Kéo dài tuổi thọ cho “xế” điện

GiadinhNet - Xe đạp điện đang là phương tiện được rất nhiều học sinh sử dụng. Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng, xe đạp điện dễ trở thành “của nợ” khi đi trên đường.

15.6237

Chỉ đảm bảo an toàn ở tốc độ 25km

Theo anh Nguyễn Mạnh, thợ kỹ thuật của xưởng sửa chữa xe đạp điện Lan Anh (Lò Đúc, Hà Nội), xe đạp điện phần lớn di chuyển tốc độ 20 – 40km/h rất được giới trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, khi xe đạt vận tốc tới 40km/h thì độ an toàn của bộ phanh không cao, có thể gây nguy hiểm (bộ phanh xe đạp điện chỉ bảo đảm an toàn ở tốc độ 25 km/h). Xe đạp điện chỉ chở tối đa 60kg, nếu chở thêm xe sẽ bị om điện, dễ cháy, giảm độ bền.

Xe đạp điện mua về nên dùng ngay, nếu để quá 3 ngày sau khi mua nên nhờ nhân viên kỹ thuật hỗ trợ khởi động. Khi mới khởi động không nên vặn hết ga vì dễ hỏng phụ kiện, lãng phí điện. Lúc xe lên dốc hoặc chở nặng nên dùng chân đạp thêm để trợ sức, kéo dài tuổi thọ của ắc quy, mô tơ điện (động cơ), không nên kéo các bao cách điện từ, các linh kiện tiếp xúc với động cơ xe và ắc quy.

Nếu thấy bao cách điện bị rách thì nên kiểm tra xem có hở, chạm điện hay không hoặc bao chỗ rách lại mới tiếp tục chạy xe.

Hàng ngày nên kiểm tra các bộ phận chuyển động của xe (dây phanh, đèn, còi…) đảm bảo an toàn vận hành. Bảo dưỡng xe định kỳ, kiểm tra xăm lốp, vành, bộ phận má phanh, đèn tín hiệu. Nếu có trục trặc nên tới thợ để được tư vấn, hỗ trợ sửa chữa ngay. Bạn nên vệ sinh xe thường xuyên, nhưng đừng rửa xe bằng vòi phun áp lực và khi dừng xe hoặc không đi nên tắt điện, rút khóa điện.

Cũng theo kỹ thuật viên Nguyễn Mạnh, dòng xe đạp điện hiện có 2 loại động cơ: Một loại gắn ở bánh và 1 loại đặt trong hộp giảm tốc (dưới yên xe). Khi mua, bạn nên chọn loại động cơ đặt dưới yên xe vì khi có va chạm, loại này khó vỡ hơn loại lắp ở bánh. Còn đối với loại gắn ở bánh, khi trời mưa, đường ngập, nước vào động cơ sẽ làm bộ điều tốc dưới gầm xe bị hỏng.

Anh Lê Hảo – tư vấn kỹ thuật của cửa hàng xe đạp điện Bảo Hân (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) khuyên: Khi trời mưa, đường ngập nên hạn chế đi xe đạp điện (nhất là xe gầm thấp) bởi dễ gây chập điện, hỏng ắc quy phải sửa chữa thay thế rất tốn kém.

“Bệnh” hay gặp và cách bảo quản

Theo các tư vấn kỹ thuật, sai lầm khi dùng xe đạp điện là không chở đúng trọng tải khuyến cáo, khiến ắc quy bị vênh bản cực, chập điện, xe không chạy… Vì vậy, bạn đừng để xe hết điện mới sạc, bởi sửa chữa, phục hồi bình điện không dễ.

Cách bảo quản tốt nâng tuổi thọ cho bình điện:

- Khi xạc, đặt bình điện lên mặt phẳng, khô thoáng, đặt các bộ phận nạp điện ở nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em. Hoặc để bình điện trong xe và nạp trực tiếp vào bình (không dốc ngược bình khi nạp), khoảng 4 - 8 giờ đèn xanh sáng là điện đã đầy.

-Tuyệt đối tránh nước hoặc để dung dịch lỏng thấm vào bộ phận nạp điện, cũng không bao bọc bộ phận nạp điện bằng bất cứ vật liệu gì.

- Khi sạc nếu thấy bộ phận nạp nóng quá, hay ngửi thấy mùi lạ thì dừng nạp ngay và đưa tới cửa hàng bảo hành kiểm tra. 

-Nếu lâu không đi xe, cứ 10 ngày/lần sạc điện để giữ tuổi thọ cho ắc quy. 

-Không nên cắm phích sạc liên tục, mà rút phích sạc khi đèn báo chuyển màu xanh. Luôn sạc pin ngay sau mỗi lần sử dụng.

-Hạn chế lấy pin ra khi đang sạc vì dễ làm pin bị chai. Tốt nhất sạc pin hay ắc quy sau khi đã sử dụng quá nửa điện năng. Tuyệt đối không sạc bằng nguồn điện từ máy phát.         
 
Trà Giang
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]