Không nên tiếp tục "3 chung"

Ngay sau khi công bố điểm sàn, Bộ GD-ĐT đã gặp phải phản ứng từ các trường ĐH tốp dưới và ĐH vùng. Một lần nữa, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ không thể cứ loay hoay mãi với “3 chung” mà cần phải đổi mới một cách triệt để hơn. Dưới đây là ý kiến của đại diện các trường...

15.6089

GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng ĐH An Giang: Chỉ nên “2 chung”

Không nên tiếp tục 3 chung, mà chỉ nên 2 chung - chung đề thi và chung ngày. Chung thứ 3 nên để riêng từng trường có quyền tuyển đúng người mà mình cần (có tâm tư nguyện vọng yêu nghề đã chọn, và có hướng tốt áp dụng kỹ năng kiến thức sẽ học tại trường).

Như thế chúng ta chỉ cần một lần thi (gom chung tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH) mà thí sinh có thể sử dụng phiếu chứng nhận điểm thi để nộp đơn vào các trường ĐH, hoặc CĐ, THCN hợp với năng khiếu và nguyện vọng nghề nghiệp của mình.

Nếu thực hiện phương pháp 2 chung, chúng ta không còn vấn đề các trường CĐ, THCN... có sử dụng kết quả thi nơi khác hay không.

Không nên quy định điểm sàn. Để cho từng trường ĐH, CĐ chủ động tuyển đúng người mình cần.

Chủ trương nhập chung thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH là một chủ trương rất đáng được ủng hộ, vì nó sẽ tiết kiệm ngân sách Nhà nước và của nhân dân, giảm sự căng thẳng của xã hội. Nhưng muốn thực hiện chủ trương này cần phải thay đổi cách cho đề thi cũng như cách tuyển sinh ĐH.

TS Lê Vinh Danh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng: Điểm sàn nên mềm dẻo

Trước hết nói về đề thi, năm nay những người ra đề đã ít nhiều có ý định làm đề thi dễ đi nhằm có nhiều thí sinh đạt điểm cao. Đề thi vừa qua không tuyển được người tài giỏi, chỉ thỏa mãn việc trả bài, tìm học sinh có kiến thức cơ bản mà không chỉ ra được những học sinh tiềm năng, có năng lực tư duy. Điều này thể hiện qua tỉ lệ câu khó so với câu vừa và dễ. Tỉ lệ câu khó chỉ chiếm khoảng 10% trong đề thi. Đề thi như vậy theo tôi chưa đạt để tuyển những thí sinh có tiềm năng tư duy tốt vào ĐH.

Điểm sàn có một số hạn chế là: Hầu hết người đạt điểm cao đều tập trung ở các TP lớn. Học sinh nông thôn cũng có điểm cao nhưng so tỉ lệ phần trăm không bằng tại Hà Nội và TP.HCM. Khi quyết định điểm sàn chung dẫn đến tình trạng TP.HCM, Hà Nội tuyển được học sinh điểm cao (như ĐH Bách khoa Hà Nội, TPHCM, ĐH Ngoại thương...).

ĐH khu vực với điểm sàn đó sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu. Do vậy sẽ dẫn đến hệ quả nguồn nhân lực đầu vào ở các trường địa phương sẽ thiếu trầm trọng và những năm sắp tới đầu ra sẽ không đủ cung ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển của địa phương. Tình trạng chúng ta sẽ thấy là rất nhiều thí sinh điểm cao ở TPHCM Hà Nội sẽ không có chỗ học như mong muốn trong khi các trường địa phương thì không có người để tuyển. Vì nhiều thí sinh thà thi lại năm sau chứ không chịu học trường địa phương.

Thay vì quy định điểm sàn cứng nhắc như hiện nay, nên đưa ra mức sàn có tính mềm dẻo. Ví dụ các trường khu vực nên có mức điểm sàn thấp hơn các trường ở TP lớn từ 4-6 điểm. Như vậy các trường thỏa mãn nguồn nhân lực đầu vào, đủ để làm nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương.

Với cách tuyển sinh 3 chung như hiện nay cho thấy bộ còn ôm đồm công việc sự vụ, không xứng với tầm với vai trò quản lý Nhà nước. Việc tuyển sinh nên để các trường ĐH tự làm. Bộ nên tập trung đầu tư cho chất lượng giáo dục phổ thông, tiến đến một kỳ thi tú tài quốc gia đạt chuẩn nhằm dùng kết quả để các trường ĐH xét tuyển theo nhu cầu và đặc thù riêng của từng nhóm trường.

Ông Trần Ngọc Kim, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐHDL Phương Đông: Gây khó khăn cho một số trường

Điểm sàn không quá ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của trường tôi, cho dù năm nay số chỉ tiêu dành cho nguyện vọng 2 dự kiến là khá nhiều. Tuy nhiên, mức điểm sàn này cũng có thể gây khó khăn cho một số trường thuộc diện khó tuyển.

Theo Diễn đàn edu.net.vn, Người Lao Động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]