Giấc mơ Grand Slam

Cứ năm nào các tay vợt hàng đầu thế giới tề tựu tại TP.HCM để tham dự Giải quần vợt Heineken Stars thì câu hỏi bao giờ Việt Nam có tay vợt được tham dự Grand Slam lại thường trực trong đầu người hâm mộ.

15.1428

Đọc E-paper

Chỉ khác là những năm trước, các tay vợt đến dự giải đều là nam, còn năm nay có hai tay vợt nữ là Victoria Azarenka (đang đứng số 1 trên bảng xếp hạng WTA) và Dominika Cibulkova (13). Vì thế, nỗi băn khoăn của người hâm mộ Việt Nam cũng sẽ thay đổi chút ít: Bao giờ thì Việt Nam có tay vợt nữ được tham dự Grand Slam, có cơ hội giáp mặt với Azarenka và Cibulkova?

Dĩ nhiên, giấc mơ này là vô cùng xa vời, bởi hiện Việt Nam chỉ có một tay vợt nữ có tên trên bảng xếp hạng WTA (Hiệp hội Quần vợt nữ chuyên nghiệp thế giới) là Huỳnh Phương Đài Trang. Và theo bảng xếp hạng mới nhất, Đài Trang đang xếp hạng 1.121 ở nội dung đơn, 421 ở nội dung đôi (bảng xếp hạng công bố ngày 17/9).

Với thứ hạng đó, được tham dự vòng loại Grand Slam cũng đã là một điều xa xỉ đối với Đài Trang, chứ đừng nói đến chuyện được lọt vào vòng thi đấu chính thức.

Tuy nhiên, thứ hạng không phải là trở ngại lớn nhất đối với Đài Trang cũng như hầu hết những tay vợt người Việt khác, mà đó là chuyện kinh phí. Có lần, một tờ báo đã ví von kinh phí để các gia đình cho con em theo nghiệp quần vợt chuyên nghiệp còn đắt hơn cả học phí của Đại học Harvard danh giá.

Nói như thế cũng chẳng có gì là quá đáng. Năm ngoái, theo tính toán của gia đình Trang, chi phí để cô tham dự các giải đấu trong năm 2011 là 130.000USD, trong đó có khoảng 50% là do Đà Nẵng hỗ trợ (62.500USD).

Nhưng đến hết năm vừa rồi, Đà Nẵng cũng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Trang với lý do quần vợt không phải là ưu tiên phát triển của đơn vị này, bất chấp việc Đà Nẵng được tiếng là “Mạnh Thường Quân” hào phóng nhất cả nước.

Nhưng cũng không thể trách Đà Nẵng được, bởi với số tiền chi cho Trang, đơn vị này có thể phát triển cho cả chục vận động viên đỉnh cao của nhiều môn thể thao khác. Chung quy cũng bởi quần vợt chuyên nghiệp quá đắt đỏ.

Vì thế, Trang có thành công hay không thì vẫn phải phụ thuộc vào gia đình, mà gia đình cô đã từng phải bán cả cơ ngơi ở thành phố Vũng Tàu để con gái được toàn tâm toàn ý theo đuổi niềm đam mê.

Thế nên, nếu muốn tiếp tục sự nghiệp, Trang vẫn cần đến sự trợ giúp của các mạnh thường quân, và số tiền hỗ trợ cho cô ít ra cũng phải trên mức 130.000USD như trong năm 2011.

Cuối tháng trước, Trang đã được hãng sản xuất dụng cụ thể thao Dunlop tài trợ 21.500USD, trong đó bao gồm 18.000USD tiền mặt và 3.500USD trị giá sản phẩm trong 3 năm.

Ngoài ra, Trang cũng được TP.HCM hỗ trợ khoảng 1/3 kinh phí cho các lần tham dự giải đấu ở châu Âu, tính ra khoảng 500 triệu đồng. Đấy quả thật là những con số không hề nhỏ trong thời buổi kinh tế khủng hoảng như hiện nay.

Nhưng như trên đã nói, so với kinh phí tiêu tốn cho Trang trong năm 2011 thì con số trên cũng chỉ như muối bỏ bể. Cho nên, giấc mộng Grand Slam của Trang cũng như của những người sau cô, hay nói rộng ra là của cả nền quần vợt Việt Nam vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà tài trợ hảo tâm. Quả là “có thực mới vực được đạo”!

PHƯƠNG CHI
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]