Theo chân những người dân từ Bắc chí Nam đổ về TP. Hồ Chí Minh tìm kế mưu sinh, các món đặc sản địa phương cũng tụ hội về đây, tạo nên sự phong phú và đặc sắc của ẩm thực Sài Gòn. Và có lẽ nhắc đến Sài Gòn người ta mường tượng đến một thành phố năng động và hối hả, tập trung tinh hoa ẩm thực nhiều vùng miền.
Hầu như tất cả các món ngon nhất của mọi vùng miền đều tụ hội ở vùng đất này, đầy đủ từ sang trọng cho đến bình dân. Nếu muốn thưởng thức lẩu, có rất nhiều loại cho bạn lựa chọn. Nhưng đặc sắc nhất có lẽ là lẩu mắm – món ăn xuất phát từ miền sông nước miền Tây. Lẩu mắm là một trong những đại diện của ẩm thực miền Tây bình dân được nhiều người Sài Gòn biết đến.
Vị ngọt đậm đà, cay cay dậy lên mùi thơm của sả, quyện cùng mùi thơm của mắm, tạo nên món lẩu mắm thơm ngon đặc trưng. Lẩu mắm chủ yếu được nấu từ mắm cá linh và cá sặc. Để có được loại mắm thơm ngon phải tùy thuộc rất nhiều vào xuất xứ của mắm. Mặc dù món lẩu xuất phát từ Cần Thơ, nhưng có được mắm ngon người dân Khơme ở vùng Châu Đốc – An Giang mới làm ra con mắm ngon nhất.
Nồi Lẩu Mắm ngon
Với mong muốn mang đến cho người yêu ẩm thực một nồi lẩu mắm mang đúng hương vị và bản sắc của miên sông nước phù sa trù phú. Mắm nấu cho món này phải có ít nhất là ba loại là mắm sặt để có mùi thơm; mắm trèn để tăng vị ngọt đậm và màu sắc thắm đượm, mắm linh với cái hơi nhân nhẩn béo đặc biệt của cá đồng. Mắm làm nên hương vị chính thơm lừng cho nồi lẩu. Để có nồi lẩu mắm ngon phụ thuộc rất nhiều vào xuất xứ của mắm. Người dân miền Tây có bí quyết riêng giúp lẩu mắm không quá mặn, nồi lẩu lại ngả màu nâu đặc trưng của mắm, nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả vừa thơm lại vừa bắt mắt.
Sau khi nấu cho ra hết hương vị của mắm, lọc lại thật kỹ; hỗn hợp mắm được cho thêm nước dừa tươi nấu liu riu để mắm nương theo hương vị nước dừa dịu lại và dậy mùi thơm lừng. Bên cạnh đó, người ta còn phải pha mắm nấu với nước dùng nấu bằng xương heo để tăng vị ngọt. Nước lèo lẩu mắm đúng độ phải có hương vị thơm ngon, đậm đà một cách đằm thắm.
Vị ngon đậm đà, cay cay dậy lên mùi thơm của sả, quyện cùng mùi thơm của mắm tạo nên nồi lẩu mắm thơm ngon và đặc trưng. Ngoài mắm ngon, nổi lẩu không thể thiếu cà tím, thịt ba rọi, cá hú, cá lóc, mực, tôm, chả cá… đặc biệt, một mâm rau xanh tươi sẽ tăng thêm vị ngon cho nồi lẩu. Rau ăn lẩu đa dạng và phong phú với đầy đủ sắc màu xanh đỏ vàng từ xanh của rau đắng, kèo nèo, rau muống, cải xanh; đến màu vàng của hoa bí, đỏ của hoa súng, trắng của hoa so đũa…. và nhiều loại rau khác.
Các loại rau xanh từ quen thuộc đến dân dã đều có mặt với đủ hương vị chua, đắng, ngọt, chát như bắp chuối, rau muống, rau nhút, rau đắng, bông súng, kèo nèo, bông bí, cải xanh, đậu rồng, bông so đũa… và ăn kèm với nước chấm từ me cho hương vị thêm đậm đà.
Ăn lẩu mắm thường kèm với bún, khi ăn, bạn chần rau vào và gắp ra ngay cho rau vừa tái ăn sẽ ngon hơn. Đặc biệt, món ăn có thể dùng kèm nước mắm ngon hoặc nước mắm me kết hợp với ớt tươi sẽ thêm phần thú vị cho món ăn. Và lẩu mắm ngon nhất khi rau phong phú.
Nồi Lẩu đầy đủ đậm đạ, thơm phức
Để tự mình làm nên món lẩu mắm và thưởng thức được hết vị ngon đặc sắc của món ăn ngon này, hãy thử vào bếp bằng các hướng dẫn sau nhé!
Nguyên liệu
1 hủ mắm cá sặc
800 g xương heo
500 g thịt ba chỉ, xắt lát mỏng
1/2kg cá bông lau, (cá dứa, cá hú) rửa sạch cắt làm 2.
1/2kg mực tươi chà muối, rửa sạch. xắt miếng vuông 4 x 5cm (lạng xéo cho mực bông lên đẹp) xếp ra dĩa.
300 g tôm cỡ vừa, để nguyên vỏ
2 quả cà tím, chẻ 4 theo chiều dọc, cắt khúc
3 chén đậu đũa và đậu bắp cắt khúc 3 cm
1 tô nước dừa
3 nhánh sả đập dập
1 muỗng sả bằm
2 củ tỏi bằm
3 trái ớt
3 nhánh hành tươi
2kg bún nhỏ
Dầu ăn, muối, đường thẻ
Rau sống: rau muống bào, bắp chuối, ngó súng, rau nhút, rau đắng, giá, hẹ, 1/2 trái thơm cắt lát.
Rau thơm: húng quế, húng lũi , dấp cá….
Cách nấu lẩu mắm
1. Cho xương heo vào nồi nước lạnh rồi đun sôi trên lửa vừa, vớt bọt, nêm ít muối và giảm nhiệt, ninh trong 2-3 giờ. Vớt bỏ xương.
2. Dùng cái nồi nhỏ, cho vào nồi 2 lít nước lạnh nấu sôi, cho lọ mắm sặc đã pha sẵn vào, đun lửa nhỏ, tan mắm rã hết thịt mắm, lược lại bỏ xương mắm, thêm sả và nước cốt dừa vào hầm nhỏ lửa tới khi có được nồi súp hơi đục.
3. Cho dầu ăn vào chảo, phi tỏi hành và sả bằm cho thơm, xào thịt ba chỉ, nêm nước mắm, đường và tiêu.
4. Cho nước đun mắm sặc và sả vào nồi nước xương hầm. Đun sôi trở lại, nêm thêm đường thẻ mặn ngọt vừa ăn.
5. Khi ăn bạn cho tất cả ra nồi lẩu, đun sôi lại và cho tôm, thịt heo, đậu đũa, đậu bắp và cà tím vào nấu sôi 2 phút, nhúng kèm các thứ rau vào lẩu mắm.
Khi ăn gấp từng thứ ra chén. Ăn nóng với bún, chanh, ớt.
Các bạn lưu ý nấu lẩu mắm chúng ta phải lọc bỏ xương cá để không bị lẫn vào thức ăn, khi thưởng thức sẽ an toàn hơn.
Theo Tiepthigiadinh