Kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hoàng đế xây dựng Colosseum

Cuộc nổi loạn của người Do Thái nổi lên ở Judaea và các thế lực La Mã phải vất vả để trục xuất họ ra khỏi đây. Lúc đó những chiến công đánh thắng người Anh của Vespasian đã được nhớ đến và ông được cử tới Judaea để ngăn chặn cuộc nổi loạn. Chiến thắng đó khiến Vespasian được coi là một người hùng và những của cải, tiền bạc mà ông thu được từ đó đã hỗ trợ nhà quân sự xây dựng đấu trường Colesseum sau này.

15.5614
(TT&VH) - Tên tuổi của Hoàng đế Vespasian (17/11/9 – 23/6/79) gắn liền với nhiều công trình La Mã ở thành Roma (Italia). Tuy đến tháng 11 tới mới tròn 2.000 năm ngày sinh của ông nhưng thủ đô của “đất nước hình chiếc ủng” đã tiến hành một loạt hoạt động lớn để tôn vinh ông, trong đó có triển lãm kéo dài 10 tháng mà tâm điểm là công trình nổi tiếng - đấu trường Colosseum.

Nhà quân sự xuất chúng
 
Đấu trường lớn nhất thời La Mã cổ đại này có thể chứa được ít nhất 50.000 người, nhưng thật tiếc là Colosseum chưa kịp hoàn tất khi Hoàng đế Vespasian qua đời vào năm 79. Khi khánh thành công trình này, con trai kiêm người thừa kế của Vespasian là Titus đã tổ chức cuộc đấu kéo dài hơn 100 ngày mà trong đó hơn 5.000 động vật hoang dã đã bị giết dưới mũi gươm của các võ sĩ giác đấu để mua vui cho những người cá cược. Mặc dù sau này Constantine - vị Hoàng đế La Mã đầu tiên cải sang đạo Công giáo - đã ra lệnh ngưng trò giải trí đẫm máu này, nhưng nó vẫn là thú tiêu khiển được yêu thích cho đến khi bị cấm hẳn vào đầu thế kỷ thứ 5.
 
Là công trình hoàn thiện của một nền văn minh, song Colosseum vẫn luôn bị gièm pha. Một số học giả của thế giới cổ đại coi đấu trường là gớm ghiếc, không có tinh thần kiến trúc bởi Colosseum được xây dựng gần Domus Aurea - Ngôi nhà Vàng của Nero - công trình thể hiện thói phù hoa và sự hám danh của vị hoàng đế bạo chúa này
 
Tên đầy đủ là Titus Sabinus Vespasianus và sau khi ông qua đời - giống như nhiều Hoàng đế đã khuất khác - Vespasian được tôn thờ như một vị thần. Vespasian là con trai của một người thu thuế ở quận Sabina, phía Bắc thành Roma. Ông không được học cao nhưng đã trở thành một nhà quân sự xuất sắc và được binh lính rất nể trọng.
 
Bức tượng bán thân của Hoàng đế Vespasian
 
Ngoài 30 tuổi, Vespasian tham gia cuộc xâm lược thứ hai của La Mã ở Anh, chiếm lĩnh được Isle of Wight cho Roma và áp dụng nhiều chiến thuật để vượt qua được những công sự phòng thủ hết sức kiên cố của người Anh. Năm 66, ông cùng đoàn tùy tùng của Hoàng đế Nero tới Hy Lạp nhưng đã mắc một sai lầm nghiêm trọng do ngủ gật trong một buổi hát độc diễn của vị hoàng đế mắc chứng hoang tưởng tự đại này. Vespasian đã thoát chết bằng việc trốn tới một tỉnh hẻo lánh. Tuy nhiên, một năm sau đó, ông được tha tội khi Nero nhận thấy cần người đàn ông này.
Đưa thành Roma trở về thời vinh quang
 
Roma rơi vào náo loạn và xảy ra nội chiến sau khi Nero tự vẫn bởi chỉ trong một năm đã có tới bốn đời hoàng đế lần lượt trị vì tại đây. Thời gian đó, Vespasian âm thầm tạo quyền lực cho mình. Với sự hậu thuẫn của quân đội và hai cậu con trai đã trưởng thành, ông hai lần được phong là Hoàng đế. Lần thứ nhất là do quân đội tiến cử vào tháng 7 năm 69, lần thứ hai là do Viện nguyên lão.

Theo đánh giá của một sử gia thời đó thì Vespasian là vị hoàng đế đã có nhiều thay đổi đáng kể từ sau khi lên nắm ngai vàng. Ông thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để khôi phục tài chính cho đế chế La Mã vốn đã rỗng tuếch bởi thói hoang phí của Nero. Khi ông lên nắm quyền lực, thành Roma lúc đó đầy rẫy các phế tích và khu vực bị bỏ hoang sau cuộc nội chiến. Để đưa thành phố này trở lại thời vinh quang, Vespasian đã trao quyền và mức vốn cần thiết cho bất cứ ai có hoài bão xây dựng công trình ở các khu vực đó. Kết quả là nhiều tòa nhà ngoạn mục đã hiện lên ở trung tâm và xung quanh Roma mà cho tới nay vẫn là điểm thu hút khách du lịch, trong đó có đền Hòa bình, Domus Flavia và đền Divo Vespasiano.
 
Mặc dù đạt được những thành tựu lớn, nhưng hoàng đế vẫn buộc người dân Roma phải nộp thuế đầy đủ. Đây là đặc điểm mà người ta thường nhớ về ông - đứa con trai keo kiệt và thích xoay xở làm giàu của một người thu thuế. Chẳng thế mà khi sinh thời sau khi xem màn trình diễn của một nghệ sĩ hề nổi tiếng diễn cảnh hoàng đế lúc chết, Vespasian đã hỏi các nhà tổ chức: “Một đám tang như vậy tốn bao nhiêu tiền”. Một người đáp: “Một trăm ngàn sestertii”. Hoàng đế nói: “Hãy cho tôi một trăm và quẳng xác tôi xuống sông Tiber”.
 
Nhân kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của ông, Roma đang thổi một cuộc sống mới vào thành phố cổ đại nơi ông đã tạo nên nhiều thay đổi. Nhiều bức tượng bán thân, phù điêu, vũ khí, tiền đúc và nhiều bức tranh nằm trong số 110 đồ khảo cổ đã và đang được trưng bày tại đấu trường Colosseum và Criptoportico, một công trình tọa lạc trên đồi Palatine.
 
Lương Tuấn Vĩ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]