô phải tủi thân.

Xem ra, cái ranh giới giữa hiếu thảo và sợ hãi, nhu nhược trong một anh chàng “mommy's boy” cũng rất mong manh.

Lỡ yêu “mommy's boy” rồi thì phải làm sao?

Một người phụ nữ thông minh sẽ chọn cho mình một người đàn ông để làm chỗ dựa, chứ không bao giờ chọn một người đàn ông để mình làm mẹ, lại càng không bao giờ chọn người đàn ông chỉ biết "mẹ anh bảo...". Nói như vậy không có nghĩa một người đàn ông nghe lời mẹ là xấu, nhưng khi chàng thụ động và không có chính kiến của mình thì sẽ khó lòng có thể trở thành một bờ vai vững chắc cho bạn.

Với loại con trai cố ý “bám váy mẹ” thì tôi thành thật khuyên bạn bỏ quách đi, vì loại người này ở nhà thì bám váy mẹ, đến khi lập gia đình thì chuyển sang bám váy vợ, chung quy lại thì cũng ăn bám cả đời mà thôi. Nhưng với những anh chàng bất đắc dĩ trở thành “mommy's boy” thì vẫn còn vớt vát được.

Như M. và H. trong câu chuyện trên, ban đầu, H. thấy rất tức cười và ghét cái tính cách ấy của anh, nhưng khi biết hoàn cảnh gia đình và thấy anh bị bạn bè chế nhạo, chị lại thương cảm và muốn giúp anh thay đổi.

Còn anh, khi được một người con gái ra mặt bênh vực, anh bỗng thấy thấp thoáng hình ảnh của mẹ, người mà anh tôn thờ, yêu thương nhất mực. Bạn bè cho rằng anh là người đàn ông “không thể trông mong gì được” bởi cái tính ủy mị, ẻo lả và yếu đuối, song H. vẫn tin “Âu cũng là cái luật bù trừ của trời đất!”.

Thay vì bắt chàng phải chọn “mẹ hay người yêu”, H. chủ động tìm cách đứng cùng chiến tuyến với mẹ M., tâm sự với bà, lại hay khen ngợi M, mỗi khi anh tự làm chuyện gì đó… Dần dà, M. cũng bớt thụ động hơn và mẹ M. thì yêu quý cô con dâu tương lai hết mực.

Những anh chàng “mommy's boy” này cũng có ưu điểm là sống tình cảm và coi trọng gia đình

Suy cho cùng, đằng sau một “mommy's boy” rốt cục cũng chỉ là tình thương và sự quan tâm dành cho con cái, dù phải thừa nhận là tình thương và sự quan tâm ấy nhiều lúc thái quá. Nhưng những anh chàng “mommy's boy” này cũng có ưu điểm là sống tình cảm và coi trọng gia đình. Vì vậy, trước khi “cạch mặt” một anh chàng như thế, hãy thử tìm hiểu và cảm thông cho cả chàng lẫn mẹ chàng xem, biết đâu cửa sẽ mở khi bạn gõ một cách chân thành?
 
-Theo T.B-
Home

    Trang chủTin mớiThị trườngVideo