Giấc mơ của ông Calisto

0
(TT&VH) - T&T HN nếu muốn có ông Calisto sẽ phải trả mức lương cao hơn thu nhập hiện tại của ông với VFF, và nhất định cũng sẽ phải cao hơn mức lương mà VFF sẽ đề nghị để gia hạn hợp đồng trong tương lai. Nhưng chẳng lẽ, một người như ông Calisto, tiền lại là điều đáng kể nhất?

Khi rời Gạch đã là mất tiền

Tháng 5/2008, rời TP HCM ra Hà Nội, chia tay với Gạch để làm HLV trưởng đội tuyển, Calisto bảo: “Tôi ra Hà Nội, làm cho HLV đội tuyển, tiếng là lương cao hơn, nhưng thu nhập tôi thấp hơn. Vì ở ĐTLA, tôi còn có tiền thưởng, tính ra sẽ vẫn nhiều hơn”.

Tức là yếu tố quyết định nhất để Calisto cầm lái đội tuyển VN không phải vì tiền. Nhưng rõ ràng, vị trí của HLV số 1 BĐVN đã mang lại cho ông khá nhiều cơ hội để kiếm tiền. Nếu 7 năm trước, ông Calisto chỉ có thể quảng cáo cho vài viên gạch bông của ông chủ Đồng Tâm, thì mới đây ông trở thành hình ảnh đại diện cho một hãng bia của Mỹ. Và dĩ nhiên, tiền thưởng cho chức vô địch AFF Suzuki Cup mà ông đóng góp công lớn cũng là con số đáng kể. Bây giờ thì hơi khó để nói thu nhập ở đội tuyển của ông Calisto ít hơn so với thời ở Gạch.
 
 Bầu Hiển (trái) và HLV Calisto sẽ sớm chung 1 con thuyền?
 
Song, như đã nói, tiền không phải là vấn đề lớn nhất ở đây. Nó khá giống với câu chuyện mà chúng ta có thể bắt gặp đâu đó trên thế giới. Một HLV làm ở CLB nào đó với mức lương khổng lồ vẫn bỏ ngang để làm HLV đội tuyển. Nó là sự đánh đổi giữa tiền bạc với danh vọng, thách thức nghề nghiệp. Đôi khi, ngay những người chưa từng no đủ danh hiệu ở cấp CLB cũng sẵn sàng bỏ ngang. Đầu năm 2005, khi ông Calisto còn chưa cùng Gạch vô địch V-League (cuối mùa mới đăng quang), ông Tô cũng đã ứng thí vào cuộc thi với Alfred Riedl cho chiếc ghế đội tuyển (ông thất bại).

Con cá lớn & Dòng sông lớn

Ông Calisto chưa gia hạn hợp đồng với VFF (sẽ hết hạn vào tháng 4/2010). Về lý thuyết, chưa thể nói ông sẽ ký với bầu Hiền làm giám đốc kỹ thuật T&T HN. Nhưng khả năng ấy không thể loại trừ. Vì trong thương vụ T&T HN “bắt” được Việt Thắng sẽ hết hạn hợp đồng với ĐTLA vào tháng 2/2010, Calisto cũng có sức ảnh hưởng đáng kể. Hãy gạt sang một bên chuyện mượn tên đánh bóng thương hiệu, thì bất cứ ai làm bóng đá khi thấy ĐTLA từ một đội bóng tỉnh lẻ, từ một tập hợp cầu thủ có khá nhiều “công nhân” đá bóng, được ông Calisto dựng lên thành một quyền lực của BĐVN sau vài năm, họ có lẽ cũng đều mong muốn bắt tay với Calisto.

Hãy đặt ra một giả thiết, mà đây là giả thiết có khả năng rất cao, là ông Calisto sẽ không tiếp tục công việc ở đội tuyển nữa sau tháng 4/2010 và trở lại với công việc ở một CLB. Nếu thực như thế, có đáng thất vọng xét trên khía cạnh bóng đá thuần túy?

Tháng 4/2010 là thời điểm SEA Games 25 kết thúc được 5 tháng, là lúc vòng loại Asian Cup 2011 đã khép lại. Nhưng có thể, số phận của bản hợp đồng sẽ được quyết định ngay khi người ta chưa biết 1 hoặc cả 2 nhiệm vụ ấy có được hoàn tất. SEA Games vẫn luôn là giấc mơ lớn của người Việt Nam, nhưng nó không phải là đấu trường danh giá (chỉ là bóng đá trẻ và ở khu vực). Asian Cup là động thực sự, là danh dự và thử thách. Trong trường hợp Việt Nam lọt vào tới VCK, thì thử thách vẫn tiếp diễn, có khi còn lớn hơn: làm nên một điều gì đó ở đấu trường châu lục.

Sau AFF Suzuki Cup, ông Calisto từng nói, đại ý: từ ngôi vị số 1 khu vực sẽ phải đưa BĐVN lên một tầm cao mới. Đó là mục tiêu lớn, không dễ dàng, nhưng thực sự thể hiện tham vọng và cái chí của một ông thày ngoại đến từ nền bóng đá phát triển và chuyên nghiệp Bồ Đào Nha, rằng một con cá lớn phải biết bơi ra sông dài.

Vậy, nếu ông Calisto về với T&T HN thật, sẽ phải hiểu tham vọng trên kia như thế nào? Có phải nó chỉ là một phút ngẫu hứng? Có phải ông thực sự mong muốn thế, nhưng sau khi trải nghiệm chợt thấy nó là một nhiệm vụ bất khả thi kể cả được bật đèn xanh cho ngoại hóa đội tuyển tới 3 vị trí?

Có thể, thời gian còn lại sẽ chứng kiến những thay đổi. Bởi, V-League suy cho cùng chỉ vẫn còn ý nghĩa với những ai đã từng có những chức vô địch đút trong túi quần mà vẫn không thể có cơ hội cầm đội tuyển và thử thách với những mục tiêu tầm cỡ.
Phạm Tấn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]