Lẵng hoa...
Phóng to |
Từ trái sang: PGS.TS Lê Văn Hoàng, nhà giáo ưu tú - PGS Huỳnh Trọng Khải và GS.TS Đặng Đức Trọng. |
Phóng to |
Học trò chung vui với PGS.TS Lê Văn Hoàng |
Dưới mái Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có hai người vừa là thầy trò vừa là bạn vong niên. Đó là PGS.TS Lê Văn Hoàng - phó trưởng khoa vật lý và TS Nguyễn Ngọc Ty. Họ là hai giảng viên vừa giỏi chuyên môn vừa tâm huyết với bộ môn vật lý. Bằng giọng xúc động, TS Nguyễn Ngọc Ty, nhà khoa học tài năng trở thành tiến sĩ từ khi mới 28 tuổi, kể về kỷ niệm lần đầu được gặp gỡ người thầy của mình: “Khi đó tôi đang tìm người hướng dẫn luận văn thì được giới thiệu đến gặp thầy Hoàng. Nhà thầy ở tận Gò Vấp, tôi thì vẫn đang là cậu sinh viên nghèo lọc cọc chạy xe đạp, tôi phải nhờ một người bạn có xe máy chở lên nhà thầy. Thầy trò cùng tâm sự về chuyện nghề, về đam mê khoa học, chúng tôi nói hăng say từ 3g chiều đến 8g tối quên cả ăn cơm. Câu chuyện chỉ tạm dừng khi vợ thầy nhắc khéo “học trò của anh đói rồi kìa”. Chính những lần gặp gỡ, những câu chuyện thầy kể đã hun đúc trong tôi tình yêu dành cho nghề giáo”.
PGS.TS Lê Văn Hoàng từng có thời gian dài học tập và làm việc tại Liên bang Nga, nhưng thầy vẫn quyết định từ bỏ môi trường làm việc tiên tiến cùng mức lương cao để về Việt Nam. Lý giải cho điều này, PGS.TS Lê Văn Hoàng tâm sự: “Các nhà khoa học Việt Nam rất giỏi, cái mà họ thiếu là ngọn lửa đam mê và sự dẫn dắt. Ở Việt Nam, các nhà khoa học thường gắn liền với sự nghiệp đào tạo. Ở đây tôi có thể vừa nghiên cứu khoa học và đào tạo, vừa dẫn dắt và truyền ngọn lửa đam mê cho các em”. Thật vậy, dưới hàng ghế khán giả là nhiều nhà khoa học, nhiều giảng viên trẻ được thầy đào tạo. Trong số họ, không ít người đang là đồng nghiệp của thầy tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Một người thầy khác cũng được rất nhiều thế hệ học trò yêu mến là GS.TS Đặng Đức Trọng - trưởng khoa, giám đốc Trung tâm toán học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Thầy Trọng chia sẻ thầy luôn thấy mình là người may mắn khi gặp được những người thầy giỏi - những người thầy đã giúp một cậu học sinh bình thường trở thành một phó giáo sư khi mới 39 tuổi.
Trong tâm khảm, thầy Trọng luôn biết ơn và kính trọng những người thầy từng nâng bước, dạy dỗ mình, thầy nói: “Thầy giáo thì nhiều nhưng phụ huynh và học trò vẫn tìm kiếm những người thầy có trách nhiệm và nghiêm túc. Thầy nghiêm khắc và hiểu biết về học trò có thể nâng cao sức tự học của học trò thì không nhiều và rất khó tìm. Nếu gặp thầy giỏi, một học trò có tố chất trung bình cũng có thể trở thành người giỏi. Nếu không gặp thầy giỏi, một học trò có tố chất tốt có thể chỉ là trung bình”.
Gần 30 năm gắn liền với bục giảng, phấn trắng, GS Đặng Đức Trọng đã truyền đam mê toán học cho nhiều thế hệ sinh viên, nhưng bản thân thầy luôn nghĩ đó là công việc không hề đơn giản: “Tôi chỉ có thể truyền đam mê cho những ai đã có sẵn đam mê trong lòng”.
Dạy dỗ, đào tạo học trò là việc đương nhiên một người thầy phải làm, nhưng từ chối dạy, khuyên học trò đừng học nữa là việc mà chỉ những người thầy có nhân cách lớn mới làm được, GS Đặng Đức Trọng là một người thầy như thế. Thầy Trọng kể rằng thầy từng dạy nhiều sinh viên quyết định học toán không phải vì đam mê mà vì chưa thật sự hiểu bản thân muốn gì và có thể làm được những gì. Thậm chí có những sinh viên chọn học toán vì những lý do rất ngô nghê như vì trường… rất đẹp. Với những sinh viên như vậy, thầy Trọng đã phải thẳng thắn mà nhẹ nhàng khuyên các bạn tìm con đường khác phù hợp hơn.
Không khí buổi giao lưu bỗng trở nên vui vẻ, ồn ào hẳn lên sau câu đùa dí dỏm mà chân tình của PGS.TS - nhà giáo ưu tú Huỳnh Trọng Khải - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao: “Dù là chọn hay… lỡ chọn nghề giáo thì người thầy vẫn phải luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo”.
Bên cạnh công tác phát triển giáo dục trí tuệ, việc rèn luyện nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ trẻ Việt Nam là một việc vô cùng cấp bách. Thầy Huỳnh Trọng Khải là người luôn băn khoăn, trăn trở về điều này: “Công tác dạy và học giáo dục thể chất tại các trường, nhất là những trường tại thành phố, còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện chưa có, thời gian học ngắn mà học sinh phải học theo khung chương trình chuẩn rất hàn lâm, khô cứng. Thầy mong sao những giờ học thể dục, học sinh sẽ được chơi những trò chơi vận động vui vẻ thay vì phải quá chú trọng đến kỹ thuật và thành tích”.
Suốt nhiều năm công tác, thầy Khải đã nhận được nhiều bằng khen và danh hiệu cao quý của Nhà nước. Thế nhưng có lẽ danh hiệu cao quý nhất mà thầy đạt được chính là sự thành công của những học trò mình từng dẫn dắt. Trong ánh mắt thầy hôm nay lấp lánh niềm vui khi thấy anh Lê Văn Bé Hai, giám đốc Công ty Sách Việt, một học trò cũ rất đặc biệt vì gần như ngang bằng thầy Khải về tuổi đời. Dù đang bận rộn công việc nhưng anh Bé Hai vẫn dành thời gian đến buổi giao lưu để chia sẻ và tri ân người thầy của mình bằng những bó hoa tươi thắm. Anh dành những lời tốt đẹp nhất để nói về người thầy của mình, nếu không có thầy có lẽ cuộc đời anh đã khác.