Dự thi TTVN: Giải pháp tiếng Việt cho máy Palm-OS

"Trong vài năm tới, máy tính cầm tay Palm sẽ ngày càng nhiều và màn hình cảm ứng sẽ trở thành tiêu chuẩn của tất cả các loại máy tính. Chúng tôi xây dựng bộ gõ tiếng Việt hoàn chỉnh thực sự cho Palm và tin tưởng vào khả năng ứng dụng của giải pháp này”, Nguyễn Khắc Trọng và Vũ Trung Kiên, hai thành viên của Vietpalm Group, cho VnExpress biết.

15.5986

Máy tính cầm tay Palm và mô hình bộ gõ tiếng Việt.

Khi sử dụng Palm-OS, Trọng và Kiên mới hiểu một trong những lý do khiến Palm chưa thực sự được người Việt Nam ưa chuộng là vì chưa được hỗ trợ tiếng Việt một cách toàn diện. Hiện chỉ có Vietkey4Palm là bộ gõ thông dụng nhất dành cho máy tính cầm tay, nhưng hơi khó sử dụng vì phải bỏ dấu trước nguyên âm và chỉ “xài” được cho hệ điều hành Palm-OS 4.1 trở xuống.

Trọng và Kiên nhận thấy vẫn có thể sử dụng phương pháp gõ tiếng Việt truyền thống trên bàn phím ảo nhưng sẽ không thể tận dụng được khả năng đặc biệt của Palm là cảm ứng. “Tại sao ta không tạo ra một bàn phím ảo mà trong đó, thao tác nhấn một phím (gõ phím) và nhấn một phím đồng thời kéo (theo hướng bất kỳ) là khác nhau?”. Hai bạn bắt tay vào tìm thuật toán để hiện thực hóa ý tưởng về một giải pháp tiếng Việt cho Palm-OS.

Và kết quả là trên bàn phím ảo của Vietpalm, ngoài các ký tự thông thường còn có các ký tự tiếng Việt đặc trưng như “â”, “ă”, “ơ”… Các ký tự thì được gõ bình thường như bàn phím truyền thống, bỏ dấu trên bàn phím ảo bằng cách nhấn bút vào ký tự nguyên âm chủ đạo và kéo theo các hướng khác nhau. VietPalm đã tận dụng vùng Grafiti (vùng nhận dạng chữ viết tay) để hiển thị bàn phím ảo, kèm theo phần mềm VieTType là một con tem (stamp) in sơ đồ bố trí các phím dán đè lên vùng Grafiti.

Phương pháp bỏ dấu của VietPalm

Nguyễn Khắc Trọng cho biết so với các phương pháp nhập liệu truyền thống thì phương pháp máy tính cầm tay Palm-OS nhập liệu kiểu mới này có những ưu điểm nổi bật: tiện lợi và tốc độ (chỉ cần một thao tác (nhấn hoặc nhấn-kéo) cho bất kỳ một nguyên âm nào, trong khi phương pháp gõ truyền thống như Telex, để có chữ “ộ” sẽ phải gõ hai lần vào phím “o” và một lần vào phím "j" (3 thao tác). Như vậy, phương pháp mới tiết kiệm được thời gian và thao tác, giảm thiểu nhầm lẫn). Bên cạnh đó, phương pháp gõ mới dễ làm quen và nắm bắt vì tính trực quan và gần gũi với cách viết tay của người Việt.

Theo VietPalm Group, chính bộ gõ theo kiểu OPTI (chứ không phải kiểu QWERTY truyền thống có thêm các ký tự đặc trưng tiếng Việt) mới có thể đẩy nhanh tốc độ nhập liệu lên 35%, thời gian làm quen nhanh hơn và khả năng xuất hiện lỗi thấp hơn. Các phím trên bộ gõ OPTI được bố trí căn cứ vào tần suất xuất hiện của các ký tự nên mỗi ngôn ngữ sẽ có một bàn phím OPTI riêng. “Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ sớm cho ra mắt bàn phím OPTI của Việt Nam”, Kiên khẳng định.

Cách bố trí bàn phím VieTType chạy trên hệ điều hành Palm- OS.

Hai tác giả thành công khi tìm kiếm một giải pháp tiếng Việt toàn diện cho Palm bao gồm Font chữ Việt và phần mềm VietFont cho Palm-OS 5. Phần mềm này sẽ tác động vào hệ điều hành, thay đổi địa chỉ bộ nhớ nhằm kích hoạt font tiếng Việt, giải quyết ổn thoả vấn đề hiển thị tiếng Việt trên hệ điều hành Palm-OS 5.0. Hiện VietPalm cũng hoàn thành phiên bản VietFont for OS 5.2 “Với phầm mềm này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho máy tính cầm tay trở thành một công cụ hữu ích với người Việt Nam chứ không chỉ là một thứ “đồ chơi công nghệ” như lâu nay”- Trọng và Kiên tự tin nói với VnExpress.

Ngọc Hà

 

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]