Kỳ lạ về ngôi đình 7 lần phá, 7 lần xây lại

15.4502
(ĐSPL) - Đình làng Đa Phước (quận Liên Chiểu, T.P Đà Nẵng) trải qua bao biến cố lịch sử, vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Song ít ai biết chuyện rất kỳ lạ: Ngôi đình này từng phá đi, dựng lại đến 7 lần với những tình huống rất ly kỳ.
Chết cũng phải giữ đình làng
Theo những bậc cao niên trong làng thì Đa Phước được hình thành vào đầu thế kỷ XV, có lịch sử hơn 500 năm, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính phường Hoà Khánh Bắc và một phần Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Làng có ngôi đình xây dựng từ năm nào chẳng ai xác quyết được, theo như cụ ông Bùi Hộ (91 tuổi), người cao niên nhất làng Đa Phước cho biết: "Đình làng Đa Phước có từ rất lâu rồi, từ cái thời ông nội của cụ Hộ ngôi đình đã có. Xưa kia, Đình làng to, đẹp nức tiếng trong vùng, có năm gian bốn mái hẳn hoi với ba hàng cột đình một người ôm không hết...".
Tương truyền, cách đây mấy trăm năm có một ông thầy địa lý có tiếng ở Huế trong chuyến công cán ở xứ Quảng Nam đi ngang qua ngôi đình làng Đa Phước, thấy phong thuỷ không hợp. Thầy phán, ngôi đình nằm chặn "long mạch" của làng nên không thể phát uy được, không chuyển hướng đình sớm thì tai ương sẽ ập vào làng chỉ trong nay mai. Cùng thời điểm đó, trong làng đột nhiên nảy sinh nhiều chuyện không hay, nên dân làng bèn họp nhau quyết định dời đình làng theo hướng Đông Bắc như thầy chỉ. Lạ thay, không chỉ mọi chuyện dều suôn sẻ.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, địch đồn trú ngay quả đồi phía trên đình làng Đa Phước, chĩa ngay họng pháo xuống đình. Lúc bấy giờ, muốn lên đồn bắt buộc chúng phải đi ngang qua cây cầu bắc qua cống đình (cống gần đình làng nên dân quen gọi là cống đình - PV). Cơ sở cách mạng của ta lúc bấy giờ quyết định phá cống đình để cắt đứt đường giao thông huyết mạch, tiếp tế lương thực đạn dược của địch. Thế là người thanh niên Bùi Hộ, cùng các thanh niên khác trong làng được cử ra đào cống dưới sự chỉ huy của Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính xã Đa Hoà - ông Phạm Đình Hiển.
Đang đào cống thì có hai tên lính Pháp chạy xe Jeep đi ngang qua, chúng tra hỏi. ông Hiển liền trả lời bằng tiếng Pháp là đang sửa đường dân sinh, tụi Pháp vặn lại: "Phá đường chứ sửa đường gì...". Không lâu sau, Pháp cho quân tới dỡ mái đình, hàng cột trụ, đem tất cả hoành phi, liễn thờ, sắc phong... đổ xuống lấp cống đình làm đường cho chúng đi qua. Khi quân Pháp vừa rút đi, dân làng liền tập trung gom góp vật liệu cùng nhau gây dựng lại ngôi đình.

Phóng to

Cụ Bùi Hộ - 91 tuổi, người làng Đa Phước. Ảnh: Phương Hưng
Sang thời kỳ chống Mỹ, nghi ngờ có bộ đội ta trốn ở trong đình, từ trên đồi cao địch ngày đêm xả đạn pháo xuống, đình làng chẳng mấy chốc trở thành đống tro tàn. Ngay cả tảng đá lớn ghi công đức những người xây dựng làng, cũng bị giặc Mỹ phá nát. Và cũng từ đây, con cháu trong làng chẳng còn biết ai là vị tiền hiền sáng lập ra làng để cúng bái, tri ân khi bao chứng từ, sổ sách đều bị thiêu rụi. Cụ Bùi Hộ chia sẻ: "Dân làng chúng tôi tâm niệm, còn đình thì còn làng, đình mất thì làng cũng tan, nên phải bằng mọi cách xây dựng lại đình làng. Vì thế, địch vừa phá tan hoang thì một thời gian sau ngôi đình lại được dựng lên ngay trên chính nền đất cũ. Quân Pháp dỡ đình bốn lần, lính Mỹ phá đình hai lần, thêm một lần sửa đình do phong thuỷ thì tính ra đình làng Đa Phước hôm nay đã thay "áo mới" đúng bảy lần".
Vượt qua “lời nguyền”
Người dân địa phương vẫn truyền tai nhau rằng đình làng Đa Phước linh thiêng lắm. Cứ nhắm thẳng hướng Đông Bắc, nếu có ngôi nhà dân nào nằm phía trước, cản luồng sinh khí của dương đình (tầm nhìn lên núi - PV) thì thế nào dân làng cũng bị xáo trộn, làm ăn thất bát, còn gia đình gia chủ thì hết gặp tai ương này đến vạ gió khác.
Câu chuyện bắt nguồn từ thời điểm người dân trong làng sinh sống làm ăn không được thuận lợi, mùa màng thất bát triền miên, nội bộ dân làng lục đục, xáo trộn đủ bề. Không lý giải được nguyên do nên dân làng lặn lội mời cho được ông thầy địa lý tận ngoài Huế vào xem sao. Thầy đứng trước sân, lẩm nhẩm tính toán rồi phóng cành cây về phía Đông Bắc phán rằng luồng sáng phía này bị nhà tiện nhân ngăn cản. Từ đó, hướng đình Đa Phước được xây dựng theo hướng Đông Bắc, chính điện nhìn về phía biển. Cũng vì chuyện này mà nhà ông cụ nội ông Hộ dù ở xóm Trảng cách đó cả gần dặm đường cũng phải chuyển đi nơi khác.  Thực hư câu chuyện này chưa rõ, nhưng cho đến tận ngày nay, từ đình Đa Phước phóng tầm mắt theo hướng Đông Bắc bán kính 1km không hề có một nhà dân nào. Khi chúng tôi thắc mắc về các khu công nghiệp xây dựng trước mặt đình có bị "lời nguyền" này ảnh hưởng hay không thì được cụ Hộ giải thích: "Ngày nay đất đai chật chội, theo chính sách quy hoạch của Nhà nước thì làm sao cấm cản được. Các nhà máy, xí nghiệp phía trước chỉ là nơi làm ăn, cổng chính cũng không hướng thẳng vào đình nên xét về phong thủy cũng không ảnh hưởng gì", minh chứng là 7 lần phá, 7 lần xây, đình vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Cây đa "trời sinh"

Cách đình làng Đa Phước không xa còn có một cốc rất lớn, chính tại cây cổ thụ này quân Pháp đã cho treo hàng chục sỹ phu yêu nước lên để tra tấn. Một số người bị giết được dân làng đem về mai táng tại nghĩa trang cách đình 100m. Trước mặt sân đình còn có một gốc đa kỳ lạ, người dân hay gọi là cây đa "trời sinh". Nguyên là thời kỳ chống Pháp có một đôi vợ chồng đi buôn đi ngang qua đình, thì đúng lúc Pháp nã pháo xuống làng Đa Phước, đôi vợ chồng không may trúng đạn chết. Dân làng đem thi thể về mai táng gần đó, không lâu sau từ nấm mồ của đôi vợ chồng này mọc lên một gốc đa.

Phương Hưng - Ái Linh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]