Sợ “yêu” vì bệnh chàm sinh dục
Khoảng gần năm nay, anh Phương (Hiệp Phước, Quận 1, Tp.HCM) cảm thấy ngứa ở bộ phận sinh dục. Bôi mấy loại thuốc, thậm chí đun nước lá để ngâm… nhưng vẫn không thấy đỡ. Càng ngày, bộ phận sinh dục của anh càng ngứa, đỏ ửng lên, xuất hiện các mụn nước nhỏ như rôm, thỉnh thoảng lại là các sẩn màu đỏ li ti. Càng ngày vết đỏ càng loang rộng ra.
“Nhiều lần định đi khám xem mắc bệnh gì, nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản là vài chứng ngứa, hoặc nấm thông thường, cứ mua thuốc ngứa về bôi là khỏi. Tuy nhiên, cả năm rồi mà bệnh vẫn không đỡ. Chính điều này cũng làm ảnh hưởng đến đời sống chăn gối của vợ chồng tôi. Tôi cảm thấy khó chịu và không được tự tin cho lắm”, anh Phương cho hay.
Đứng ngồi không yên tại một phòng khám da liễu tư nhân trên đường Phùng Hưng (Hà Nội), anh Minh lo lắng: “Mấy tháng trước tôi cũng đi khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh chàm bìu. Tuy nhiên, bôi thuốc được một thời gian bệnh lại tái phát.
Ngại đến cơ sở y tế khám lại, anh Minh mua thuốc DEP về bôi. Nhưng càng ngày càng thấy đau rát, không chịu được. Đến khi đi khám mới biết không nên bôi thuốc DEP khi mắc bệnh”.
Chính vì mắc căn bệnh này, nên anh rất sợ mỗi khi “yêu” bà xã. Lúc nào anh cũng có cảm giác đau rát đến khó chịu. “Nếu không chữa trị được dứt điểm căn bệnh này thì vợ chồng tôi chẳng dám gần gũi nhau”.
Không hiếm nam giới khi mắc bệnh chàm sinh dục thường tỏ ra coi thường bệnh, vì không cảm nhận thấy bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe. Anh Lâm là một ví dụ. Mặc dù đến phòng khám da liễu định kỳ, dùng thuốc đều đặn, nhưng bệnh chàm bìu của anh đã chuyển sang mạn tính, rất khó chữa trị trong một sớm một chiều.
Lúc đầu, anh Lâm mắc ghẻ, nhưng do bôi thuốc được một vài ngày thấy đỡ, anh ngưng dùng hẳn. Thấy bệnh ngứa tái phát trở lại, anh chỉ nghĩ mắc ghẻ thông thường nên không để ý. Vết đỏ ở vùng bìu loang dần ra, lúc này bệnh ghẻ đã chuyển sang chàm.
Do gãi nhiều, vết chàm bị tổn thương, ngày càng lan rộng sang các vùng bẹn, mông, xuống đùi. “Trông vào rất mất thẩm mỹ, toàn bộ từ phần lưng trở xuống đùi cứ đỏ ửng lên, rồi nổi mẩn. Tôi không lường trước được căn bệnh này lại lây lan rộng và nhanh đến thế”. Dù đến bác sĩ thường xuyên, tiêm một đợt thuốc giảm mẫn cảm Histaglobin, dùng các thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamine… nhưng bệnh vẫn chưa thuyên giảm.
Còn chị Linh dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ một thời gian thì bị dị ứng, chị hốt hoảng khi nhận thấy vùng kín của mình xuất hiện những vết đỏ, những hạt mụn nước dần dần bị vỡ ra và đóng vảy. Nghĩ là dị ứng thông thường, chị ngưng dùng dung dịch vệ sinh nhưng vẫn không thấy đỡ. “Là phụ nữ, lại mắc bệnh ở vùng kín nên đi khám tôi rất ngại. Các bác sĩ lại thường là nam giới”.
Băn khoăn về căn bệnh lạ, chị Linh lên diễn đàn hỏi các chị em và được biết mình đã mắc bệnh chàm âm hộ. Việc chữa trị lâu dài khiến chị rất khổ tâm và thường mặc cảm mỗi lần hai vợ chồng quan hệ.
Không nên chủ quan khi bị chàm sinh dục
Coi thường sự nguy hiểm của bệnh, nhầm lẫn bệnh chàm sinh dục với các bệnh ghẻ, nấm… là thói quen của nhiều người tự chẩn đoán, bắt bệnh cho chính mình.
“Nếu biết trước tôi đã đi khám bác sĩ để điều trị dứt điểm, vì cứ nghĩ mình bị ghẻ, cứ thế mà bôi thuốc là đỡ, đâu cần phải đi bác sĩ cho tốn thời gian, tốn tiền. Nhưng vì chủ quan nên bệnh chuyển sang mạn tính, ngày càng nặng. Nếu tổn thương có nhiễm trùng tại chỗ mà không được điều trị triệt để thì có thể bị biến chứng viêm thận”, anh Lâm buồn rầu nói.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, nếu thấy mắc các triệu chứng của bệnh chàm, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời, triệt để, tránh tự ý dùng thuốc.
Khi tổn thương da chảy nước thì nên đắp dung dịch Jarish, khi tổn thương khô hơn thì có thể bôi các loại hồ nước, hồ tetrapred. Khi tổn thương mạn tính không còn chảy nước thì có thể bôi các chế phẩm chứa steroid có hoạt phổ nhẹ và vừa phù hợp với vùng da sinh dục như Eumovate, Synalar, Fucicort, Elomet...
Tuyệt đối không được cạo, chà xát mạnh vào tổn thương. Nên rửa nhẹ nhàng ngày một lần, dùng một đợt kháng sinh và thuốc kháng histamin để giảm ngứa. Nếu bôi Diproson, Dermatop, Gentrison, Gentriderm... kéo dài thì có thể gây teo da vì các thuốc này chứa steroid có hoạt phổ mạnh.
Trong trường hợp bệnh tiến triển mãn tính kéo dài nhiều năm thì có thể tiêm một đợt thuốc giảm mẫn cảm như Histaglobin nhưng phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
(Theo SKGĐ)