Rau nhút còn có tên rau rút. Loài rau nầy thuộc thân thảo có hoa màu vàng. Lá rau nhút thuộc loại lá kép hình lông chim, bao giờ cũng mọc nổi trên mặt nước ao, hồ, sông, rạch, ruộng lúa nhờ quanh thân có phao trắng.
Người ta thường thả
trồng rau nhút quanh năm trên các mặt ao hồ. Nhưng ở những nơi ruộng nước hoặc bãi bồi dọc theo hai bên bờ sông người ta phải đợi đến
mùa nước nổi mới bắt đầu thả. Hiện nay, nơi trồng rau nhút nhiều nhất là Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ…
Rau nhút trồng phổ biến tại các vùng lũ lụt ở miền Tây Nam bộ.
Thông thường, rau nhút chỉ trồng sau 1 tháng là bắt đầu thu hoạch. Sau đó cứ 5 – 7 ngày cắt một lần. Bộ phận sử dụng của rau nhút là thân, lá và đọt.
Muốn làm món rau nhút, sau khi chọn được một mớ rau nhút còn xanh tươi, người ta lặt bỏ hết phần cọng và lá già, chỉ giữ lại phần non và đọt. Nếu cọng to ta có thể chẻ đôi hoặc đập dặp cho mềm dễ ăn. Sau đó đem cắt khúc, rửa sạch rồi trụng sơ qua nước sôi cho bớt chát. Xong vớt ra nhúng vào nước lạnh hoặc nước đá để giữ màu xanh và độ giòn.
Tôm, nên chọn tôm sú, đem luộc trong hỗn hợp giấm, đường, muối, xong lột bỏ vỏ. Cho tất cả tôm và rau vào một cái thau nhỏ trộn đều với nước gỏi gồm: nước cốt chanh, đường, tỏi, ớt, nước mắm ngon, nêm nếm cho vừa miệng. Ngoài ra, muốn cho đĩa gỏi thật sự lôi cuốn, người ta còn rải thêm những sợi hành tây, củ cải trắng và củ cải đỏ xắt mỏng để tạo thêm màu sắc cho bắt mắt. Sau đó sắp xếp vào dĩa, điểm xuyết thêm vài cọng cần tàu sao cho vừa đẹp vừa thơm, khiến người nhìn vào, chỉ ngửi thôi cũng đã thấy ngon rồi.
Có thể nói rau nhút bóp gỏi tôm, gỏi thịt bò hay thịt heo đều ngon tuyệt. Ai mới ăn lần đầu cũng đều cảm thấy rau nhút có mùi vị rất riêng, lạ miệng và hấp dẫn. Món gỏi này ngon nhất là chấm với nước mắm chua cay. Ai thích cầu kỳ và sang trọng có thể trộn thêm với thịt ba rọi xắt mỏng và ăn kèm với bánh phồng tôm sẽ hết chỗ chê. Đây vừa là món lai rai vừa là món ăn đổi bữa, giúp cho mâm cơm trở nên thi vị, ngon lành lại còn tốt cho sức khỏe.
Thưởng thức những món món này, chúng ta nên nhâm nhi để cảm nhận cái vị thơm thơm. chát chát của rau nhút và vị mặn, ngọt, chua, cay của tôm càng làm cho khẩu vị chúng ta thăng hoa nhờ mùi vị đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào khác. Có người bảo rằng khách từ phương xa đến miền Tây mà chưa nếm mùi vị của rau ngổ, rau nhút …coi như còn thiếu sót, khi quay về chắc chắn sẽ nuối tiếc…
Rau nhút hiện bán rất sẵn trên thị trường.