Làm sao để vay được vốn trung và dài hạn?

BizLIVE - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình gợi ý, để vay được vốn trung và dài hạn trước hết doanh nghiệp cần phải quy hoạch vùng nguyên liệu và đánh giá tiềm năng phát triển thị trường của mình. Tweet

15.6009

Để vay được vốn, doanh nghiệp cần phải quy hoạch thị trường của mình để xem tiềm năng phát triển đến đâu.

Ông Bình cũng thừa nhận, việc khó tiếp cận vốn vay trung và dài hạn đang là thực tế đặt ra chung cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của nước ta.

“Trước đây chúng ta lấy hộ gia đình làm gốc, nên Nghị định 41 lấy trọng tâm là kinh tế hộ gia đình để giúp người dân đẩy mạnh sản xuất. Ai có khả năng sản xuất thế nào thì sản xuất. Nhưng giai đoạn đấy đã qua và bây giờ đã sang giai đoạn sản xuất hàng hóa”, Thống đốc nhận định.

ngại cho vay trung hạn

Trong buổi làm việc với Thống đốc Nguyễn Văn Bình sáng ngày 20/3, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc công ty TNHH thương mại Hùng Cường, kiến nghị cơ quan này có cơ chế hoặc chỉ đạo các NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp, đẩy mạnh tín chấp, đặc biệt là cho vay trung và dài hạn.

“Hiện doanh nghiệp đang vay vốn tại 3 TCTD với dư nợ khoảng hơn 100 tỷ đồng nhưng chủ yếu là vốn lưu động. Trong khi với doanh nghiệp chế biến chè thị thời gian thu hồi vốn cần phải 5 năm nên rất muốn vay được vốn trung và dài hạn”, ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, hiện các TCTD rất dè dặt trong việc cho vay vốn trung và dài hạn bằng việc thế chấp máy móc thiết bị.

Trong khi  với nhu cầu muốn đẩy mạnh và đổi mới quy trình sản xuất chế biến chè theo tiêu chuẩn quốc tế thì doanh nghiệp cần đầu tư máy móc thiết bị khoảng 4 – 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nguồn vốn này hiện đang rất khó khăn vì ngân hàng không cho vay tín chấp vốn trung dài hạn.

Ông Hùng cho biết công ty ông hoạt động rất tốt và liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Từ doanh thu 5 tỷ đồng ngày mới thành lập đã lên 150 tỷ đồng trong những năm qua. xuất khẩu chè san tuyết của công ty cũng đang mở rộng trên 24 nước bao gồm cả Châu Âu và Châu Á.

“Nay với nhu cầu mở rộng để tăng sản lượng chè xuất khẩu, nên doanh nghiệp đang rất cần vay vốn trung và dài hạn của ngân hàng, đặc biệt là vay theo hình thức tín chấp”, ông Hùng đề xuất.

Về vấn đề này, ông Bình cho rằng để được vay vốn, doanh nghiệp cần phải có quy hoạch cụ thể. “Cụ thể, với sản phẩm chè tuyết, doanh nghiệp cần phải xem thời gian qua tăng trưởng tốt thế nào và thời gian tới khả năng có tốt không? Đánh giá xem mức tăng trưởng của mình và trong tổng thể của cả nước thì khả năng tăng trưởng của mình tới đâu”, Thống đốc phân tích.

Thống đốc cho biết thêm, doanh nghiệp cần phải xem vùng nguyên liệu của mình phát triển đến đâu? Nếu không có sự vào cuộc của tỉnh, bộ nông nghiệp thì thế nào?

Theo Thống đốc Bình, điểm mấu chốt của vấn đề hiện này là chúng ta không có được cái quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch thị trường. Cái lớn nhất đối với nền kinh tế là thị trường, hàng hóa bán được thì phải có thị trường. Do vậy, cần phải đánh giá được tiềm năng thị trường, cả trong nước và ngoài nước.

“Thị trường thì mênh mông, còn doanh nghiệp không nhìn tổng thể được. Bởi vậy cần có cái quy hoạch của tỉnh, vùng, của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc chỉ ra thực tế, đó là, có nhiều hàng hóa của chúng ta lúc thiếu thì rất thiếu, lúc thừa thì rất thừa, do vẫn chưa có quy hoạch phát triển. “Trong khi, cái quan trọng là không được để cho thị trường bị thừa, nếu không giá cả sẽ bị rẻ đi”, Thống đốc Bình nhận định.

Sẽ sửa lại theo hướng thuận cho doanh nghiệp

Ông Bình cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang triển khai thí điểm 30 dự án trên toàn quốc về việc cho vay sản xuất theo chuỗi, trong đó, doanh nghiệp đứng ra làm nòng cốt.

“Nếu trước đây, ngân hàng vừa cho người nông dân và doanh nghiệp vay, thì nay, ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp vay. Doanh nghiệp sẽ đứng ra đảm bảo với ngân hàng để nhận vốn. Sau đó, thay vì cho người dân vay vốn, doanh nghiệp đảm bảo về giống, công nghệ và kỹ thuật chăm sóc cây cho người dân để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, với hình thức này, doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án với hạn mức tín dụng và chứng minh tính khả thi của dự án.

Tất nhiên, với hạn mức đó, doanh nghiệp phải chỉ rõ bao nhiêu dùng cho vốn lưu động, bao nhiêu dùng cho đầu tư máy móc thiết bị.

Ngân hàng sẽ dựa trên dự án đó để cho vay, trước hết là tín chấp, sau đó, doanh nghiệp sẽ phải thế chấp dần bằng tài sản của mình là nhà máy hay máy móc thiết bị.

“Mặc dù đã chốt 30 doanh nghiệp thí điểm, nhưng Hà Giang là tỉnh nghèo nên sẽ linh động. Nếu doanh nghiệp có đề án tốt thì sẽ đưa vào triển khai”, ông Bình nhấn mạnh.

Thống đốc cũng chỉ đạo Vietinbank tham gia với dự án này để hoàn thành đề án.

Doanh nghiệp có đề án rồi thì trình bài lên tỉnh, bộ nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường. Nếu được thông qua thì sẽ có ngân hàng giải ngân luôn.

Theo ông Bình, sang tháng 4 tới sẽ sơ kết dự án này để xem xét sửa đổi Nghị định 41 theo hướng cho vay doanh nghiệp.

Hiện Nghị định 41 lấy hộ gia đình làm gốc nên rất khó khăn bởi hộ gia đình thì khó áp dụng công nghệ đại trà, thường làm manh mún, từ đó mới dẫn tới chất lượng, năng suất kém không đồng đều. 

TRẦN GIANG

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]