Diễn viên Đức Khuê (trái). |
- Vậy, anh làm thế nào để khán giả vừa khóc vừa cười?
- Ví dụ, trong tiểu phẩm Phong bì của Nhà hát Tuổi Trẻ, ban đầu khán giả cười, về sau giữa buổi nhiều người bật khóc. Nói chung, bi hài phải "lẫn lộn" nhau.
- Khả năng hài với anh là bẩm sinh hay do tập luyện mà thành?
- Phải cả hai! Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy ngay trong một con người có nhiều sở trường lắm.
- Khi diễn hài, anh chú trọng những điểm gì?
- Dung dị, chân thật - đó cũng là phong cách của Nhà hát Tuổi trẻ mà tôi là "quân"! Nhưng quan trọng là kịch bản. Kịch bản tốt thì diễn viên mới tung tẩy được.
- Trời hình như cứ bắt anh phải đóng những vai hài nhưng khổ, thậm chí khổ một cách đáng yêu như anh chàng Thắng trong phim "Của rơi". Đã bao giờ, anh đóng vai "đểu", mà sướng chưa?
- Rồi, khán giả sắp được xem. Đó là một thằng lưu manh rất khốn nạn trong phim truyện nhựa Hàng xóm của đạo diễn Phạm Lộc. Tôi cũng từng đóng vai ông già khắc khổ trong một số vở diễn. Như bóng đá vậy, một cầu thủ toàn năng có thể đá ở nhiều vị trí!
- Khi ngoài đời gặp chuyện bực mình mà phải diễn hài trên sân khấu thì cảm giác của anh thế nào?
- Lúc đầu có bị ảnh hưởng, về sau quên ngay. Cái gì cũng đau đáu thì vỡ đầu mất! Nó như là nghiệp diễn ấy, giống như Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan.
- Anh bị ảnh hưởng lối diễn hài của ai?
- Rất nhiều, của các đàn anh, đàn chị Nhà hát. Nhưng không ảnh hưởng toàn bộ, tôi tìm ra cách diễn riêng của mình.
- Cái máu hài hước có giúp nhiều cho anh trong cuộc sống?
- Nhìn mọi sự dễ chấp nhận hơn. Nó đem lại một sự cân bằng tâm lý.
- Tham vọng của anh là gì?
- Tôi muốn đi lên từng bước một. Sinh ra ở đời ai chả mong mình cứ trưởng thành dần lên.
(Theo Lao Động)